Những nghi ngờ dấy lên vào ngày 7/1/2001, khi Jimmy Ray Holder, 65 tuổi, phải nhập viện sau một cơn đau tim. Ông Jimmy đã qua cơn nguy hiểm, nhưng khi con trai định đến thăm vào hôm sau, ông qua đời một cách khó hiểu trong đêm.
Trong 17 ngày tiếp theo, thêm bốn bệnh nhân cao tuổi tử vong. Cái chết của họ dường như do nguyên nhân tự nhiên. Tiến sĩ Len Dingler, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nocona, cho biết việc tìm kiếm mối liên hệ giữa các ca tử vong, chẳng hạn như thuốc, không mang lại kết quả gì.
Ngày 30/1, hai bệnh nhân, gồm một người cao tuổi và một thiếu nữ 14 tuổi, bị suy hô hấp, phải kích hoạt quy trình báo động khẩn Code Blue cùng lúc. Code Blue là mô hình cấp cứu nội viện được thiết lập nhằm cấp cứu kịp thời các trường hợp ngưng tim ngưng thở tại bệnh viện.
Thiếu nữ sống sót nhưng bệnh nhân cao tuổi đã không qua khỏi. Khoảng 31 giờ sau, hai quy trình Code Blue lại được kích hoạt đồng thời, lần này là hai bệnh nhân nữ, 47 và 35 tuổi. Cả hai được cứu sống song một người trong đó lại ngừng thở sau khi nối túi truyền dịch.
Bệnh viện Đa khoa Nocona là một trong những bệnh viện nhỏ nhất của bang, nằm ở thị trấn nhỏ vùng nông thôn Nocona. Vào bất kỳ ngày nào, hiếm khi có hơn 15 bệnh nhân ở đó, rải rác khắp 18 phòng trên một hành lang. Lúc này, mọi người đều đặt câu hỏi “Chuyện gì đang xảy ra?”.
Ngay sau bốn quy trình Code Blue, giám đốc Len Dingler được kỹ thuật viên dược báo cáo về việc thất lạc một lọ Mivacron trên xe đẩy thuốc. Mivacron là thuốc làm tê liệt các cơ hô hấp cũng như các cơ xương, được sử dụng khi ống thở được đưa xuống cổ họng bệnh nhân, tác dụng kéo dài khoảng 20 phút.
Dưới tác dụng của thuốc, người bệnh sẽ có cảm giác nghẹt thở nhưng không thể nói ra rằng mình không thở được.
Từ thông tin này, giám đốc Len Dingler nhận ra “có ai đó đang giết người ở bệnh viện, theo cách thức tàn ác nhất”. Len Dingler chia sẻ mối nghi ngờ với ban quản lý bệnh viện, sau đó ra lệnh khóa các tủ chứa Mivacron và chỉ người giám sát mới được tiếp cận.
Họ kiểm tra nhân viên làm việc vào các ngày có bệnh nhân tử vong. Tháng 12 có 11 người chết, tháng 1 có 14 người. Họ phải tìm cách xác định những cái chết nào đáng ngờ.
Ngày 4/2, trước khi dữ liệu được phân tích đầy đủ, bệnh nhân E.E. Jackson, 92 tuổi, được y tá Vickie Dawn Jackson phát hiện qua đời trong phòng.
Cái chết gây nghi ngờ vì dù tuổi cao, ông Jackson vốn có sức khỏe ổn định. Qua kiểm tra, Vickie có lịch làm việc trùng khớp với những cái chết gần đây và từng lấy thuốc Mivacron. Cô ta cũng thường là nhân viên cuối cùng được nhìn thấy đang kiểm tra những bệnh nhân đã tử vong.
Ngày 6/2, phía bệnh viện liên hệ với Sở Cảnh sát Nocona. Cảnh sát yêu cầu họ xác định xem Mivacron bị thiếu bao nhiêu. Sau khi nhận được tin về những gì đang xảy ra tại bệnh viện, Văn phòng Ủy viên Công tố hạt Montague yêu cầu FBI tham gia vụ việc.
Qua rà soát, khoảng 14 lọ thuốc Mivacron bị thất lạc. Do cách chuyển hóa của Mivacron, không có xét nghiệm nào phát hiện loại thuốc này trong cơ thể người chết. FBI phải phát minh ra một phương pháp thử nghiệm mới để tìm Mivacron từ chất dịch cơ thể.
Các thám tử giữ bí mật cuộc điều tra trong khi tìm thêm bằng chứng kết nối Vicki với những vụ giết người bị nghi ngờ.
Vickie, 35 tuổi, được đồng nghiệp nhận xét là y tá chăm chỉ, thường đi sớm về muộn và luôn chu đáo với bệnh nhân. Sau cuộc hôn nhân đầu tiên thất bại, cô một mình nuôi hai con. Năm 1997, Vickie gặp và kết hôn với Kirk Jackson, phụ tá bệnh viện Nocona, cũng là cháu trai của ông Jackson. Vào thời điểm bệnh viện điều tra, cuộc hôn nhân của Kirk và Vickie đang trục trặc.
