Đơn được Nonhuman Rights Project – Dự án quyền Phi con người, thay mặt Tommy, một con tinh tinh già đang bị nhốt trong cũi sắt. “Theo luật New York, Tommy được tính là người”, đơn khẳng định.
Bảy tuần trước đó, Giám đốc Dự án, Steven Wise, đã nhìn thấy Tommy trong lồng, trên một bãi đất ngổn ngang xe kéo, ôtô, xe trượt tuyết gần Gloversville, New York. Tommy đang thu mình trong chiếc lồng lưới thép và xem một chương trình thế giới động vật, chiếu trên tivi. Chủ của Tommy có một gánh xiếc, đồng thời cũng có dịch vụ cho thuê tuần lộc cho các sự kiện Giáng sinh và quảng cáo trên truyền hình.
Tommy khi đó đã 33 tuổi, được nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ bởi một rạp xiếc, từ nhỏ chịu đòn roi để diễn trò và đóng phim, quảng cáo. Năm 28 tuổi, Tommy được sang tay chủ mới khi chủ cũ qua đời, tiếp tục diễn trò, đóng phim, kết thúc một ngày muộn màng và cô đơn trong chiếc lồng lưới thép.
“Nó có tiền, thức ăn và tivi màu”, chủ Tommy bảo và nhận thấy nó luôn buồn bã vậy. Nhưng ông khẳng định điều kiện này là quá tốt cho một con vật.
Ông Steven không nghĩ vậy. Dự án Quyền phi Con người, thành lập năm 2007, tập trung giành tư cách pháp nhân cho loài vượn, động vật có vú và voi. Những loài này đều phức tạp về mặt trí tuệ, có văn hóa riêng, tự trị và tự quyết, có ý thức về thời gian, tâm lý.
Hơn nữa, trao quyền tự do cho vượn, voi hoặc cá heo sẽ không khiến người Mỹ phải trả giá đắt về kinh tế. Không có ngành công nghiệp lớn nào của Mỹ phụ thuộc vào những con vật này. Hàng chục con tinh tinh đang được nuôi ở Mỹ, chỉ để làm thú cưng và giải trí.
Tommy trở thành con tinh tinh đầu tiên trong lịch sử nộp đơn kiện đòi quyền con người. Nhưng giải thoát Tommy khỏi lồng sắt và để cho nó đi lang thang, hay thả về Châu Phi, không phải ý kiến hay.
Họ dự định, nếu được giải thoát, Tommy sẽ được gửi đến khu bảo tồn tinh tinh, nằm ở Fort Pierce, Florida. Nơi Tommy sẽ có khoảng 20 người bạn, có hàng chục hòn đảo nhỏ để dạo chơi và một hồ nước nhân tạo lớn dưới ánh mặt trời ấm áp. Đây cũng là nơi an dưỡng của những con tinh tinh còn sống sót của NASA và những thí nghiệm đau đớn, chỉ bởi chúng có 98% ADN giống người.
Về cơ sở khởi kiện, Steven viện dẫn trong đơn, luật pháp New York quy định bất kỳ “người nào bị giam cầm bất hợp pháp hoặc bị hạn chế quyền tự do” đều có quyền nộp đơn habeas corpus, nghĩa đen là “cơ thể tự do”. “Bất kỳ ‘người’ nào cũng có thể xin lệnh. Và đó sẽ là câu hỏi pháp lý quan trọng: Tommy có phải là một ‘người’ theo nghĩa của luật không?
Quan điểm của ông Steve, Tommy không phải là tài sản, không phải là “một vật”, mà là một thực thể tự trị, nên nó có các quyền của riêng, là “một con người”. Nhưng ý nghĩa của việc trở thành một con người phức tạp hơn người ta tưởng.
Việc thắng thua của vụ kiện này phụ thuộc vào việc thuyết phục các thẩm phán của bang rằng tinh tinh là người, ít nhất là vì mục đích habeas corpus của chúng.
Giám đốc Steven Wise đã so sánh tinh tinh với trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo. Tinh tinh và trẻ nhỏ đều thể hiện nhiều loại cảm xúc, có thể hiểu được suy nghĩ của người khác và có khả năng giải quyết vấn đề, có thể nắm vững vốn từ vựng bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Và giống như những đứa trẻ ba tuổi bị giam giữ bất hợp pháp, không có tư cách để tự kiện, tinh tinh cần con người khởi kiện để thực thi các quyền hợp pháp của chúng. Do đó, Steven Wise và Dự án thay Tommy khởi kiện.
Hồ sơ pháp lý thay mặt Tommy bao gồm các bản khai có tuyên thệ của các chuyên gia khoa học trên khắp thế giới, từ Nhật Bản đến Thụy Điển đến Mỹ. Họ nhất trí với niềm tin rằng tinh tinh chia sẻ với con người tất cả khả năng và cảm xúc thiết yếu, bao gồm cả quyền tự chủ, để khiến chúng xứng đáng có các quyền của riêng mình.
Hành trình của Tommy qua các tòa án bắt đầu bằng một phiên điều trần tại tòa án Quận Fulton. Phiên điều trần chỉ kéo dài khoảng 20 phút. Thẩm phán thông cảm, nhưng bác đơn. “Chúc may mắn, tôi xin lỗi tôi không thể ký phê chuẩn nhưng tôi hy vọng ông tiếp tục. Là người yêu động vật, tôi đánh giá cao công việc của ông”, thẩm phán nói.
