Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Cựu cục trưởng Lãnh sự: Coi công dân bị mắc kẹt ở nước ngoài như người thân

Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan bị VKS đề nghị 18-19 năm tù về tội Nhận hối lộ. Bà bị xác định nhận hối lộ 32 lần, tổng 25 tỷ đồng, nhiều thứ ba trong 21 cựu quan chức bộ ngành địa phương bị xét xử cùng tội danh.

Bà Lan cùng các bị cáo thuộc Cục Lãnh sự bị cho là tạo thành nhóm lợi ích, gây khó khăn nhũng nhiễu, không minh bạch, buộc doanh nghiệp chi tiền để được giải quyết thủ tục. Với doanh nghiệp chưa thỏa thuận đưa hối lộ, họ sẽ gây khó dễ dưới nhiều hình thức.

Ví dụ, bà Lan tự ý ra văn bản yêu cầu dừng triển khai chuyến bay khi doanh nghiệp đã bán hết vé và thuê tàu bay; sát ngày bay mới thông báo, thay đổi kế hoạch bay, số hành khách, để doanh nghiệp “phải gặp chi tiền”, kết luận điều tra nêu.





Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan mới khắc phục 1,2 tỷ trong tổng 25 tỷ đồng nhận hối lộ. Ảnh: Ngọc Thành

Cựu cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan. Ảnh: Ngọc Thành

Tự bào chữa tại tòa chiều 18/7, bà Lan khẳng định luôn tạo điều kiện tối đa cho công dân ở nước ngoài về nước, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau” như chính sách của Nhà nước trong thời gian Covid-19.

“Tôi và các cán bộ Cục Lãnh sự luôn dựa trên các tôn chỉ này để cố gắng. Tôi luôn đặt công tác bảo hộ công dân và lợi ích công dân lên trên tất cả, luôn coi công dân bị mắc kẹt và gặp khó khăn ở nước ngoài như người thân, cần hỗ trợ đưa về sớm và hiệu quả nhất”, bà Lan phân trần.

Bị cáo nêu, suốt năm 2021 có một số doanh nghiệp đề xuất bà cắt các chuyến bay giải cứu (miễn phí) để tăng lượng chuyến bay combo (công dân tự chi trả), song bà đều từ chối vì biết không phải công dân nào cũng đủ tiền chi trả.

Với các chuyến bay combo, nhận phản ánh của công dân về giá các chuyến bay cao, dịch vụ không đúng cam kết, bà Lan khai chủ động liên lạc doanh nghiệp yêu cầu điều chỉnh, “giá vé đến tay công dân phải là giá đã công bố”.

Bà cho rằng mình và cán bộ Cục Lãnh sự không bao giờ lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để kiến nghị, đề xuất, ưu tiên các chuyến bay combo có trả phí. Bởi công tác bảo hộ công dân đã được triển khai thường xuyên từ rất lâu, có tiền lệ, “không phải đến dịch mới có chuyến bay giải cứu”.

Bà dẫn chứng năm 2011, hơn 11.000 người Việt mắc kẹt trong nội chiến Libya đã được Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao trợ giúp hồi hương miễn phí. Năm 2019, 39 công dân chết trong container đông lạnh ở Anh, Bộ Ngoại giao cũng được triển khai chuyến bay khẩn cấp, đưa thi thể trao trả cho người nhà nạn nhân trong thời gian sớm nhất.





Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng: Luôn nhắc anh em tận tụy, không được làm việc khuất tất

Cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng tự bào chữa, chiều 18/7. Ảnh: Ngọc Thành

Bà Lan phản đối ý kiến của một số bị cáo là chủ doanh nghiệp cho rằng Cục Lãnh sự cố tình gây khó khăn bằng cách thông báo sát ngày, không cấp phép… Bà khẳng định mình và cán bộ Cục Lãnh sự luôn báo cho doanh nghiệp các chủ trương, phê duyệt trong ngày, không để chậm trễ “vì cũng biết doanh nghiệp cần thủ tục, thời gian”.

“Có lúc cán bộ cấp dưới bận quá, tôi còn làm thay họ để sớm có công văn gửi doanh nghiệp”, bà nói.

Giải thích lý do mới nộp khắc phục 1,2 tỷ đồng trong con số 25 tỷ đồng nhận hối lộ, luật sư của bà Lan cho biết, gia đình thân chủ có hoàn cảnh “đặc biệt khó khăn”. Song bà Lan tự nguyện dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả.

Các tài sản của bị cáo Hương Lan đang bị kê biên gồm: một căn chung cư tại Giảng Võ, quận Ba Đình, trị giá khoảng 15 tỷ đồng; một căn chung cư tại Golden Palace trị giá 4,4 tỷ đồng, một ôtô 3 tỷ, cổ phiếu trái phiếu 5 tỷ, tiền trong tài khoản ngân hàng 200 triệu đồng và tiền mặt bị cơ quan điều tra thu giữ 1,126 tỷ. Tổng giá trị tài sản bị kê biên thu giữ khoảng 29 tỷ.

