Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Cá heo liên tục cắn người có thể vì quá cô đơn

Ít nhất 18 vụ cá heo cắn người đã xảy ra ở tỉnh Fukui, miền trung Nhật Bản, từ 21/7 tới nay, trong đó vụ gần nhất là một người đang bơi ở bãi biển thành phố Tsuruga bị cắn vào hai bàn tay. Từ năm 2022 tới nay, hơn 45 vụ cá heo tấn công người đã xảy ra trong khu vực.

Cá heo xuất hiện tại bờ biển Shiraki ở tỉnh Fukui hồi đầu tháng 8. Ảnh: Kyodo

Cá heo xuất hiện tại bờ biển Shiraki ở tỉnh Fukui hồi đầu tháng 8. Ảnh: Kyodo

Khi xem xét các vết cắn cũng như dấu vết đặc trưng trên vây con vật được ghi lại trong các vụ tấn công, các nhà khoa học Nhật Bản nhận định thủ phạm là một con cá heo mũi chai đực Tursiops.

Đây là loài có tính xã hội cao, sống theo bầy đàn, nhưng con đực này chỉ bơi một mình. Hành vi bất thường của nó có thể do quá cô đơn và không được thỏa mãn tình dục sau khi bị tách khỏi bầy.

Tadamichi Morisaka, nhà nghiên cứu cá heo ở Đại học Mie, thành phố Tsuruga, cho biết hành vi cắn đùa thường xảy ra ở con đực Tursiops, loài luôn sống theo cặp và bầy đàn.

“Cắn đùa bao gồm các hành vi đuổi bắt, cọ vây ngực vào con khác nhằm thể hiện tình cảm, thậm chí là các hành vi tình dục như cọ dương vật vào nhau”, Morisaka nói. “Cắn đùa là một trong những hành vi thể hiện tính xã hội. Con cá heo ở Fukui hành động như đang vui đùa cùng bạn, nhưng đó lại là con người”.

Putu Mustika, nhà nghiên cứu ở Đại học James Cook, cho biết cá heo cũng có thể trở nên hung hăng khi thực hiện hành vi giao phối và có thể hiểu sai hành động tương tác của con người.

Các nhà khoa học vẫn chưa rõ tại sao con cá heo đực này bị tách đàn. Để đối phó với tình trạng cá heo tấn công người gia tăng, giới chức đã tăng cường tuần tra cứu hộ trong khu vực, rút ngắn thời gian cho phép tắm biển để con người giảm tương tác với con cá heo đực cô đơn.

Giới nghiên cứu từng ghi nhận cá heo quấy rối con người vì “ức chế tình dục” năm 2018 ở làng Landevennec, nước Pháp. Chính quyền địa phương phải ban lệnh cấm bơi tạm thời sau khi một con cá heo Tursiops có tên Zafar liên tục ngăn cản người bơi vào bờ, cũng như bơi sát và va chạm với người đi bơi, người chèo thuyền kayak.

Hồng Hạnh (Theo USA Today)



Leave a Comment

0.0/5