Trong vụ án sẽ được TAND Hà Nội xét xử ngày 22/7, ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc hai tội danh, trong đó thiệt hại từ hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được xác định 3.621 tỷ đồng; hành vi Thao túng thị trường chứng khoán là 684 tỷ đồng. Tổng cộng 4.305 tỷ đồng. Trong 50 bị can có 15 người thân, họ hàng, bạn bè thân quen của ông Quyết.
Theo luật sư bào chữa cho ông Trịnh Văn Quyết, hôm 9/7, người thân của bị can đã nộp thêm 23 tỷ đồng.
Tại cáo trạng, VKSND Tối cao ghi nhận ông Quyết đã khắc phục hơn 189,5 tỷ đồng. Do vậy, tổng số tiền ông khắc phục là 212,5 tỷ đồng, tương đương 5% thiệt hại toàn vụ án. Thông qua luật sư, ông Quyết xin dùng các tài sản cá nhân để khắc phục hậu quả; bày tỏ “đã nhận thức và xin chịu trách nhiệm” về sai phạm.
Ông Quyết cùng hai em gái, bị can Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga, bị kê biên hơn 2.200 m2 nhà đất tại quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy (Hà Nội).
Theo đề nghị của Bộ Công an, 500 tài khoản chứng khoán của bà Huế với tổng số dư 7,6 tỷ đồng cùng 243 triệu cổ phiếu (thuộc các mã GAB, FLC và ART) cũng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phong tỏa. Các mã cổ phiếu này đều đã bị đình chỉ giao dịch.
VKSND Tối cao cáo buộc, ngoài hành vi nâng khống vốn của Công ty Faros gấp 2.866 lần và dùng phương thức gian dối để niêm yết trót lọt cổ phiếu ROS lên sàn HOSE, ông Quyết còn dùng 5 mã chứng khoán của các công ty thuộc “hệ sinh thái FLC” là AMD, HAI, GAB, FLC, ART để “khuấy đảo” thị trường suốt 5 năm, thu lợi bất chính 684 tỷ đồng.
Cấp khống 170.000 tỷ đồng để tạo “cơn sốt chứng khoán” ảo
Công ty được ông Quyết sử dụng trong vụ thao túng này là BOS, tiền thân là Công ty Cổ phần chứng khoán FLC, thành lập từ năm 2008, ông Quyết là một trong 5 cổ đông sáng lập. Trong giai đoạn xảy ra hành vi thao túng thị trường (2017-2022), BOS do bị can Hương Trần Kiều Dung làm Chủ tịch HĐQT.
Bà Dung lúc này cũng là Phó chủ tịch thường trực HĐQT FLC và lãnh đạo tại 5 công ty khác cùng “hệ sinh thái”.
Những “sếp” khác tại BOS đều là người nhà ông Quyết: em gái Trịnh Thị Thúy Nga (Phó Chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc); anh vợ Lê Bá Nguyên (chủ tịch thường trực)…
Theo cáo buộc, ông Quyết cùng các “sếp” tại BOS thống nhất nhờ người nhà đứng tên lập 20 công ty sân sau, mở 500 tài khoản chứng khoán. Họ sau đó dùng BOS để gần 1.600 lần cấp khống tiền cho các tài khoản này (cho mua cổ phiếu trong khi tài khoản chứng khoán không có tiền). Tổng giá trị cấp khống 170.000 tỷ đồng. Nhóm ông Quyết liên tục mua bán 5 mã chứng khoán MD, HAI, GAB, FLC, ART với mục đích “chi phối thị trường vào thời điểm đóng mở cửa, đặt lệnh mua bán sau đó hủy để tạo cung cầu giả tạo, thao túng thị trường”.
Đầu giờ giao dịch hằng ngày, ông Quyết cùng bị can Huế chỉ định các tài khoản chứng khoán sẽ được cấp khống tiền hôm đó. Bà Huế sau đó gọi điện nhắn tin cho chị gái, bị can Nga, thông báo các tài khoản thiếu tiền, cần được BOS cấp hạn mức khống để mua bán cổ phiếu.
Nhận danh sách, bà Nga chỉ đạo thuộc cấp tại BOS vào phần mềm quản trị tìm các tài khoản đó, đánh máy số tiền cần cấp khống, nhấn “duyệt”. Các tài khoản sau đó sẽ tự đồng “đủ tiền” mà không cần nộp đồng nào.
Bị phạt vẫn tái diễn sai phạm thêm 3 năm
Ngày 31/10/2019, BOS bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt hành chính 125 triệu đồng vì “cho khách hàng mua chứng khoán khi không có đủ tiền”. Nhưng BOS không dừng lại mà “tiếp diễn với số tiền cấp khống lớn hơn”, cáo trạng nêu.
Trong thời gian này, bà Nga bị cáo buộc một mặt vẫn liên tục cấp khống tiền cho các tài khoản chứng khoán để em gái Huế “khuấy đảo” thị trường. Mặt khác, các “sếp” còn lại của BOS lo “đối phó” với đoàn kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Kết thúc đợt kiểm tra, bị can Chu Tiến Vượng, Chánh văn phòng HĐQT của BOS, đã đại diện ký biên bản kết luận về các sai phạm “liên tiếp tái diễn cho khách hàng mua chứng khoán khi không đủ tiền”.
Cơ quan công tố xác định, đoàn kiểm tra đồng thời yêu cầu BOS chấm dứt sai phạm song các “sếp” của BOS vẫn tái diễn, đến khi bị Bộ Công an điều tra, khởi tố.
Tổng số tiền anh em ông Quyết cùng đồng phạm bị cáo buộc thu lợi từ việc thao túng 5 mã chứng khoán là 723 tỷ đồng.
Do mã chứng khoán AMD bị thao túng trong giai đoạn tháng 5/2017-7/2017, trước thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành (1/1/2018), anh em ông Quyết vì thế chỉ bị cơ quan điều tra và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước buộc nộp lại số tiền lợi bất hợp pháp từ việc thao túng này.
Tổng số tiền các bị can thu lợi từ 4 mã chứng khoán còn lại là 684 tỷ đồng, theo cáo trạng.
Trong vụ án này, ngoài 50 bị can, VKS xác định 216 người gồm họ hàng, bạn bè đứng tên hộ ông Quyết, ký khống các tài liệu nâng khống vốn tại Faros và nhân viên các công ty thuộc hệ sinh thái FLC “có dấu hiệu” giúp sức trong hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán.
Ba cán bộ của Trung tâm lưu ký chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng “có dấu hiệu thiếu trách nhiệm”; 6 cán bộ của HOSE “có dấu hiệu” của tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Song cơ quan công tố “xét tính chất mức độ” hành vi của những người trên, không xử lý, mà “kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm về hành chính”.
Thanh Lam