Gary Heidnik, sinh năm 1943 ở Cleveland, Ohio trong gia đình giàu có nhưng bố nghiện rượu, bạo hành và mẹ có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Tốt nghiệp trung học, Gary làm nhân viên y tế trong quân đội, nhưng sau đó được xuất ngũ vì bệnh tâm thần. Tuy nhiên, bạn thân của Gary tiết lộ hắn chỉ bị suy nhược thần kinh, sau đó nghĩ cách lợi dụng các khoản trợ cấp thương tật khi xuất ngũ.
Với bằng y tá, Gary làm việc tại bệnh viện dành cho cựu chiến binh nhưng nhanh chóng bị sa thải vì thiếu chuyên cần và có vấn đề nghiêm trọng về thái độ. Với tiền của gia đình và sức hút ngoại hình, Gary trở thành nhà thuyết giáo được nhiều người kính trọng, thường dạo phố trên chiếc Cadillac sang chảnh.
Tuy nhiên, điều Gary mong muốn hơn cả là một gia đình. Hắn hẹn hò với những phụ nữ da màu bị khuyết tật thần kinh, một trong đó là Gail Lincow. Gail sinh con trai cho hắn nhưng đứa trẻ được đưa vào cơ sở xã hội ngay sau khi chào đời.
Một bạn gái khác là Anjeanette Davidson sinh con gái tên Maxine vào năm 1978. Maxine mù chữ và bị thiểu năng trí tuệ với chỉ số IQ là 49 nên cũng được đưa vào cơ sở xã hội. Điều này khiến Gary vô cùng tức giận.
Một thời gian sau, Gary bắt cóc người chị bị thiểu năng của Anjeanette là Alberta Davidson. Alberta 34 tuổi nhưng chỉ có năng lực trí tuệ của đứa trẻ 5 tuổi. Gary bị cáo buộc đưa Alberta ra khỏi viện, cưỡng hiếp và giam giữ cô trong phòng chứa đồ ở tầng hầm nhà hắn.
Nhà chức trách tìm thấy Alberta sau hai lần khám xét và buộc tội Gary với nhiều tội danh. Bác sĩ tâm thần được thẩm phán chỉ định khám cho Gary đưa ra cảnh báo rằng có “khả năng cao” Gary sẽ lại phạm tội tương tự. Tuy nhiên, vì Alberta không đủ khả năng ra tòa làm chứng, Gary chỉ bị kết án về những tội danh ít nghiêm trọng hơn. Hắn bị phạt mức án tối đa là ba đến bảy năm tù.
Sau khi thụ án hơn bốn năm, Gary được ân xá vào ngày 24/3/1983. Khoảng thời gian ngồi tù không làm hắn nguôi nỗi ám ảnh. Khi ra ngoài, không tìm thấy Anjeanette, Gary cảm thấy xã hội nợ mình một người vợ và gia đình.
Gary sử dụng dịch vụ hôn nhân vào năm 1983 để gặp Betsy Disto, một phụ nữ ở Philippines. Họ trao đổi thư từ trước khi Betsy đến Mỹ kết hôn vào năm 1985.
Cuộc hôn nhân kết thúc chỉ sau vài tháng ngắn ngủi. Betsy tố cáo Gary cưỡng hiếp. Gary bị buộc tội hành hung, cưỡng hiếp vợ, quan hệ tình dục lệch lạc không tự nguyện, nhưng tất cả cáo buộc bị bãi bỏ vì Betsy không xuất hiện trong phiên điều trần đầu tiên. Cô chạy trốn với sự trợ giúp từ cộng đồng người Philippines ở Philadelphia.
Betsy xuất hiện trở lại để yêu cầu Gary cấp dưỡng nuôi con trai sinh vào tháng 9/1986. Tuy nhiên, Gary không giữ liên hệ với cả hai. Sau nhiều năm, tưởng tượng về một gia đình của hắn tan vỡ.
Tháng 11/1986, Gary bắt cóc Josefina Rivera, 25 tuổi, bà mẹ ba con từng nghiện ma túy và đang hành nghề mại dâm. Gary dụ dỗ Josefina đến nhà để mua bán dâm, sau đó đánh lén cô, xích tay chân và ném vào một cái hố được lót ván dưới tầng hầm ngôi nhà ở Philadelphia.
Gary nói với Josefina về lý do gây án: “Tôi muốn có con, thật nhiều con. Tôi đã có con rồi nhưng chính quyền bang cứ đưa chúng đi khỏi tôi. Giờ tôi đã có cách sinh con để không ai có thể mang chúng đi. Cô chỉ là khởi đầu. Cô sẽ sinh con cho tôi tại đây. Nhưng không chỉ cô mà tôi muốn có 10 cô gái ở đây để tất cả sinh con cho tôi”.
