Đây là một trong những quy định mới được Bộ Công an nêu trong Thông tư 72/2024 quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông, có hiệu lực từ 1/1/2025, thay thế Thông tư 63/2020.
Điều 10 của Thông tư 72 quy định, việc tạm giữ phương tiện, đồ vật, tài liệu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ được thực hiện theo Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các quy định khác có liên quan.
Với trường hợp các giấy tờ có liên quan người và phương tiện giao thông đã được tích hợp trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia khi tạm giữ giấy tờ, cảnh sát giao thông thực hiện việc tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử (VNeID).
Khi này, cán bộ cảnh sát giao thông sẽ cập nhật thông tin về việc tạm giữ giấy tờ đó trên hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính và đồng bộ với VNeID, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý để người vi phạm, chủ phương tiện biết, chấp hành các quy định của pháp luật.
Các loại biên bản, quyết định của người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, trả lại giấy tờ được thực hiện theo quy định và có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử trên VNeID hoặc ứng dụng, hệ thống thông tin điện tử khác khi đủ điều kiện kỹ thuật thực hiện (theo Thông tư 28/2024 của Bộ Công an, hiệu lực 1/1/2024).
Điều này đồng nghĩa, khi hết hạn tạm giữ, tài xế cũng không cần trực tiếp tới trụ sở công an lấy giấy tờ mà dữ liệu trên VNeID sẽ tự động cập nhật.
Chi phí cứu hộ tai nạn do chủ phương tiện chi trả
Cũng tại Thông tư 72 sắp có hiệu lực, Bộ Công an bổ sung quy định mọi chi phí cứu hộ trong các vụ tai nạn giao thông đường bộ do chủ phương tiện chịu trách nhiệm chi trả. Đây là nội dung chưa được đề cập trong thông tư cũ.
Chi phí này được tính đến trong trường hợp các phương tiện liên quan vụ tai nạn giao thông đường bộ bị hư hỏng, không còn hoạt động được thì phải thông báo cho các đơn vị có chức năng cứu hộ bố trí phương tiện cẩu, kéo chuyên dụng phù hợp đến hiện trường để cứu hộ phương tiện vào nơi thích hợp theo yêu cầu của cán bộ làm nhiệm vụ điều tra, xác minh, giải quyết tai nạn.
Liên quan trách nhiệm của cán bộ cảnh sát giao thông trong khi làm nhiệm vụ tại hiện trường, điều 7 Thông tư 74 cũng tăng thêm một nội dung cần điều tra, xác minh về vụ tai nạn, là “có hay không có dấu hiệu tội phạm”. 7 nội dung còn lại vẫn giữ nguyên.
>> Chi tiết 8 nội dung cảnh sát giao thông cần làm rõ khi điều tra vụ tai nạn giao thông đường bộ)
Khi ghi lời khai của những người điều khiển phương tiện liên quan vụ tai nạn, Thông tư 72 cũng quy định thêm, nếu người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn, chất ma túy hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng, cán bộ cảnh sát giao thông phải hỏi ngay thời điểm sử dụng, trước hay sau khi xảy ra vụ tai nạn.
Tai nạn phải được điều tra bởi CSGT có trình độ đại học trở lên
Theo Thông tư 63, cán bộ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ điều tra, xác minh, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ phải đáp ứng được 3 tiêu chuẩn:
1. Có trình độ Đại học An ninh, Đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên. Trường hợp tốt nghiệp đại học các trường ngoài ngành công an đã học nghiệp vụ an ninh, cảnh sát theo quy định.
2. Có thời gian công tác trong lực lượng cảnh sát giao thông từ 6 tháng trở lên.
3. Đã được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.
So với quy định cũ, thông tư 72 điều chỉnh, phân cấp nhiệm vụ và trách nhiệm của từng người khi làm nhiệm vụ.
Cụ thể, những CSGT đáp ứng đủ 3 tiêu chuẩn trên sẽ là cán bộ thụ lý chính. Cảnh sát giao thông chưa đáp ứng tiêu chuẩn (1) nhưng đáp ứng tiêu chuẩn (2), (3) sẽ là cán bộ hỗ trợ.
Thông tư cũng quy định bổ sung, khi điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn, phải có ít nhất một cán bộ thụ lý chính (đáp ứng cả 3 tiêu chuẩn nêu trên), chịu trách nhiệm chung. Cán bộ hỗ trợ (nếu có) chịu trách nhiệm với các nhiệm vụ được phân công.
Nghiêm cấm giữ xe nếu tài xế không liên quan tai nạn
Ngoài quy định mới, thông tư 72 cơ bản giữ nguyên các nội dung đã có trong thông tư 63.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện quy định sau khi kết thúc khám nghiệm phương tiện giao thông, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi và không vi phạm các quy định khác của pháp luật thì phương tiện giao thông phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện.
Bộ Công an nghiêm cấm việc giữ phương tiện giao thông của các bên liên quan vụ tai nạn giao thông để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại.
Với các vụ tai nạn không có dấu hiệu tội phạm, thời hạn điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ không quá hai tháng kể từ ngày nhận được tin báo. Trong đó, khi nhận được tin báo về vụ tai nạn, cảnh sát giao thông phải tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc.
Nếu có nhiều tình tiết phức tạp cần xác minh thêm hoặc phải thông qua giám định chuyên môn thì có thể được kéo dài nhưng không quá một tháng kể từ ngày nhận được tin báo. Trường hợp cần thêm thời gian để xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ thì thời hạn kéo dài không quá 2 tháng kể từ ngày nhận được tin báo.
Hải Thư