Trước khi bước vào tìm hiểu một trong những phán quyết quan trọng nhất lịch sử của tòa án Mỹ, độc giả hãy tưởng tượng mình vừa mua ôtô từ đại lý. Trên đường lái xe về, bánh xe sau bị sập, rời khỏi trục khiến bạn bị thương. Trong trường hợp này, theo bạn, đơn vị nào có lỗi và có trách nhiệm bồi thường?
Do tai nạn nảy sinh từ lỗi kỹ thuật, có thể nhiều người sẽ cho rằng, hãng xe đương nhiên có trách nhiệm với sai sót, thậm chí cần thu hồi dòng xe khỏi thị trường để kiểm định.
Trong một vụ án tương tự ở nước Mỹ, thái độ bất hợp tác và rũ trách nhiệm của hãng xe, đã dẫn tới vụ kiện đình đám. Hãng Buick có trụ sở tại Detroit, Michigan, ra đời năm 1899, là một trong những thương hiệu ôtô đầu tiên của Mỹ và là công ty thành lập General Motors vào năm 1908. Đây là thương hiệu ôtô cao cấp, bán các loại xe hạng sang cao cấp của General Motors, chỉ sau Cadillac.
Năm 1909, ông Donald MacPherson đến đại lý Close Brothers of Schenectady ở New York mua chiếc Buick Runabout 1909 với giá khoảng 1.000 USD. Vài ngày sau, ông MacPherson đang lái xe chở hai người bạn dạo chơi trên đường thì nan hoa ở bánh sau bên trái bị gãy và bánh xe xẹp xuống. Chiếc ôtô lao xuống mương. Ông văng ra ngoài và bị thương khá nặng.
Cho rằng Buick Motor Company (BMC) có lỗi khi sản xuất chiếc xe thiếu an toàn, ông MacPherson yêu cầu bồi thường.
BMC tuy là nhà sản xuất xe, nhưng lại không tự sản xuất bánh xe mà mua từ hãng khác. BMC chỉ lắp ráp bánh, do đó từ chối trách nhiệm pháp lý. BMC cho rằng khách hàng đã mua ôtô từ một đại lý nên BMC không phải bồi thường.
Không đạt được tiếng nói chung, ông MacPherson kiện BMC ra tòa.
Trong phiên sơ thẩm, nguyên đơn cho rằng con đường mình đi khi gặp nạn là tuyến trung tâm thành phố, mặt đường ổn định. Do đi dạo chơi, vận tốc chỉ khoảng 15 km/h.
Trong khi đó, BMC cáo buộc ông MacPherson đã lái 30 km/h, va vào vài viên sỏi trên đường. Sỏi và tốc độ cao đã khiến ôtô lao xuống mương và các nan hoa đã bị gãy khi bánh xe va chạm với cột điện.
BMC mua bánh xe từ Công ty Imperial Wheel, nhà sản xuất bánh xe có uy tín, có nhà máy nằm cách nhà máy của BMC chỉ 100 m. Khi BMC nhận bánh xe, nó đã được sơn tráng, kể cả phần nan hoa (khi này vẫn được làm bằng gỗ). Lớp sơn che phủ thớ gỗ khiến việc xác định chất lượng gỗ bằng mắt thường trở nên khó khăn hơn.
BMC nói không có chuyên gia về gỗ và chưa bao giờ kiểm tra bánh xe trong quá trình sản xuất, hoặc thực hiện bất kỳ kiểm tra nào về độ an toàn của bánh xe trước khi lắp. Nhưng họ đã chạy thử chiếc xe vài dặm trước khi bán bằng việc rẽ vào những khúc cua gấp và đi qua những đoạn đường xấu và “chưa có một bánh xe nào bị sập do chất lượng gỗ làm bánh xe kém”, luật sư của BMC khẳng định
“Chúng tôi chưa bao giờ thấy cần thiết phải thực hiện bất kỳ cuộc kiểm tra nào để xác định xem những bánh xe mà mua từ Imperial Wheel có an toàn hay không. Bởi nó đã được Imperial Wheel mặc định là an toàn”, BMC nêu quan điểm.
Bản án xác định, thực tế bánh xe bị sập và thương tích của khách hoàn toàn là do bánh xe yếu và bị lỗi. Dù bánh xe không do BMC sản xuất nhưng khiếm khuyết hoàn toàn có thể được phát hiện nếu BMC kiểm tra hợp lý trong quá trình lắp ráp nhưng thực tế thì không.
