21h ngày 28/5/2005, Geneva đã im ắng trong màn đêm. Tại thang máy tầng hầm một chung cư đắt đỏ nhất trung tâm, một phụ nữ bước ra, lên cầm vô lăng chiếc Mini Cooper, sốt ruột đợi cửa tự động của hầm xe mở, lao vút đi.
Toà nhà nổi tiếng an ninh và đắt đỏ. Chủ sở hữu là ông Édouard Stern, 50 tuổi, chủ tịch ngân hàng, công dân giàu thứ 38 của Pháp, theo Forbes. Stern sống tại căn penhouse, riêng nội thất ước tính 100 triệu USD, có chống trộm 3 lớp và đội vệ sĩ riêng được triệu hồi chỉ bằng nút bấm đầu giường ngủ.
9h sáng hôm sau, Édouard Stern có lịch họp với nhà đầu tư quan trọng song vắng mặt, dù trụ sở ngân hàng cách nhà chỉ 4 phút đi bộ. Ông tiếp tục vắng mặt trong cuộc họp 11h. Cấp dưới bắt đầu lo lắng và gọi cho quản lý toà nhà. Chiếc Bentley Mulsan của ông vẫn dưới hầm.
Quản gia của ông Stern và các phó giám đốc ngân hàng quyết định cùng tới xem có chuyện gì. Cánh cửa phòng ngủ hé mở. Phó giám đốc ngân hàng ra hiệu cho những người còn lại đừng vào, rồi bật khóc. Trong phòng là thi thể triệu phú mặc bộ đồ liền thân bằng cao su, màu da, từ đầu đến chân, bị trói bằng sợi dây trắng.
Khám nghiệm tử thi cho thấy Stern có hai viên đạn ở đầu và hai ở ngực. Viên bắn giữa hai mắt được xác định bắn ra đầu tiên, nhưng sát thủ vẫn ra tay thêm 3 lần, cho thấy không phải tay chuyên nghiệp, hoặc gây án trong sự tức giận, hận thù không kiểm soát. Ai ghét Stern đến vậy?
Stern là cậu bé sinh ra ngậm thìa vàng, trong gia tộc nhiều đời làm chủ ngân hàng, 3 tuổi đã đi hết châu Âu. Ở tuổi 22, Stern gia nhập ngân hàng gia đình, vài năm sau trở thành Chủ tịch và đưa việc kinh doanh lên thời hoàng kim.
Vợ của Stern là con gái duy nhất của trùm ngân hàng Lazard, trụ sở tại New York. Năm 1985, ông bán bán ngân hàng Stern với giá hơn một tỷ Franc Pháp (100 triệu USD ngày nay) rồi chuyển đến New York và gia nhập ngân hàng của bố vợ. Stern đương nhiên là người thừa kế rõ ràng của trùm ngân hàng Lazard.
Song Stern ly hôn năm 1997, chuyển về Geneva, trong khi vợ và 2 con vẫn ở New York. Ông tự lập ngân hàng riêng, được ước tính trị giá 600 triệu USD vào thời điểm ông qua đời.
Stern nổi tiếng khắt khe trong việc làm ăn, có vẻ nhận thức được quanh mình nhiều nguy hiểm nên đã xin giấy phép sử dụng súng.
Luật súng của Thụy Sĩ thoải mái nhất châu Âu, với 3 triệu người dân có súng, trên tổng dân số 7 triệu khi đó. Một nguồn tin ẩn danh của cảnh sát cho hay, trong căn penhouse, Stern có hơn 50 khẩu súng, nhiều loại hạng nặng. Vậy, nếu Stern được trang bị vũ khí tận răng, tại sao không tự bảo vệ mình? Và tại sao ông lại mặc bộ đồ bó sát bằng cao su? Cho rằng bộ đồ liên quan đến một số trò chơi tình dục, cảnh sát kết hợp đào sâu đời tư.
Mại dâm là hợp pháp ở Thụy Sĩ và mỗi bang có luật mại dâm riêng, quy tắc chung là cấm ở những khu vực gần nhà thờ, trường học và bệnh viện. Gái mại dâm phải đăng ký với cảnh sát và trải qua kiểm tra sức khỏe thường xuyên, không được phép “show hàng” nơi công cộng như gái mại dâm Amsterdam. Liên đoàn Phòng chống AIDS Thụy Sĩ ước tính có 14.000 gái mại dâm ở nước này, 92% là phụ nữ. Số lượng khách hàng ước tính khoảng 550.000 người mỗi năm, liệu Stern có nằm trong số này, cảnh sát nghi vấn.
Các nhà điều tra không mất nhiều thời gian để tìm ra danh tính người tình của Stern là Cécile Brossard, 32 tuổi, đã có chồng. Chồng cô là nhà trị liệu cá nhân cho giới thượng lưu, 53 tuổi, thậm chí ủng hộ mối tình ngoài luồng của vợ và triệu phú ngân hàng.
Cécile bỏ học năm 16 tuổi, là gái gọi hạng sang, chuyên về tình dục bạo dâm nhưng sẽ giới thiệu mình là nhà điêu khắc nghệ thuật.
Gặp nhau trong một triển lãm, Stern lập tức yêu cô với “tình yêu của cậu học trò”, như ông nói sau này. Stern biết Cécile đã kết hôn nhưng không coi đó là vấn đề, và chồng cô cũng vậy.