Luật sư cho rằng thân chủ phạm tội do bị cáo chưa thực sự nghiêm khắc tu dưỡng rèn luyện bản thân. Nhưng còn 3 nguyên nhân khách quan là: doanh nghiệp chủ động đưa tiền cho bà Lan; quy trình thủ tục cấp phép chuyến bay là hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ; nhu cầu về nước của công dân quá lớn, áp lực công việc quá cao.

Cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng: Không phân biệt được ranh giới giữa cảm ơn và hối lộ

Ông Tô Anh Dũng mở đầu phần tự bào chữa bằng việc “nhận tội”, nói không tham mưu trục lợi chính sách mà luôn nỗ lực hết sức” vì công việc và đồng bào. Mong muốn của ông khi đó là đưa bà con về an toàn nhất để tránh lây lan dịch bệnh, để “không có tội với đất nước và người dân”.

Khi xét duyệt các chuyến bay giải cứu tại Bộ Ngoại giao, ông Dũng cho biết, thường xuyên nhắc nhở anh em Cục Lãnh sự đảm bảo công văn tờ trình công khai, phải tận tụy cố gắng, không gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nghẹn ngào xin lỗi

 
 

Cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng khai đã nhận thức được sai lầm, ăn năn, hối lỗi. Video: Huy Mạnh

Phân trần về 37 lần nhận tiền với tổng cộng 21,5 tỷ đồng bị VKS cáo buộc, cựu thứ trưởng tái khẳng định lời khai ngày 12/7 về việc nhận tiền do nể nang nên phạm tội”. Ông Dũng nói nhận thức đơn giản nên “không phân được ranh giới giữa nhận tiền cảm ơn và nhận hối lộ”.

Nhắc về khoảng thời gian tạm giam, ông Dũng run giọng, hai tay ôm ngực, cúi mặt khóc nói “thành khẩn xin lỗi” Đảng, nhân dân. Ông cũng xin HĐXX giảm nhẹ, khoan hồng cho các bị cáo đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao, tổng 8 người (trong đó 4 cựu cán bộ Cục Lãnh sự, 2 cựu đại sứ và 2 cựu cán bộ đại sứ quán).

“Tôi phạm tội trong bối cảnh không có tiền lệ… Cả đời tôi đã phấn đấu, mong được về với gia đình những năm cuối đời”, cựu thứ trưởng nói.

Bào chữa cho ông Dũng, luật sư Lê Thành Kính cho hay, trong ngày 18/7, gia đình thân chủ đã hoàn thành nghĩa vụ khắc phục toàn bộ 21,5 tỷ đồng.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến sai phạm của thân chủ, theo ông Kính, do dịch bệnh căng thẳng, cựu Thứ trưởng Dũng khi đó phải dồn sức, dồn lực ngày đêm để giải quyết công việc giải cứu, không kịp có thời gian để kiểm tra, giám sát những công việc đã thực hiện. Ông Dũng không hình dung thấy hết tính chất phức tạp, nhạy cảm và khó kiểm soát của việc tổ chức các chuyến bay.





Luật sư Lê Thành Kính, bào chữa cho ông Tô Anh Dũng nêu quan điểm bào chữa, chiều 18/7. Ảnh: Ngọc Thành

Luật sư Lê Thành Kính, bào chữa cho ông Tô Anh Dũng, nêu quan điểm bào chữa, chiều 18/7. Ảnh: Ngọc Thành

Sau đó, khi nghe người dân phản ánh về giá cả các chuyến bay chưa hợp lý, ông Dũng “nhanh chóng có tờ trình báo cáo Chính phủ” để kịp thời chấn chỉnh, giải quyết.

Ông Dũng với 13 doanh nghiệp đưa hối lộ chưa từng gặp gỡ trước khi có chuyến bay giải cứu. Sau này, tại phòng làm việc, ông chỉ tư vấn về quy trình, nhắc họ đáp ứng đủ các điều kiện, “không có việc trao đổi hay ngầm hiểu về sự trục lợi và thỏa thuận ăn chia”.

Đánh giá các nhiệm vụ đặc thù của ông Dũng thời gian này là “chưa từng có trong tiền lệ”, luật sư cho rằng thân chủ là cán bộ chuyên nghiên cứu chính trị đối ngoại, không va chạm thực tế xã hội, với sự thiếu hiểu biết về pháp luật và cả nể nên không phân định được ranh giới giữa pháp luật và tình cảm, dẫn tới phạm tội. “Bị cáo suy nghĩ rất đơn giản theo truyền thống dân tộc, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, luật sư nói.

Ông Dũng trước đó, bị VKS đề nghị 12-13 năm tù, cao thứ tư trong nhóm 21 người bị truy tố Nhận hối lộ.

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng.

Phạm Dự – Thanh Lam



Leave a Comment

0.0/5