Ngày 18/9, một trong 4 luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan trong cả hai giai đoạn vụ án cho biết, dù đang mang bản án tử hình (sơ thẩm) về các sai phạm tại SCB, song bà Lan tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tìm mọi phương cách để khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư mua trái phiếu của Vạn Thịnh Phát.
Ở giai đoạn hai của vụ án, bà Lan bị truy tố 3 tội danh. Trong đó, bà này và đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.869 tỷ đồng của 35.824 bị hại qua hình thức phát hành trái phiếu khống. Tinh thần và sức khỏe của bà Lan trước phiên xử ngày mai (19/9) “khá tốt”, theo luật sư.
Trước đó, bà Lan đề nghị nhiều khoản tiền đã được cơ quan tố tụng thu hồi trong cả giai đoạn một và giai đoạn hai của vụ án có thể được ưu tiên dùng để khắc phục thiệt hại cho các trái chủ.
Cụ thể, tính đến ngày 8/7, gia đình bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nộp hơn 386 tỷ đồng; bản án sơ thẩm của TAND TP HCM đã buộc các tổ chức, cá nhân nộp lại hoặc hoàn trả cho bà Lan các tài sản, tiền mặt giá trị khoảng 21.000 tỷ đồng. Cùng với đó là tài sản của bà Lan hoặc có liên quan đến bà Lan bị kê biên, phong tỏa với giá trị quy đổi là hơn 12.300 tỷ đồng.
Ngoài ra, bà Lan khai, khoảng hơn 17.300 tỷ đồng có nguồn gốc từ việc phát hành trái phiếu đã được bà này dùng để trả nợ cho 9 tổ chức tín dụng. Cơ quan điều tra đã làm rõ những đơn vị, tổ chức sử dụng số tiền này. Do vậy, bà Lan đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng thu hồi số tiền vật chứng trên để trả lại cho các nhà đầu tư.
Động thái này của bà Lan được cho là thực hiện theo bản án sơ thẩm của TAND TP HCM hồi tháng 4 (giai đoạn một của vụ án, liên quan đến các sai phạm của bà Lan cùng đồng phạm tại SCB và Vạn Thịnh Phát), xác định các tài sản và khoản tiền thu hồi sẽ dùng để khắc phục, đảm bảo nghĩa vụ của bà Lan trong toàn bộ vụ án (bao gồm giai đoạn một và hai); đồng thời sẽ ưu tiên thi hành án cho các bị hại mua trái phiếu.
Ngoài các tài sản đã thu hồi được trong giai đoạn một, tòa cũng đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) và VKSND Tối cao trong quá trình điều tra giai đoạn hai của vụ án cần tiếp tục làm rõ các tài sản của 5 bị cáo đang trốn truy nã, và bản chất của các giao dịch liên quan đến bà Lan, để thu hồi khắc phục hậu quả của vụ án.
Ở giai đoạn đầu, bà Trương Mỹ Lan bị xác định trong 10 năm thâu tóm SCB đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Tuy nhiên, đến thời điểm xét xử sơ thẩm, đã có một số khoản vay đã được tất toán, bị cáo Lan cũng nộp thêm một số tiền khắc phục hậu quả nên còn bồi thường hơn 673.800 tỷ đồng.
TAND TP HCM tuyên phạt bà Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bà Lan phải chấp hành án tử hình.
Sáng mai, TAND TP HCM sẽ xét xử giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bà Trương Mỹ Lan cùng 33 người bị truy tố về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền; Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Trong đó, Trương Huệ Vân bị cáo buộc giúp bà Lan chiếm đoạt 13.000 tỷ đồng của trái chủ; ông Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) bị cáo buộc đồng phạm với vợ về tội Rửa tiền.
Cơ quan công tố xác định các bị can đã có hành vi vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD (khoảng 106.730 tỷ đồng) qua biên giới trong 10 năm; rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng và lừa 35.824 bị hại qua hình thức phát hành trái phiếu khống, chiếm đoạt đảo hơn 30.869 tỷ đồng.
Các bị hại trong vụ án được xét xử vắng mặt, song TAND TP HCM “vẫn đảm bảo quyền và lợi ích cho các đương sự theo quy định của pháp luật”.
Phiên xử dự kiến kéo dài trong một tháng.
Hải Duyên