Josefina trải qua nhiều tuần bị nhốt trong hố một mình cho đến khi có thêm nạn nhân là Sandra Lindsey, 24 tuổi, mắc chứng chậm phát triển trí tuệ, từng tham dự các buổi lễ tại nhà thờ của Gary. Trong những tuần tiếp theo, thêm ba phụ nữ bị bắt cóc là Lisa Thomas, 19 tuổi, Deborah Dudley, 23 tuổi, và Jackie Askins, 18 tuổi.
Các nạn nhân không được cho ăn uống, bắt nằm nhiều ngày liền trong hố tối tăm, chật hẹp. Gary cưỡng hiếp để thực hiện ước mơ về một “hậu cung sinh nở” và những đứa con hoàn hảo.
Josefina trở thành trợ thủ bất đắc dĩ của Gary, thậm chí còn giúp hắn tra tấn những người phụ nữ khác để được sống sót. Sau đó, Sandra, Deborah chết sau khi bị phạt treo cổ tay lên xà nhà trong nhiều ngày.
Josefina thành công lấy được lòng tin của Gary. Hắn đưa cô đi cùng để phi tang thi thể Deborah trong rừng và săn tìm một cô gái khác. Tháng 3/1987, Gary bắt cóc gái mại dâm 24 tuổi tên Agnes Adams.
Như một phần thưởng cho lòng trung thành, Gary cho phép Josefina gọi điện cho gia đình ở một bốt điện thoại công cộng vào ngày 24/3/1987. Cô lập tức báo cảnh sát.
Cảnh sát đột kích ngôi nhà, giải cứu ba phụ nữ. Gary bị bắt gần hiện trường.
Tháng 4/1987, Gary bị truy tố với hai tội danh giết người cấp độ một và nhiều tội danh hiếp dâm, bắt cóc và tra tấn. Hắn không nhận tội.
Những tội ác của Gary quá suy đồi và quá mâu thuẫn với hình ảnh một người đàn ông giàu có, được kính trọng mà hắn thể hiện với thế giới bên ngoài. Những chi tiết khủng khiếp về những gì hắn đã làm với sáu phụ nữ tạo cơn bão truyền thông ở Mỹ.
Dù đã được tự do, các nạn nhân vẫn phải đương đầu với thử thách khốc liệt và chấn thương tâm lý từ tháng ngày bị giam cầm.
Bất chấp việc Josefina cứu họ, ba người sống sót muốn buộc tội cô như Gary. Họ cho rằng cô đã giết Deborah và làm nhiều việc dù không bị bắt ép. Tuy nhiên, ủy viên công tố từ chối buộc tội Josefina, lý do là cô đã cứu các nạn nhân và việc bị Gary bắt tham gia tội ác cũng là một hình thức tra tấn khác dành cho cô.
Tất cả nạn nhân sống sót nhận được bồi thường 30.000 USD.
Phiên tòa xét xử Gary diễn ra vào tháng 6/1988. Phía luật sư bào chữa cố chứng minh hắn bị mất trí. Họ cho rằng Gary bị bệnh tâm thần và Josefina mới là kẻ chủ mưu thực sự đằng sau tất cả.
Tuy nhiên, bồi thẩm đoàn phán quyết Gary có tội với mọi tội danh sau phiên tòa kéo dài hơn một tháng. Hắn bị kết án tử hình.
Một bồi thẩm viên nói rằng Gary chắc chắn đủ minh mẫn khi tích lũy một khoản tài sản trên thị trường chứng khoán và chắc chắn đủ nhận thức để che đậy dấu vết khi bắt cóc những cô gái.
Maxine là đứa con duy nhất xuất hiện trước công chúng vì muốn cứu bố khỏi án tử. Cô thay mặt Gary đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao nhưng bị bác đơn trong lần kháng cáo cuối cùng.
Gary bị tiêm thuốc độc và được tuyên bố tử vong vào lúc 22h29 ngày 6/7/1999 ở tuổi 55. Hắn là tù nhân cuối cùng ở Pennsylvania bị xử tử.
Sự tàn bạo của Gary Heidnik gợi cảm hứng cho các nhà làm phim xây dựng một nhân vật kinh dị mang tính biểu tượng là kẻ giết người hàng loạt Buffalo Bill trong Sự im lặng của bầy cừu, bộ phim đoạt giải Oscar năm 1991.
Tuệ Anh (Theo Oxygen)