Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Các phe phái Sudan ngừng bắn 7 ngày

Abdel Fattah al-Burhan, chỉ huy Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và Mohamed Hamdan Daglo, lãnh đạo nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) “đã nhất trí các điều khoản cho thỏa thuận ngừng bắn dài 7 ngày bắt đầu từ 4/5 đến 11/5”, Bộ Ngoại giao Nam Sudan cho biết ngày 2/5.

Theo Bộ Ngoại giao Nam Sudan, Tổng thống nước này Salva Kiir đã điện đàm với ông Burhan và ông Daglo theo sáng kiến của Cơ quan liên chính phủ về phát triển Đông Phi (IGAD), cơ quan đang thúc đẩy chấm dứt giao tranh.

Bộ Ngoại giao Nam Sudan thêm rằng hai bên xung đột ở Sudan cũng đồng ý “chỉ định đại diện tham gia các cuộc đàm phán hòa bình được tổ chức tại bất kỳ địa điểm nào mà họ chọn”.

Tổng thống Salva Kiir tại thủ đô Juba, Nam Sudan hồi tháng 2/2020. Ảnh: Reuters

Tổng thống Salva Kiir tại thủ đô Juba, Nam Sudan hồi tháng 2/2020. Ảnh: Reuters

Hàng trăm người đã chết và hàng nghìn người bị thương vì giao tranh khi các cuộc không kích và pháo kích qua lại ở nhiều khu vực của Sudan, đặc biệt là thủ đô Khartoum. Hàng chục nghìn người Sudan phải sơ tán.

Quan chức nhân đạo hàng đầu Liên Hợp Quốc Martin Griffiths ngày 30/4 cho biết tình hình nhân đạo của Sudan đã đến “điểm giới hạn” khi hàng triệu người không thể tiếp cận nhu yếu phẩm. Trước đó, cựu thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok nói xung đột ở nước này có thể trở thành một trong những cuộc nội chiến khốc liệt nhất thế giới nếu không sớm kết thúc.

Sudan nằm ở khu vực đông bắc châu Phi, giáp với Biển Đỏ, có dân số gần 48 triệu người. Đây là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên nằm giữa khu vực Hạ Sahara và Trung Đông, nhưng các cuộc xung đột liên miên khiến Sudan không thể phát triển về kinh tế.

Một chiếc xe bị thiêu trụi do giao tranh trên đường phố Khartoum, Sudan ngày 26/4. Ảnh: Reuters

Một chiếc xe bị thiêu trụi do giao tranh trên đường phố Khartoum, Sudan ngày 26/4. Ảnh: Reuters

Khi Nam Sudan tách khỏi Sudan để thành một quốc gia độc lập vào năm 2011, Sudan mất đi nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ vốn chiếm hơn 95% giá trị xuất khẩu của nước này. Cú sốc đó đã gây ra lạm phát phi mã, kết hợp với giá nhiên liệu tăng đã châm ngòi làn sóng biểu tình bạo lực năm 2013.

Khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng thúc đẩy quân đội Sudan hồi tháng 4/2019 đảo chính lật đổ tổng thống Omar al-Bashir, người nắm quyền lãnh đạo đất nước từ năm 1993 và từng nhiều lần bị phương Tây chỉ trích. RSF đã ủng hộ quân đội trong cuộc đảo chính.

Tuy nhiên, cuộc đảo chính này vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ, buộc quân đội Sudan chấp nhận chia sẻ quyền lực với các lực lượng dân sự, thông qua mô hình Hội đồng Chủ quyền với thủ tướng tạm quyền là Hamdok.

Quân đội Sudan tiếp tục đảo chính phế truất Hamdok vào tháng 10/2021 và tướng Abdel-Fattah Burhan, tư lệnh quân đội, trở thành người quyền lực nhất nước, đứng đầu chính quyền quân sự.

Khi Burhan muốn sáp nhập RSF vào quân đội, Daglo phản đối, dẫn đến mâu thuẫn gay gắt giữa hai người đàn ông quyền lực nhất Sudan. Mâu thuẫn bùng phát thành đụng độ vũ trang từ ngày 15/4, khi hai bên cáo buộc lẫn nhau nổ súng trước.

Vị trí Sudan. Đồ họa: AFP

Vị trí Sudan. Đồ họa: AFP

Thanh Tâm (Theo AFP)

Leave a Comment

0.0/5