“Đây là một trong nhiều điểm mới của Luật đất đai 2024, rất phù hợp với xu hướng xét xử, phát triển hiện nay và giảm áp lực cho tòa án”, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP HCM, nói với hơn 50 đại diện doanh nghiệp tại lễ ký kết đào tạo với ĐH Kinh tế – Tài chính (UEF), ngày 20/7.
Cụ thể, tại khoản 5 Điều 236 Luật Đất đai năm 2024 quy định: tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, hoặc do Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.
Đồng thời, tại khoản 6 Điều 234 cũng quy định UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất khi được Tòa án, Trọng tài thương mại Việt Nam yêu cầu để làm căn cứ cho giải quyết tranh chấp đất đai.
Theo luật sư Hậu, Luật Đất đai 2024 đã tạo cơ chế cụ thể, rõ ràng để Trọng tài thương mại có đủ cơ sở, căn cứ và khả năng để giải quyết các tranh chấp thương mại liên quan đến đất đai. Từ đó, giảm tải khối lượng công việc cho Tòa án và UBND các cấp, khắc phục tình trạng nhiều vụ việc giải quyết kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong các tranh chấp liên quan đến đất đai. Đồng thời, các mâu thuẫn, tranh chấp thương mại của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong mối quan hệ kinh doanh liên quan đến đất đai được giải quyết kịp thời, thấu đáo, hiệu quả về thời gian và cả chi phí.
“Việc Trọng tài thương mại được trao thẩm quyền như trên là vì thực tế đã chứng minh tính ưu việt khi lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại trong thời gian qua như: nhanh chóng, chuyên nghiệp, chuyên môn cao, bảo mật, có khả năng thi hành, lựa chọn pháp luật áp dụng…”, ông Hậu nói.
Cũng tại buổi chia sẻ, luật sư Nguyễn Văn Hậu đã trình bày thêm 8 điểm mới quan trọng của Luật Đất đai 2024 có tác động tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp, như: đã bỏ quy định về khung giá đất do Chính phủ ban hành 5 năm một lần; cho phép doanh nghiệp linh hoạt trong việc trả tiền thuê đất – được lựa chọn trả tiền một lần hoặc hàng năm; mở rộng chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại liên quan đến đất đai…
Tại buổi lễ ký kết, Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam và Trường UEF thỏa thuận hợp tác nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có thêm cơ hội để tiếp cận kiến thức thực tế từ doanh nghiệp, đối tác, nâng cao sự gắn kết với doanh nghiệp trên các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực pháp lý nói riêng.
Theo thỏa thuận, Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam sẽ tiếp nhận hồ sơ sinh viên từ Trường UEF đến kiến tập và thực tập hàng năm, phối hợp tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề về kinh nghiệm nghề nghiệp và những kỹ năng làm việc cần thiết cho sinh viên trong lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp; tham gia đóng góp vào việc xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình và giáo trình đào tạo của Trường UEF; cử chuyên gia tham gia giảng dạy, thuyết trình tại các buổi hội thảo/workshop do Trường UEF tổ chức…
Hải Duyên