Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đề xuất gắn vòng điện tử với người bị cấm đi khỏi nơi cư trú

Bộ Công an đang làm hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, trong đó đề xuất hai giải pháp quản lý người bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Giải pháp đầu tiên, giữ nguyên như quy định trong Bộ Luật Tố tụng hình sự hiện hành. Tức là, người bị cấm đi khỏi nơi cư trú phải làm giấy cam đoan không đi khỏi nơi cư trú nếu không được nhà chức trách cho phép; có mặt theo giấy triệu tập, trừ lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan; không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội… Nếu vi phạm, những người này sẽ bị tạm giam.

Bộ Công an đánh giá giải pháp này không mang lại tác động tích cực và gây khó khăn cho nhà chức trách khi theo dõi, giám sát người bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Quy định hiện hành cũng được đánh giá chưa phù hợp xu thế phát triển của thế giới.

Bộ Công an đề nghị lựa chọn giải pháp gắn vòng giám sát điện tử đeo tay hoặc chân với người bị cấm đi khỏi nơi cư trú để họ không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội. Những người này phải đeo vòng giám sát điện tử trong thời gian áp dụng biện pháp ngăn chặn để nhà chức trách theo dõi di chuyển, vị trí và nhận dạng từ xa. Một hệ thống tích hợp để giám sát việc theo, mở thiết bị trái phép cũng được xây dựng.

Biện pháp này được Bộ Công an tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trong việc quản lý người chấp hành án hình sự ngoài cộng đồng như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan. Theo cơ quan soạn thảo, sau ba năm Thái Lan thực việc gắn vòng giám sát điện tử, người vi phạm rất ít, giảm chi phí so với quản lý trong trại giam.

Bộ Công an cho rằng khi gắn vòng giám sát điện tử, số lượng bị can, bị cáo bị tạm giam cũng sẽ giảm, góp phần giảm chi phí cho ngân sách. Trật tự, an ninh cho doanh nghiệp, người dân cũng tốt hơn. Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước sẽ phải chi trả việc mua thiết bị giám sát, xây dựng trung tâm quản lý giám sát điện tử, duy trì hoạt động của các thiết bị liên quan.

Giải pháp này đồng thời cũng làm phát sinh chi phí sửa các văn bản quy phạm pháp luật, ước tính khoảng 2 tỷ đồng.

Một thiết bị giám sát điện tử sử dụng trong hệ thống tư pháp tại Mỹ. Ảnh: 123RF

Một thiết bị giám sát điện tử sử dụng trong hệ thống tư pháp tại Mỹ. Ảnh: 123RF

Theo thống kê của cơ quan soạn thảo, từ đầu năm 2018 đến cuối năm 2023, toàn quốc có 210.500 người bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Những người này “cơ bản chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ”. Tuy nhiên, vì chưa ứng dụng khoa học công nghệ nên nhà chức trách không biết họ đi đâu, làm gì để quản lý. Có người bỏ trốn dẫn đến cảnh sát phải truy nã.

“Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu bổ sung quy định về thiết bị giám sát điện tử (vòng đeo tay hoặc chân) để quản lý, theo dõi người bị cấm đi khỏi nơi cư trú”, dự thảo tờ trình Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú nêu.

Hồi đầu tháng 6, TAND Tối cao cũng đề xuất gắn thiết bị giám sát điện tử với người chưa thành niên là bị can, bị cáo nhằm đảm bảo sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án.

Giám sát điện tử (EM) được nhiều quốc gia sử dụng với mục đích giảm hình phạt tù, như sử dụng trước khi xét xử để giảm lệnh tạm giam, sử dụng sau khi kết án như một hình phạt cải tạo không giam giữ thay thế hình phạt tù, hay được sử dụng như một hình thức trả tự do trước thời hạn hoặc ân xá có điều kiện.

Tại Mỹ, việc giám sát điện tử được thực hiện bằng thiết bị theo dõi gắn ở cổ tay và mắt cá chân, điện thoại di động có hệ thống an ninh sinh trắc học, thiết bị khóa liên động đánh lửa ôtô (để kiểm soát nồng độ cồn)…

Tại Hàn Quốc, hệ thống giám sát điện tử được triển khai vào năm 2008. Theo quy định, tất cả tù nhân đã ra tù có tiền sử phạm nhiều hơn hai tội bạo lực tình dục hoặc từng tấn công tình dục trẻ vị thành niên, cũng như các tù nhân đã được ân xá hoặc hưởng án treo cần được giám sát trong cộng đồng, đều phải đeo vòng điện tử ở cổ chân. Nhà chức trách cho biết hệ thống giám sát điện tử giúp giảm cảm giác bất an của công chúng, ngăn chặn tội phạm tái phạm, nâng cao hiệu quả điều tra, có tác dụng kiềm chế hành vi của người đeo về mặt tâm lý.

Năm 2019, Trung Quốc cho phép cơ quan thực thi pháp luật sử dụng các phương pháp xác minh thông tin như định vị điện thoại di động và cuộc gọi video để nắm bắt hoạt động của những người cần quản lý, có thể sử dụng thiết bị đeo tay điện tử không thể tháo rời nhưng thời gian không quá ba tháng. Trung Quốc cũng sử dụng thiết bị đeo tay điện tử để giám sát những đối tượng có hành vi phạm tội nhưng chưa đến mức phải ra lệnh bắt.

Viết Tuân



Leave a Comment

0.0/5