“Điều quan trọng là vũ khí chúng tôi cung cấp cho Ukraine để tự vệ sẽ không được sử dụng trong các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga”, Thủ tướng Đức Scholz nói trong cuộc gặp người dân ở bang miền tây Rhineland-Palatinate ngày 1/5.
Theo ông Scholz, Đức cung cấp vũ khí hỗ trợ Ukraine, trong đó có xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, nhưng cũng tìm mọi cách để tránh leo thang tình hình có thể dẫn đến đụng độ trực tiếp giữa NATO và Nga.
“Các cường quốc phương Tây khác cung cấp vũ khí cho Ukraine cũng tuân theo quy tắc tương tự”, Thủ tướng Đức nhấn mạnh.
Tuyên bố được Thủ tướng Scholz đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tháng trước lập luận rằng việc Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga để “cắt tuyến đường tiếp tế” và vì các lý do quân sự khác là “hoàn toàn bình thường”. Pistorius không đề cập nguồn gốc các loại vũ khí mà Ukraine có thể sử dụng trong những cuộc tấn công như vậy.
Từ khi xung đột bùng phát tháng 2/2022, các khu vực Bryansk, Belgorod và Kursk của Nga, đều giáp biên giới Ukraine, nhiều lần bị tấn công bằng máy bay không người lái và rocket. Giới chức Nga cho biết cuộc tấn công này nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng và khu dân cư, khiến một số thường dân thiệt mạng. Ukraine không thừa nhận tiến hành những vụ tập kích như vậy.
Moskva từ lâu cảnh báo rằng họ coi việc Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga là “lằn ranh đỏ”. Nga cũng lập luận rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine thực chất là “cuộc chiến ủy nhiệm” do NATO tiến hành chống lại nước này.
Theo Moskva, hỗ trợ quân sự của Mỹ, Anh, Đức và các đồng minh cho Ukraine trên thực tế đã khiến các quốc gia này trở thành bên tham gia xung đột.
Trước Đức, Mỹ cũng đã tuyên bố rằng vũ khí Washington cung cấp cho Ukraine không nên được sử dụng để tấn công những lãnh thổ được quốc tế công nhận là thuộc về Nga.
Huyền Lê (Theo RT, Pravda)