Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Chính quyền Sudan tố phe đối lập phóng thích cựu tổng thống

Bộ Nội vụ Sudan hôm nay cho biết các tay súng thuộc Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) đối lập đã xông vào các nhà tù từ ngày 21 đến 24/4, trong đó vụ tấn công nhà tù Kober ở thủ đô Khartoum đã khiến một số quản giáo thiệt mạng và bị thương.

Sau khi kiểm soát 5 nhà tù này, RSF đã phóng thích tất cả tù nhân, trong đó có cựu tổng thống Omar Hassan al-Bashir, người bị quân đội Sudan lật đổ 4 năm trước, Bộ Nội vụ Sudan cho hay.

Trong số những người được thả khỏi nhà tù Kober còn có Ahmed Haroun, lãnh đạo đảng Đại hội Quốc gia cầm quyền, một trong hàng chục quan chức bị bắt năm 2019 sau cuộc đảo chính lật đổ ông Bashir. Haroun bị Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) truy tố với hơn 40 tội danh và tội ác chống lại loài người.

Những hành vi bị cáo buộc của Haroun được cho là xảy ra đầu những năm 2000, khi ông là bộ trưởng nội vụ Sudan.

Haroun hôm 25/4 cho biết ông và các cựu quan chức khác đã được chuyển đến nơi an toàn và sẽ ra trình diện cơ quan chức năng khi tình hình trở lại bình thường.

RSF chưa bình luận về thông tin này.

Các thành viên nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) trên đường phố thủ đô Khartoum ngày 23/4. Ảnh: AFP

Các thành viên nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) trên đường phố thủ đô Khartoum ngày 23/4. Ảnh: AFP

Giao tranh nổ ra giữa quân đội Sudan (SAF) và RSF từ ngày 15/4 sau những tuần căng thẳng về việc sáp nhập RSF vào quân đội chính quy. Hai bên nhất trí ngừng bắn trong 72 giờ kể từ ngày 25/4 sau các cuộc đàm phán do Mỹ và Arab Saudi làm trung gian. Tuy nhiên, nhân chứng cho biết các cuộc không kích vẫn diễn ra và RSF tuyên bố kiểm soát một nhà máy điện cùng một nhà máy lọc dầu lớn.

Liên Hợp Quốc cho hay ít nhất 459 người đã thiệt mạng và hơn 4.000 người bị thương từ khi giao tranh bùng phát. Gần 16 triệu người, chiếm khoảng 1/3 dân số của Sudan, đang cần viện trợ nhân đạo.

Sudan nằm ở khu vực đông bắc châu Phi, giáp với Biển Đỏ, có dân số gần 48 triệu người. Đây là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên nằm giữa khu vực Hạ Sahara và Trung Đông, nhưng các cuộc xung đột liên miên khiến Sudan không thể phát triển về kinh tế.

Khi Nam Sudan tách khỏi Sudan để thành một quốc gia độc lập vào năm 2011, Sudan mất đi nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ vốn chiếm hơn 95% giá trị xuất khẩu của nước này. Cú sốc đó đã gây ra lạm phát phi mã, kết hợp với giá nhiên liệu tăng đã châm ngòi làn sóng biểu tình bạo lực năm 2013.

Khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng thúc đẩy quân đội Sudan hồi tháng 4/2019 đảo chính lật đổ tổng thống Omar al-Bashir, người nắm quyền lãnh đạo đất nước từ năm 1993 và từng nhiều lần bị phương Tây chỉ trích.

Vị trí Sudan. Đồ họa: AFP

Vị trí Sudan. Đồ họa: AFP

Huyền Lê (Theo Reuters, AFP, CNN)

Leave a Comment

0.0/5