Ôtô được luật pháp Mỹ phân loại là nguồn nguy hiểm cao độ nên bản thân chiếc xe, dù có được sản xuất an toàn, tự nó đã nguy hiểm. Quan điểm BMC cho rằng không cần kiểm tra bánh xe vì được Imperial Wheel bán cho BMC nghĩa là mặc định an toàn, là rất sai lầm.
“Việc chưa từng có tai nạn nào, không đồng nghĩa xe của BMC an toàn dù không kiểm tra bánh, mà chỉ có nghĩa là BMC đã rất may mắn mà thôi”, bản án nêu.
Theo tòa, đôi khi tai nạn xảy ra mà con người không lường trước được. Một người bình thường biết rằng bánh xe ôtô phải được làm bằng vật liệu tốt, và một bánh xe yếu và bị lỗi có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng không chỉ cho những người sử dụng mà còn cho nhiều người khác. “Chiếc ôtô được trang bị bánh xe yếu sẽ là cỗ máy vô cùng nguy hiểm. Nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm khi biết về những sự thật này”.
Theo phán quyết của tòa sơ thẩm, bị đơn BMC có nghĩa vụ kiểm tra và thử nghiệm hợp lý để xác định xem các bánh xe mà họ đã mua và đưa vào lắp ráp có đảm bảo an toàn không. Nếu BMC không thực hiện điều này, họ phải chịu trách nhiệm về mọi rủi ro đã xảy ra cho khách.
Kết quả, ông MacPherson thắng kiện.
BMC không phục, kháng cáo lên tòa phúc thẩm cấp cao nhất của New York. BMC lần này cho rằng họ chỉ có nghĩa vụ với đại lý, còn đại lý bán xe phải là bên chịu trách nhiệm với khách hàng trên cơ sở, ai ký hợp đồng sẽ giải quyết nghĩa vụ với nhau.
Tòa phúc thẩm khi này thu hẹp phạm vi vụ kiện về câu hỏi: Bị đơn có nghĩa vụ với bất kỳ ai, ngoài đại lý bán lẻ, về chiếc xe đã bàn giao?
Phía bị đơn nêu quan điểm, chiếc ôtô có lỗi bánh xe không thể được xếp vào loại sản phẩm “cực kỳ nguy hiểm” như tòa sơ thẩm đánh giá, vì trong vật liệu sản xuất xe không có chất độc, chất nổ hoặc các vật tương tự thường được sử dụng làm “công cụ hủy diệt” nên thực tế không có “nguy hiểm tiềm ẩn” nào với tính mạng nguyên đơn.
“Không có cơ sở để áp dụng trách nhiệm của nhà sản xuất với người thứ ba, tức khách hàng MacPherrson, do ông không phải là một bên trong hợp đồng giữa nhà sản xuất và người bán sản phẩm”, luật sư của BMC nêu.
Tòa bác bỏ lập luận này, khẳng định nếu một sản phẩm khi được sản xuất cẩu thả có nguy cơ gây thương tích cá nhân thì đó là “vật nguy hiểm”, vì thương tích là hậu quả có thể thấy trước của việc sử dụng nó.
“BMC sản xuất xe với mục đích bán cho đại lý, đại lý mua xe với kế hoạch bán cho khách. Rõ ràng BMC nhận thức được đại lý không phải người sử dụng cuối cùng mà là khách hàng, trong đó có nguyên đơn MacPherson. Dù khách không mua xe trực tiếp từ đại lý, nhưng BMC phải chịu trách nhiệm với sự an toàn của khách mua xe, chứ không chỉ có nghĩa vụ với đại lý bán xe”, tòa nêu.
Vụ kiện sau này được lấy tên đặt cho quy tắc gọi là quy tắc vụ kiện MacPherson vs. Buick Motor Co., được biết đến là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật trách nhiệm sản phẩm. Theo đó, khi sản phẩm bị lỗi dẫn đến thương tích cho người tiêu dùng, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm, dù giữa họ và người tiêu dùng không có quan hệ hợp đồng. Và hơn hết, sản phẩm có mức độ nguy hiểm càng cao, nhà sản xuất càng phải kiểm tra kỹ càng.
Hải Thư (Theo US Superme Court, NY Courts, West’s Encyclopedia of American Law)