Steven Wise lường trước điều này, “chẳng thẩm phán nào muốn mình trông giống như một thằng ngốc”. Nhưng miễn là thẩm phán có xét xử, Steven sẽ được đưa vụ của Tommy ra Tòa phúc thẩm.
Đơn kháng cáo của Dự án đã được xét xử bởi một hội đồng gồm 5 thẩm phán trong một phòng xử án chật cứng người ở Albany. Steven Wise so sánh tình trạng khó khăn pháp lý của Tommy với tình trạng nô lệ, những người không được coi là người, và không có quyền con người. Cuộc tranh luận thú vị, đầy cảm xúc.
Các thẩm phán hỏi Steven Wise: “Vận động ban hành luật bảo vệ tinh tinh bị giam giữ trong điều kiện tồi tệ, có phải tốt hơn là đòi quyền con người cho tinh tinh không? Tôi chưa thấy bất kỳ tòa án nào ở bất kỳ đâu từng công nhận tinh tinh có quyền con người cả”.
Steven đáp: “Các ông có cơ hội trở thành những người đầu tiên”.
Các thẩm phán truy vấn, nếu tinh tinh được trao quyền hợp pháp như con người, chúng có buộc thực hiện những trách nhiệm pháp lý của con người? “Chúng ta có thể giao trách nhiệm pháp lý cho tinh tinh không?”.
Steven Wise chất vấn ngược: “Trẻ sơ sinh và trẻ em, những người tàn tật, sống thực vật, bệnh nặng, thiểu năng trí tuệ, đều không có khả năng chịu trách nhiệm pháp lý, vậy họ không được coi là người à?”.
Nhưng các thẩm phán đã không bị thuyết phục. Tòa nêu trong bản án, rằng không giống như con người, tinh tinh không thể chịu bất kỳ nghĩa vụ pháp lý nào, chịu trách nhiệm xã hội hoặc chịu trách nhiệm pháp lý về hành động của chúng. Cho rằng tinh tinh không có nghĩa vụ pháp lý, không có nhân cách, do đó toà bác kháng cáo của Steven Wise.
Steven Wise và các đồng nghiệp tại Dự án rất thất vọng, nhưng vẫn quyết tâm tới cùng. Cuối năm 2015, họ đã đệ trình một đơn kiện mới cho Tommy. Chủ tọa giao hẹn “mang chứng cứ mới đến đây, nếu không, sẽ không có phiên tòa nào hết”.
Steven Wise “tấn công” bản án phúc thẩm theo hướng nếu chỉ những người có khả năng chịu nhiệm pháp lý mới có quyền con người, thì người tàn tật, sống thực vật, trẻ sơ sinh thế nào? Nếu theo bản án của tòa, ở New York có hàng triệu người không được tính là người, Steven công kích.
Song theo tòa, lập luận này đã được nêu một lần rồi, và đơn kiện lần này không cần thiết nữa. Tòa phúc thẩm New York bác đơn. Steven khẳng định, không coi đó là sự kết thúc và thời gian tới sẽ đệ đơn tiếp.
Những người phản đối “quyền làm người” của động vật lập luận rằng những người ủng hộ phúc lợi động vật nên tập trung bảo vệ động vật thông qua quy trình lập pháp chứ không phải tòa án. Với một số quyền, chỉ nên là quyền của con người.
Việc đánh đồng động vật với con người vì mục đích làm người sẽ dẫn đến việc một số người, đặc biệt là những người có vấn đề nghiêm trọng về nhận thức, bị đối xử kém hơn.
Trong khi “cuộc chiến” ở Mỹ còn chưa đến hồi kết, ở Argentina vào năm 2016, một con tinh tinh cái đã trở thành động vật đầu tiên được trao hình thức tự do hợp pháp.
Trong vụ kiện tương tự tại thành phố Mendoza, Steven Wise và Dự án Quyền phi Con người đã đòi quyền tự do cho tinh tinh cái Cecilia, bị nuôi nhốt lâu năm trong sở thú thành phố này. Sau phán quyết, Cecilia được công nhận là một pháp nhân, được phóng thích và đưa đến khu bảo tồn ở Brazil và sống vui vẻ với đồng loại.
Steven tiếp tục giành thắng lợi tại Argentina ở vụ kiện sau đó 3 năm, cho con đười ươi cái Sandra, bị nhốt ở vườn thú Buenos Aires.
Thẩm phán đã trả tự do cho Sandra giải thích: Với phán quyết đó, tôi muốn nói với xã hội một điều, động vật là sinh vật có tri giác và quyền đầu tiên mà chúng có là được tự do. Nghĩa vụ của chúng ta phải tôn trọng. Thẩm phán này treo một bức ảnh lớn của Sandra trong văn phòng.
Cái kết cho Tommy khá buồn. Năm 2015, chủ của Tommy giải nghệ, tuyên bố đã gửi chú tinh tinh này vào một vườn thú “không nhớ tên”.
Hồ sơ công khai từ Sở Nông nghiệp và Thị trường New York cho thấy Tommy đã được chuyển vào cuối năm 2015 đến Sở thú DeYoung ở phía bắc Michigan. Nhưng điều tra viên của Dự án không tìm thấy bằng chứng nào về việc Tommy ở đó.
Trong khi đó, vườn thú tuyên bố họ không tiếp nhận con tinh tinh nào trong thời gian đó. Nếu còn sống, Tommy hiện 43 tuổi.
Hải Thư