Trong bản án tuyên tối nay, TAND Cấp cao tại Hà Nội nhận định các cơ quan tố tụng đã cơ bản thực hiện đúng quy định, có sai sót song không nghiêm trọng và “không làm thay đổi bản chất” hành vi giết mẹ của bị cáo Vi Văn Phượng, 55 tuổi, trú huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Tòa phúc thẩm bác kháng cáo kêu oan, tiếp tục tuyên bị cáo phạm tội Giết người, nhưng giảm hình phạt từ tử hình xuống tù chung thân.
Cấp phúc thẩm đánh giá bị cáo đã khai nhận nhiều lần, khai với nhiều người, ngoài điều tra viên còn có kiểm sát viên, luật sư…. Các lời khai cơ bản thống nhất, dù có một số mâu thuẫn.
Trước lời khai tại toà của ông Phượng về việc bức cung, bị đánh trong quá trình lấy lời khai, toà cho rằng “không đưa ra được bằng chứng” và điều tra viên phủ nhận.
Cấp phúc thẩm tái khẳng định, bản án sơ thẩm xét xử đúng người đúng tội, song không cần tuyên mức án cao nhất. Việc giảm án còn do phía bị hại, đại diện là con nạn nhân, tức anh trai bị cáo, có ý kiến xin giảm nhẹ. Ông Phượng là người dân tộc thiểu số, nhân thân tốt, nhiều năm nuôi mẹ mù lòa, bệnh yếu. “Trên khía cạnh nhân đạo và tình mẫu tử, việc tuyên bản án tử hình chỉ gây thêm đau thương cho gia đình”, chủ tọa Ngô Tự Học phân tích.
Do vụ án dài, phức tạp, nhiều chứng cứ tranh luận, HĐXX thông báo chỉ nêu những nhận định chính, sau đó sẽ có bản án phân tích, giải đáp chi tiết từng ý kiến của luật sư và đại diện VKS.
Luật sư Trần Văn An và Đinh Anh Tuấn, bào chữa cho bị cáo Phượng, nhất trí với phương án của tòa.
Trước đó, 17h chiều nay, trong phần luận tội, đại diện VKSND Cấp cao cho rằng kết quả điều tra, lời khai của nhân chứng, điều tra viên… đều chưa đủ căn cứ buộc tội. Công tố viên do đó đề nghị TAND Cấp cao tuyên hủy án tử hình.
Nêu lại nội dung vụ án, VKS cho hay, gia đình ông Phượng sống cùng mẹ Nguyễn Thị Vui tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Cuối năm 2009, vợ chồng ông vay mẹ đôi hoa tai vàng 1,5 chỉ để lo cho con đi xuất khẩu lao động.
Đầu tháng 10/2012, ông Phượng trả vàng nhưng mẹ nghi hàng giả. Hai người to tiếng. Do đó, khi đi làm thuê về, trưa 5/10/2012, bị cáo cầm dao đoạt mạng mẹ đang nằm trên giường.
Quá trình xét hỏi hôm nay, VKS thấy 3 vấn đề: căn cứ buộc tội mâu thuẫn, thời gian gây án chưa rõ ràng và động cơ gây án chưa thuyết phục.
Thứ nhất, bị cáo được xác định rời nơi đi làm thuê khoảng 11h-11h10 và gọi điện thông báo cho công an và người chú, anh trai về việc mẹ mất lúc 11h25. Những người đến hiện trường vài phút sau đó đều khai thấy “vết máu đã thâm đen”.
Theo kết quả giám định, vết máu mất 1-3 giờ mới chuyển màu thâm đen. Khám nghiệm hiện trường và lời khai của bị cáo cho thấy thi thể bà Vui đã đông cứng khi bị cáo về nhà. Do đó, việc quy kết Phượng gây án trong khoảng thời gian sau 11h10-11h25 là còn mâu thuẫn, VKS đánh giá.
“Nếu cho rằng nạn nhân chết lúc 9h-9h30 sẽ phù hợp với việc máu chuyển màu thâm đen, nhưng lại không đúng với thời điểm bị cáo về nhà. Ngược lại, nếu quy kết bà Vui bị Phượng giết sau khoảng 11h sẽ không phù hợp với thời gian máu chuyển thâm đen”, VKS phân tích và cho rằng các chứng cứ quy kết còn mâu thuẫn về thời gian.
Theo VKS, bản án sơ thẩm do TAND tỉnh Bắc Giang tuyên năm 2019 xác định động cơ giết mẹ của ông Phượng là mâu thuẫn vay vàng song điều này trái ngược với lời khai của anh trai bị cáo và các nhân chứng về việc đây là người con hiếu thảo, có thời gian dài chăm sóc mẹ ốm bệnh, mù lòa.
Hơn nữa, điều kiện kinh tế của gia đình khi này “không thiếu thốn”, do vợ bị cáo đi xuất khẩu lao động vừa gửi về 50 triệu đồng. Kết quả giám định cho thấy bị cáo đủ năng lực hành vi, không bị tâm thần. Động cơ gây án do bực tức về kinh tế là “chưa thuyết phục”, công tố viên nêu quan điểm.
Những vật chứng quan trọng gồm con dao và chiếc áo dính máu được cơ quan điều tra thu tại thang, gần giường nạn nhân ngủ, được xác định là các vật dụng sử dụng hằng ngày. “Song không có căn cứ nào khẳng định, ông Phượng là người sử dụng những vật này trong ngày đó”, VKS nêu.
