Vụ kiện thể hiện, anh Tô làm thuê cho gia đình ông Cao nhưng chưa được trả công. Số tiền nợ không được nêu cụ thể.
Khoảng 10h ngày 5/8/2023, anh Tô đi xe máy thì gặp ông Cao ở ven đường. Nhớ chuyện ông này còn nợ tiền công, anh chạy xe máy chặn đầu, đòi. Hai bên tranh cãi gay gắt trong khoảng 3 phút.
Một người qua đường nhắc nhở anh Tô: “Ông Cao bị tim đấy, sức khỏe không tốt, đừng cãi nhau với ông ấy nữa”. Anh Tô nghe thế lái xe bỏ đi.
Tuy nhiên, mấy phút sau ông Cao bất ngờ phát bệnh, ngã xuống đất. Mọi người gọi xe cấp cứu đưa đến bệnh viện nhưng ông đã chết vì nhồi máu cơ tim cấp tính.
Gia đình ông Cao sau đó kiện anh Tô ra tòa, yêu cầu bồi thường 50% chi phí y tế, tử vong, tang lễ, sinh hoạt cho người phụ thuộc và tiền an ủi tinh thần; tổng cộng 455.000 nhân dân tệ (khoảng 1,6 tỷ đồng).
Hồi đầu năm, vụ án được TAND huyện Bác Bạch, thành phố Ngọc Lâm, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, xét xử sơ thẩm.
Tòa đã buộc anh Tô phải chịu 5% trách nhiệm pháp lý trong cái chết của con nợ, tổng 44.000 nhân dân tệ (khoảng 150 triệu đồng). Không đồng ý với phán quyết này, gia đình ông Cao kháng cáo.
Hôm 24/7, Tòa án cấp cao thành phố Ngọc Lâm bác đơn kháng cáo, giữ nguyên phán quyết ban đầu.
Theo tòa, vụ án này xảy ra do mâu thuẫn từ việc anh Tô đòi ông Cao tiền công lao động. Việc xác định hành vi của Tô có vượt quá mức hợp lý hay không – là chìa khóa để xác định nghĩa vụ bồi thường. Vậy thế nào là “đòi nợ hợp lý”? Tòa cho rằng cần xem xét các yếu tố cụ thể như: ý thức chủ quan, diễn biến hành vi, thể chất của bên bị đòi nợ…
Tòa phân tích, vào ngày xảy ra sự việc, Tô tình cờ gặp ông Cao trên đường và quay xe lại để đòi nợ, chứ không chủ động tìm ông Cao để đòi tiền. Ở điểm này, hành vi của Tô là hợp lý và không nên bị chỉ trích gay gắt.
Biên bản thẩm vấn của cơ quan công an cho thấy, trạng thái tinh thần của Tô lúc đó ổn định, chỉ là nhắc nhở chuyện mình “làm việc xong phải được trả tiền”. Anh này biết ông Cao bị bệnh tim, từng phải phẫu thuật đặt stent, nhưng chỉ đối chất với ông Cao trong tổng thời gian khoảng 3 phút và dừng lại ngay sau khi có người khác nhắc nhở.
Vì bị đơn đã bỏ đi, không nói gì thêm, cũng như không biết ông Cao bị nhồi máu cơ tim và ngất ngay sau đó, nên theo tòa anh Tô chỉ “sơ suất một chút” đối với cái chết của ông Cao. Do vậy, anh này phải chịu 5% trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tương đương với mức độ lỗi.
Trong vụ án này, nguyên nhân chủ yếu từ phía ông Cao (nợ tiền không trả, bản thân có bệnh). Ngoài ra, gia đình ông cũng có lỗi khi để người lớn tuổi, có bệnh đi lại trên đường một mình; không chủ động hòa giải mâu thuẫn nợ nần đôi bên…
Từ đó, tòa cho rằng việc gia đình ông Cao đòi anh Tô bồi thường tổn thất tinh thần là không có căn cứ. Bản án cũng nhắc nhở chung, trong cuộc sống hàng ngày nên tránh tranh cãi với người bệnh, nhất là khi biết họ mắc bệnh hiểm nghèo. Nếu gặp mâu thuẫn, xung đột, nên giữ bình tĩnh và giải quyết vấn đề một cách hòa bình để tránh những hậu quả không thể khắc phục do sự thay đổi tâm trạng nhất thời gây ra.
“Đồng thời, đối với người bệnh, người nhà cần chú ý hơn nữa để tránh những yếu tố có thể khiến tâm trạng thất thường, hậu quả đáng tiếc”, tòa nêu.
Bản án không đề cập việc gia đình ông Cao đã trả nốt tiền còn nợ anh Tô hay chưa.
Hải Thư (Theo China Court)