Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nhân viên cấp cứu bị kiện vì bỏ người ‘vẫn còn thở’ vào túi đựng xác

Ngày 3/7, Tòa phúc thẩm Michigan ra phán quyết khôi phục vụ kiện chống lại 4 nhân viên cấp cứu thành phố Southfield, bang Michigan.

Những người này bị cáo buộc đã cho một nữ bệnh nhân vào túi đựng xác, tuyên bố đã chết và đưa đến nhà tang lễ trong khi cô vẫn còn sống.

Hồ sơ thể hiện, Timesha Beauchamp, 20 tuổi, bị bại não và chủ yếu được mẹ chăm sóc. Ngày 23/8/2020, mẹ của Timesha phát hiện cô không phản ứng và đã gọi 911.Bốn nhân viên y tế đã tới, cố gắng hô hấp nhân tạo và thở máy, thấy rằng các nỗ lực hồi sức không thành công. Họ thông báo Timesha đã chết.

Một nhân viên nhà tang lễ đã đến và hỏi liệu cô gái này có thực sự chết không vì ngực vẫn chuyển động. Song Timesha vẫn được cho vào túi đựng xác và đưa đến nhà tang lễ.

Khi mở khóa túi, người ướp xác thấy Timesha đang “thở hổn hển với đôi mắt mở và ngực phập phồng lên xuống”, hồ sơ nêu.

Cô được đưa đến một bệnh viện gần đó và được đặt máy thở, sống thêm sáu tuần nữa trước khi chết vì chấn thương não.

Cảnh sát trưởng thành phố Southfield họp báo về vụ án, hồi tháng 8/2020. Ảnh: NBC

Cảnh sát trưởng thành phố Southfield họp báo về vụ án, hồi tháng 8/2020. Ảnh: NBC

Đại diện gia đình của Timesha đã đệ đơn kiện thành phố Southfield và các nhân viên cấp cứu vì tội Cẩu thả nghiêm trọng Vi phạm quyền hiến định của Timesha, “cố tình thờ ơ với nhu cầu y tế nghiêm trọng của bệnh nhân”.

Họ viện dẫn tại Tu chính án 14 Hiến pháp Mỹ quy định: “…không một tiểu bang nào được tước đoạt mạng sống, quyền tự do hoặc tài sản của bất kỳ ai mà không thông qua thủ tục tố tụng hợp pháp”…

“Nhiều chỉ số y khoa” trong hồ sơ thể hiện Timesha vẫn còn sống. Theo kết quả xét nghiệm của tòa án, “điện tâm đồ cho thấy cô ấy vẫn tiếp tục thở, máy theo dõi tim cho thấy hoạt động điện, và cha mẹ cô vẫn cảm nhận được hơi thở và mạch đập của con gái”.

Cha mẹ Timesha đã nói điều này song các nhân viên cấp cứu “vẫn giữ nguyên kết luận Timesha đã chết, giải thích các dấu hiệu của sự sống là phản ứng với thuốc”.

Vụ kiện đã được đưa ra xét xử tại nhiều tòa án, song Tòa Phúc thẩm vẫn phán quyết vào tháng 7 năm ngoái, rằng các nhân viên cấp cứu được hưởng quyền miễn trừ có điều kiện đối với tội Vi phạm quyền hiến định.

Quyển miễn trừ có điều kiện là một quy định, bảo vệ các cán bộ, viên chức nhà nước khỏi trách nhiệm pháp lý trong các vụ kiện dân sự.

Tuy nhiên, khiếu nại về tội Cẩu thả nghiêm trọng vẫn đang được tiến hành tại tòa án tiểu bang Michigan. Tòa đã chấp thuận đề nghị của bị đơn và bác vụ kiện.

Song Tòa Phúc thẩm Michigan đã đảo ngược phán quyết và nhận thấy tòa sơ thẩm đã vội vàng bác vụ án khi chưa cả tiến hành điều tra.

Vụ kiện được Tòa phúc thẩm xác định là về nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong: Gia đình bệnh nhân cáo buộc rằng cái chết của Timesha và các thương tích khác là do những nhân viên cấp cứu đầu tiên gây ra.

Nguyên đơn lập luận rằng nếu các nhân viên y tế không tuyên bố sai rằng Timesha đã chết, các thành viên trong gia đình cô có thể đã tìm kiếm sự chăm sóc y tế bổ sung cho cô và tránh việc vận chuyển cô trong túi đựng xác.

Tòa phúc thẩm cũng quyết định bác bỏ các khiếu nại với hai bị đơn là cảnh sát được gọi đến hiện trường, do hành vi của các cảnh sát “không thể là nguyên nhân gây ra thương tích cho Timesha”. Bởi 4 nhân viên cấp cứu, mới thực sự là những người chịu trách nhiệm xử lý việc chăm sóc y tế cho cô.

Hiện tòa phúc thẩm đang phân công điều tra lại vụ việc, trước khi ấn định ngày xét xử.

Hải Thư (Theo Law and Crime)



Leave a Comment

0.0/5