Stern yêu chiều tình nhân như bà hoàng. Họ dành những cuối tuần tại lâu đài của ông ở Burgundy (Pháp), lên máy bay riêng để nghỉ cuối tuần để đi săn ở Nam Phi, Kenya, Tanzania và Angola. Ông cũng thuê riêng một đảo nghỉ dưỡng 10 ngày để tận hưởng tuyệt đối riêng tư với nhân tình.
Nhưng họ cũng bắt đầu mâu thuẫn khi Stern tỏ ra chiếm hữu, buộc Cécile gác lại mọi việc đang làm đến gặp mình bất cứ khi nào. Còn Cécile nói không thoải mái vì cảm thấy phụ thuộc tài chính vào ông.
Stern do đó quyết định sẽ cho bạn gái sự độc lập tài chính mà cô muốn. Điều đầu tiên ông làm cho bạn gái trong năm mới, 2005, là gửi một triệu USD vào tài khoản ngân hàng của cô. Nhưng sau đó có vẻ như ông đã nghĩ lại, bảo luật sư làm các thủ tục pháp lý để phong tỏa tài khoản này. Do ở Thụy Sĩ, chỉ toà án mới có quyền phong toả tài khoản.
Luật sư của Stern trình bày với thẩm phán: Số tiền một triệu USD Stern vốn là hoa hồng Stern trả cho nhà nhà môi giới nghệ thuật Cécile, khi cô dàn xếp mua được 8 bức tranh giá trị. Nhưng việc mua tranh bất thành, do đó Stern muốn huỷ hoa hồng, phong toả tài khoản. Thẩm phán chấp nhận.
Cécile như hoá điên khi biết nhân tình đã rút lại số tiền ông hứa cho mình. Kiểm tra email và điện thoại Stern, cảnh sát cho hay khoảng thời gian này, Cécile liên lạc với tình nhân 10 lần mỗi ngày để đòi tiền, nhưng không có hồi đáp.
Ngày 25/2, khi cả hai đang ở Paris, ông chủ động liên lạc, nói rằng có chuyện muốn nói, hẹn cô ở căn penhouse ở Geneva của mình. Hồ sơ vụ án cho thấy, đêm đó, họ gặp nhau, Stern giải thích rằng phong tỏa số tiền chỉ là biện pháp tạm thời: “Em sẽ có số tiền đó nếu ngoan ngoãn”.
Họ êm xuôi được một lúc. Vì Cécile không ngừng hỏi tiền đâu, còn Stern có vẻ chỉ định lấy một triệu USD làm mồi nhử.
Đêm án mạng, theo lời Cécile, họ đã chơi trò bạo dâm, và bộ đồ trùm kín toàn thân bằng cao su là hoá trang yêu thích của Chủ tịch ngân hàng. Trong lúc mặn nồng, theo lời khai Cécile, ông liên tục chửi bới và nói “một triệu USD là quá nhiều cho một gái làng chơi”.
Cécile khai, câu nói này là ngòi nổ cuối cùng cho phẫn nộ của mình. Cô biết ngăn kéo của Stern có ba khẩu súng, mở ra lấy một và nhắm vào tình nhân, bóp cò bốn lần.
Lúc 21h15′, cô khoá lại cánh cửa penhouse sau lưng và rời đi vội vã. Trên đường trốn chạy, cô gọi hai cuộc điện thoại, để nói với luật sư riêng rằng đã “làm điều ngu ngốc”, và nhờ chồng mua vé máy bay bi đến nửa bên kia trái đất: Sydney (Australia).
Khi cô hạ cánh, cảnh sát Geneva cũng đã xem đoạn phim từ camera giám sát của tầng hầm, nắm được lai lịch, mối quan hệ của cô với nạn nhân. Song người nhà Stern chưa biết gì về cuộc điều tra. Một chị họ của Stern gọi cho Cécile báo tin ông gặp chuyện xấu.
Đóng vai người bạn gái đau buồn, Cécile khóc nức nở và quyết định sẽ về Geneva ngay lập tức. Cuộc trốn chạy của Cécile hoá ra chỉ kéo dài 48h.
Ngày 5/3, Cécile bước vào trụ sở chính của cảnh sát tư pháp Geneva. “Vì tôi vô tội trước cái chết của anh ấy, tôi nghĩ mình nên đến gặp các ông trước khi các ông truy tìm tôi”, cô nói.
Sau 10 giờ thẩm vấn, cảnh sát nói vợ chồng cô có thể đi vì chưa đủ bằng chứng kết tội. Nhưng điều Cécile không biết là khi họ ở với cảnh sát, điện thoại cố định của họ đã bị nghe lén và các thiết bị nghe và theo dõi đã được cài đặt trong ôtô.
Mười ngày sau khi được tại ngoại, Cécile chính thức bị bắt và thừa nhận là hung thủ.
Phiên tòa xét xử Cécile Brossard được mở tại Tòa án Assize ở Geneva vào ngày 10/6/2009. Mở đầu lời khai, Cécile xin lỗi vợ và các con của Stern. Cô khẳng định ông vẫn là người cô yêu tha thiết, nhưng không chịu được sự sỉ nhục, gây án khi mất kiểm soát. Cécile bị kết án 8 năm 6 tháng tù.
Tháng 11/2010, cô được trả tự do song bị trục xuất khỏi Thụy Sĩ và không được phép quay lại trong 10 năm.
Hải Thư (Theo Murderpedia, Vanity Fair, The Guardian)