Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Anh, Đức nói việc cung cấp F-16 cho Ukraine phụ thuộc vào Mỹ

Văn phòng Thủ tướng Anh ngày 16/5 thông báo Thủ tướng Rishi Sunak và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhất trí phối hợp xây dựng liên minh quốc tế nhằm cung cấp cho Ukraine năng lực tác chiến trên không, hỗ trợ mọi thứ từ đào tạo đến nhận tiêm kích F-16.

Phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Anh Ben Wallace ở Berlin ngày 17/5, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius giải thích rằng Đức, quốc gia không có tiêm kích F-16 mà Ukraine mong muốn, sẽ không thể đóng góp cho liên minh nói trên.

“Chúng tôi không thể đóng vai trò tích cực trong một liên minh như vậy, bởi chúng tôi không có khả năng về huấn luyện, chuyên môn hay máy bay”, ông Pistorius nói.

Những chiếc F-16 do Mỹ sản xuất đứng đầu danh sách khí tài Ukaine muốn có bởi sức mạnh, hiệu quả và tính linh hoạt của chúng. Quân đội Ukraine cho biết chúng sẽ hiệu quả gấp 4 hoặc 5 lần so với các tiêm kích thời Liên Xô mà nước này đang sử dụng.

“Nhà Trắng sẽ là bên quyết định liệu có chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine hay không”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức nhấn mạnh.





Tiêm kích F-16 tham gia cuộc diễn tập của NATO gần căn cứ không quân tại Ba Lan ngày năm 2022. Ảnh: AFP

Tiêm kích F-16 tham gia cuộc diễn tập của NATO gần căn cứ không quân tại Ba Lan ngày năm 2022. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Quốc phòng Wallace chỉ ra rằng Anh không sở hữu F-16 và cũng không có kế hoạch chuyển giao tiêm kích Typhoon cho Ukraine, vốn được xem là một lựa chọn khả thi.

“Nhà Trắng phải quyết định có muốn chuyển giao hay không”, ông Wallace nói, thêm rằng London sẽ hỗ trợ bằng mọi cách có thể cho bất kỳ quốc gia nào muốn cung cấp cho Kiev. “Chúng tôi không có phi công F-16, nhưng có thể hỗ trợ việc chuyển giao. Điều thực sự quan trọng ở đây là cho Nga thấy chúng ta không phản đối việc cung cấp cho Ukraine những năng lực mà nước này cần”.

Ukraine nhiều tháng qua đề nghị phương Tây cung cấp tiêm kích hiện đại như F-16 để “đẩy lùi các đợt tập kích của Nga”. Tuy nhiên, Mỹ và các thành viên NATO tới nay từ chối cung cấp F-16 với lý do chúng quá phức tạp để Ukraine nhanh chóng làm chủ và bảo dưỡng, cũng như lo ngại quyết định sẽ khiến Nga leo thang xung đột.

Chuyên gia Justin Bronk tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cảnh báo dù tiêm kích phương Tây có thể mang đến năng lực lớn hơn cho Ukraine, lưới phòng không của Nga sẽ buộc chúng phải bay thấp khi yểm trợ mặt đất và hạn chế hiệu quả tác chiến.

Nga và Ukraine đều không kiểm soát bầu trời, do đó vai trò của không quân ít nổi bật trong cuộc xung đột vốn được định hình chủ yếu bằng pháo binh. Các tổ hợp phòng không S-300 từ thời Liên Xô của Ukraine cùng hệ thống tên lửa do phương Tây viện trợ từng ngăn tiêm kích Nga tiến sâu vào không phận nước này.

Tiêm kích đa năng F-16 do General Dynamics phát triển từ những năm 1970, được Mỹ và các đồng minh sử dụng. F-16 có thể đạt tốc độ tối đa 2.121 km/h ở độ cao 12.000 m, trần bay tối đa 18.000 m với tầm hoạt động 546 km. F-16 được trang bị một pháo 6 nòng 20 mm, 11 giá treo có thể mang theo 7,7 tấn vũ khí.





Cục diện chiến trường Nga - Ukraine. Đồ họa: WP

Cục diện chiến trường Nga – Ukraine. Đồ họa: WP

Huyền Lê (Theo Reuters, DW, TASS)



Leave a Comment

0.0/5