Các điều tra viên ngăn cản ban giám đốc bệnh viện sa thải Vickie vì sợ “đánh rắn động cỏ”, mong nghi phạm sơ hở để lộ manh mối. Họ lên kế hoạch bắt quả tang bằng cách lén lắp đặt hệ thống camera ghi hình phía trên xe chở thuốc, bỏ vào đó một lọ Mivacron chứa nước muối. Tuy nhiên, không có gì đáng ngờ xuất hiện.
Đến ngày 19/2, Donnelly Reid, bệnh nhân 61 tuổi, được kích hoạt Code Blue. Bệnh tình của Donnelly vốn không có gì nghiêm trọng, thậm chí đang chuẩn bị xuất viện, vì vậy các bác sĩ tin rằng Vicky đã trốn tránh sự giám sát và tiêm Mivacron.
Nhờ cấp cứu kịp thời, Donnelly sống sót. Các mẫu máu, nước tiểu và ống truyền tĩnh mạch của ông được thu thập.
Donnelly sau đó nói với bác sĩ rằng một y tá đã vào phòng và tiêm thứ gì đó vào tĩnh mạch của ông. Cô ta mỉm cười nhìn ông vật vã khó thở.
Trước cảnh sát, Donnelly mô tả y tá này có chiều cao trung bình với mái tóc vàng. Ông chọn ra Vickie giữa những bức ảnh nhận dạng.
Ngày 20/2/2001, cảnh sát trưởng và một đặc vụ FBI thẩm vấn Vickie tại phòng họp của bệnh viện. Cùng lúc đó, điều tra viên của Văn phòng Ủy viên Công tố đến nhà Vickie. Họ tìm thấy một ống tiêm chứa chất lỏng trong thùng rác bên lề đường của gia đình.
Ngày hôm sau, bệnh viện sa thải Vickie, Kirk cũng bị cho thôi việc dù không phải nghi phạm. Anh ta choáng váng khi biết vợ là nghi phạm chính. Trong khi đó, Vickie trả lời thẩm vấn với vẻ mặt nghiêm túc, khẳng định mình thực sự sốc khi biết bệnh nhân bị sát hại, và cho biết nghĩ ra một số nhân viên có thể phải chịu trách nhiệm, nhưng hiện tại không muốn chỉ điểm.
Tháng 6/2001, thi thể 10 bệnh nhân tử vong tại bệnh viện Nocona được khai quật để kiểm tra dấu vết của Mivacron. Tháng sau, báo cáo từ phòng thí nghiệm xác nhận ống tiêm được tìm thấy ở nhà Vickie có chứa Mivacron. Nhưng cảnh sát vẫn không thể bắt giữ cô ta cho đến khi có bằng chứng cho thấy bệnh nhân bị sát hại.
13 tháng sau cuộc khai quật, 10 thi thể đều cho kết quả dương tính với Mivacron. Cách thức tử vong của tất cả bệnh nhân được chuyển thành bị sát hại.
Ngày 16/7/2002, Vickie bị bắt vì tội giết người và tội âm mưu giết người trong vụ của ông Donnelly. Dù biết mình là nghi phạm, Vickie không lẩn trốn, vẫn ở nhà và tìm được việc làm trong cửa hàng thức ăn nhanh.
Sau khi Vickie bị bắt, con gái của cô ta đã giao cho cảnh sát một chiếc hộp niêm phong được mẹ đưa từ trước. Chiếc hộp chứa thông tin về Mivacron, mẩu tin về những ca tử vong tại bệnh viện và những ghi chú viết tay của Vickie.
Động cơ của Vickie vẫn còn là bí ẩn. Các điều tra viên tin rằng đó là sự trả thù nhằm vào bệnh nhân và gia đình. Khi ra làm chứng, đặc vụ FBI David Burns tiết lộ rằng trong một số cuộc thẩm vấn, anh ta xác định rằng Vickie đã giết các bệnh nhân vì “đòi hỏi quá khắt khe”. Nhưng khi được hỏi tại sao phải giết họ, Vickie chỉ trả lời không biết.
Sau nhiều năm, người dân Nocona vẫn không thể giải thích được tại sao một y tá hiền lành, ôn hòa, không có tiền sử bạo lực lại đột nhiên muốn tàn phá thị trấn của họ. Tài xế Richard Thomas nói: “Tôi thề đây là một cô gái tốt bụng với nụ cười tươi tắn, chưa bao giờ thốt ra một lời nói xấu về bất kỳ ai. Làm sao một người có thể tử tế như vậy vào ban ngày và rồi lại giết chóc vào ban đêm?”.
Ngày 5/10/2006, Vickie không thừa nhận tội lỗi nhưng chấp nhận bị kết án tù chung thân với 10 tội danh giết người để tránh bị xét xử trước bồi thẩm đoàn.
Tuệ Anh (Theo Oxygen, Marshall News)