Bị cáo có 6 lần thay đổi lời khai từ nhận tội, sang kêu oan, bất nhất về khoảng thời gian gây án, khi 9h, khi 11h, khi kêu oan. Kết quả điều tra, lời khai của các nhân chứng và chính bị cáo còn chưa thống nhất về việc bị báo mặc một hay hai áo, màu áo, đóng cúc hay mở cúc, cơ chế vết máu bắn vào áo…
Đánh giá tất cả thông tin, lời khai mâu thuẫn này, cùng với việc 7 yêu cầu của giám đốc thẩm đều chưa được cơ quan tố tụng làm triệt để trong giai đoạn điều tra, xét xử lại vụ án, VKS thấy “cần thiết hủy án sơ thẩm, điều tra lại toàn bộ vụ việc”.
‘Bị cáo không bao giờ làm việc bất nhân bất nghĩa’
Nhiều nhân chứng được HĐXX triệu tập, gồm chú, thím, anh trai của bị cáo, khẳng định được bị cáo gọi đến nhà báo tin “mẹ mất” chứ không phải “mẹ bị giết”. Họ đến hiện trường khoảng 11h30, chỉ đứng từ xa nhìn, không động vào bất cứ đồ vật gì song đều nhớ rõ, vết máu quanh nạn nhân đã chuyển màu thâm đen, quần áo chân tay bị cáo không dính máu.
Các nhân chứng và bị cáo cùng khai khi cơ quan điều tra tới khám nghiệm hiện trường có thu một số áo quần vắt tại thang gần giường nơi nạn nhân nằm. “Song chỉ vơ bỏ vào bao, không thông báo hay lập biên bản, cho ký giấy tờ gì”, ông Phượng khai.
Trả lời điều này tại phiên tòa hôm nay, các điều tra viên và kiểm sát viên khi đó đều nói “không nhớ” do thời gian đã rất lâu, nhưng khẳng định luôn làm đúng quy định pháp luật và thủ tục tố tụng.
HĐXX nhiều lần đưa ra ảnh chụp nhiều chiếc áo, đưa ra cùng câu hỏi cho các nhân chứng, bị cáo và điều tra viên, kiểm sát viên: “Chiếc áo bị thu là chiếc nào?”. Trong khi ông Phượng và các nhân chứng cùng chỉ vào chiếc màu trắng đục, cơ quan điều tra lại cho rằng đó là chiếc áo màu xanh có kẻ nhạt.
Hỏi kiểm sát viên làm việc tại hiện trường về việc này, HĐXX nói: “Cái áo vật chứng dính máu, đã bị tiêu hủy, vậy các vị phải xác định rõ nó là cái nào. Bị cáo và nhân chứng nói là chiếc trắng đục, nhưng cái áo các vị chụp là cái khác đấy”. Nam kiểm sát viên bảo lưu quan điểm đã “làm việc đúng, khách quan”.
Trong khi một giám định viên vắng mặt, giám định viên còn lại cho biết “không tới hiện trường, cũng không có chuyên môn về việc xác định cơ chế hình thành vết máu và thời gian máu ngả màu thâm đen”. “Vậy chuyên môn của ông là gì?”, HĐXX hỏi. Người này trả lời: Chỉ xác định nhóm máu.
Hai luật sư của bị cáo do đó lần thứ ba đề nghị HĐXX triệu tập giám định viên vắng mặt với lý do đây là người có vai trò “vô cùng quan trọng” trong buộc tội.
Luật sư kiến nghị HĐXX tham khảo ý kiến của bác sĩ Hồ Kim Châu, người có 40 năm kinh nghiệm lĩnh vực pháp ý, công tác tại Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. HĐXX đánh giá dù bác sĩ Châu không thuộc thành phần tố tụng, không tham gia điều tra vụ án song tạo điều kiện để ông nêu ý kiến chuyên môn tại tòa.
Ông Hồ Kim Châu sau đó cho hay, thời gian máu chuyển thâm đen phụ thuộc môi trường, nhiệt độ, vị trí thương tổn, máu chảy từ động mạch hay tĩnh mạch… song sẽ ở khoảng 1-3 giờ. Việc thực nghiệm hoàn toàn có thể thực hiện được.
Tại tòa, anh trai ông Phượng, đại diện cho phía bị hại, nói các anh em hòa thuận, luôn yêu thương chăm sóc mẹ, chưa từng mâu thuẫn. “Tôi không tin Phượng giết mẹ”, ông khẳng định và đề nghị minh oan cho em. Nếu em bị kết tội, ông xin tòa giảm nhẹ.
Luật sư Đinh Anh Tuấn nói, theo luật, việc anh trai ông xin khoan hồng sẽ được tính là tình tiết giảm nhẹ, nếu ông Phượng bị quy có tội. “Vậy ông có muốn nhận tội để hưởng khoan hồng, hay vẫn kêu oan”, luật sư Tuấn hỏi.
“Tôi kiên quyết kêu oan. Có giết bị cáo thì giết chứ bị cáo không bao giờ làm việc bất nhân bất nghĩa”, ông Phượng nói.
Ngày 4/4/2013, TAND Bắc Giang xét xử sơ thẩm lần một, tuyên bị cáo Phượng án tử hình.
Ngày 28/8/2013, phiên phúc thẩm y án tử hình, bác kháng cáo kêu oan của ông Phượng.
Ba năm sau, ngày 30/8/2016 Viện trưởng VKSND Tối cao có kháng nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án sơ thẩm.
Cuối năm 2016, cấp giám đốc thẩm tuyên huỷ án, điều tra lại.
Ngày 19/8/2019, phiên sơ thẩm lần hai mở tại TAND Bắc Giang, tuyên bị cáo án tử hình.
Ngày 23/5/2023, phiên phúc thẩm lần hai được mở do bị cáo tiếp tục kêu oan.
Thanh Lam