Bộ trưởng Công an Tô Lâm vừa thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Theo Bộ trưởng, toàn quốc hiện có khoảng 300.000 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng này. Trong đó, có 66.700 bảo vệ dân phố, 70.800 Công an xã bán chuyên trách và hơn 161.000 đội trưởng, đội phó đội dân phòng.
Sau khi xây dựng dự luật, các chức danh đang hoạt động sẽ được giữ nguyên trạng và kiện toàn thống nhất thành lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bố trí thành Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, tổ dân phố theo mô hình Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.
Để bảo đảm hoạt động của lực lượng an ninh cơ sở, mỗi địa phương cần 2-2,5 tỷ đồng một tháng, tương đương 20-30 tỷ/năm. Trong khi đó, quy định cho phép tổng mức chi trung bình dự kiến của một địa phương cho lực lượng an ninh, trật tự cơ sở sau khi kiện toàn khoảng 2,4 tỷ/tháng, tương đương 28,8 tỷ/năm.
“Như vậy, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng an ninh, trật tự cơ sở so với tổng mức chi thực tế hiện nay là cân đối và không làm tăng chi ngân sách nhà nước”, báo cáo nêu.
Về lâu dài, lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó đội dân phòng sẽ được kiện toàn thống nhất thành một lực lượng chung. Địa phương vì vậy sẽ có điều kiện bảo đảm tốt hơn nữa về chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện (gồm bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách), làm nòng cốt bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Lực lượng này có chức năng triển khai yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan Công an có thẩm quyền.
Tiêu chuẩn tham gia là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi, bản thân và gia đình chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đảm bảo sức khỏe; cư trú ổn định tại địa bàn; lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, không có tiền án, tiền sự và có đơn tự nguyện tham gia.
Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được Chính phủ trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020). Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Quốc hội đã tổ chức biểu quyết, sau đó Thường vụ Quốc hội chuyển về dự thảo Luật Chính phủ để cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu, hoàn chỉnh. Dự kiến, dự luật sẽ tiếp tục trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, khai mạc 22/5.