Thụy Sĩ cuối ngày 23/4 thông báo đóng cửa đại sứ quán ở thủ đô Khartoum, Sudan và sơ tán 7 nhân viên ngoại giao, 5 người đi cùng vì lý do an ninh. Một quan chức ngày 24/4 xác nhận 10 người đã được Pháp hỗ trợ đến Djibouti, quốc gia láng giềng của Sudan, và hai người còn lại đến Ethiopia với sự giúp đỡ từ Ủy ban Quốc tế Chữ thập Đỏ.
“Phía Pháp thông báo ngắn gọn về thời gian có mặt tại đại sứ quán Pháp ở Khartoum và chúng tôi cần chuẩn bị sẵn sàng. Chúng tôi không biết mình sẽ được đưa đến đâu, nhưng chắc chắn không thể mang nhiều hành lý nên đều bỏ bớt đồ đạc cá nhân lại”, Đại sứ Thụy Sĩ ở Sudan Christian Winter trả lời báo giới tại Bern ngày 25/4, sau khi trở về từ Djibouti.
Sau khi đến đại sứ quán Pháp, nhóm của Đại sứ Winter lên các xe buýt và được hộ tống bởi Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), một phe trong xung đột, để đến căn cứ quân sự ngoại ô thủ đô.
“Quá trình sơ tán diễn ra khó khăn, bởi giao tranh vẫn tiếp diễn”, ông Winter cho biết. “Chúng tôi nghe thấy tiếng súng, phi cơ thả bom tại những khu dân cư gần nơi chúng tôi đang đi qua. Chúng tôi nghe thấy tiếng nổ, xe buýt cũng rung lên, cho thấy nguy hiểm cận kề”.
Cuộc sơ tán diễn ra trong bối cảnh xung đột giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và RSF bùng phát từ ngày 15/4, biến nhiều khu dân cư thành chiến trường, khiến ít nhất 459 người thiệt mạng, hơn 4.000 người bị thương.
Hàng loạt quốc gia cũng đang nỗ lực giải cứu công dân của họ. Một số quốc gia chọn điểm sơ tán là thành phố Port Sudan ở đông bắc đất nước trong khi số khác như Mỹ, Anh, Đức, Pháp chọn sân bay ở căn cứ quân sự Wadi Seidna ở ngoại ô Khartoum, nơi SAF kiểm soát.
“Tại khu vực RSF kiểm soát, họ hộ tống chúng tôi bằng đoàn xe bán tải có gắn súng máy và súng phóng lựu. Khi chúng tôi đến tiền tuyến và nhìn thấy một loạt xe tăng của SAF thì đoàn RSF rời đi. Chúng tôi sau đó đi qua các vị trí SAF kiểm soát”, ông Winter kể. “Trong khi chúng tôi di chuyển, phi cơ MiG-29 của SAF vẫn vần vũ trên không. May mắn là họ không bắn chúng tôi mà nhằm vào mục tiêu khác”.
Nhóm của ông Winter sau đó được đưa đến Djibouti rồi trở về sân bay Bern-Belp, Thụy Sĩ, vào hơn 6h ngày 25/4. Toàn bộ hành trình từ đại sứ quán Pháp đến Bern dài khoảng 17 giờ 30 phút. Ông Winter cho biết các nhân viên địa phương tại đại sứ quán Thụy Sĩ không sơ tán cùng họ.
Điều này khác với năm 2021, khi Thụy Sĩ đã sơ tán 230 công dân Afghanistan, gồm nhân viên làm việc trong cơ quan của Bern cùng người thân. Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ giải thích rằng các điều kiện để sơ tán nhân viên địa phương ở Sudan không phù hợp, nói thêm rằng Bern vẫn đang cung cấp hỗ trợ cho họ.
Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis cho biết Bern đang theo dõi tình hình để tìm cơ hội sơ tán khoảng 100 công dân Thụy Sĩ còn ở Sudan, nhưng thừa nhận có thể không sơ tán được toàn bộ.
“Thực tế, họ đều mang hai quốc tịch Thụy Sĩ và Sudan. Khó khăn ở đây là họ cần được giới chức Sudan cho phép xuất cảnh, trong khi các cơ quan chức năng địa phương đều đang không hoạt động ổn định”, ông Winter lý giải. Theo Winter, khoảng 30 trong số này bày tỏ mong muốn rời Sudan.
Sudan nằm ở khu vực đông bắc châu Phi, giáp với Biển Đỏ, có dân số gần 48 triệu người. Đây là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên nằm giữa khu vực Hạ Sahara và Trung Đông, nhưng các cuộc xung đột liên miên khiến Sudan không thể phát triển về kinh tế.
Khi Nam Sudan tách khỏi Sudan để thành một quốc gia độc lập vào năm 2011, Sudan mất đi nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ vốn chiếm hơn 95% giá trị xuất khẩu của nước này. Cú sốc đó đã gây ra lạm phát phi mã, kết hợp với giá nhiên liệu tăng đã châm ngòi làn sóng biểu tình bạo lực năm 2013.
Khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng thúc đẩy quân đội Sudan hồi tháng 4/2019 đảo chính lật đổ tổng thống Omar al-Bashir, người nắm quyền lãnh đạo đất nước từ năm 1993 và từng nhiều lần bị phương Tây chỉ trích.
RSF, lực lượng bán quân sự được thành lập năm 2013 thuộc quyền quản lý của Cơ quan An ninh và Tình báo Quốc gia Sudan dưới thời tổng thống al-Bashir, đã ủng hộ quân đội trong cuộc đảo chính.
Tuy nhiên, cuộc đảo chính này vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ, buộc quân đội Sudan chấp nhận chia sẻ quyền lực với các lực lượng dân sự, thông qua mô hình Hội đồng Chủ quyền với thủ tướng tạm quyền là Abdalla Hamdok. Quân đội Sudan tiếp tục đảo chính phế truất Hamdok vào tháng 10/2021 và tướng Abdel-Fattah Burhan, tư lệnh quân đội, trở thành người quyền lực nhất nước, đứng đầu chính quyền quân sự.
Khi Burhan muốn sáp nhập RSF vào quân đội, chỉ huy lực lượng này là tướng Mohammed Hamdan Dagalo phản đối, dẫn đến mâu thuẫn gay gắt giữa hai người đàn ông quyền lực nhất Sudan. Mâu thuẫn bùng phát thành đụng độ vũ trang từ ngày 15/4, khi hai bên cáo buộc lẫn nhau nổ súng trước.
Như Tâm (Theo Reuters, Swissinfo)