Liên đoàn Arab ngày 7/5 thông qua quyết định tái kết nạp Syria sau cuộc họp kín ở Cairo, chấm dứt nỗ lực 12 năm nhằm cô lập quốc gia này. Quyết định trên đồng nghĩa Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab ở Jeddah, Arab Saudi ngày 19/5.
Liên đoàn Arab là tổ chức gồm 22 thành viên được thành lập năm 1945 nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực và giải quyết tranh chấp tại Tây Nam Á, Bắc và Đông Bắc Phi. Liên đoàn Arab đình chỉ tư cách thành viên của Syria năm 2011 để phản đối cách chính quyền Tổng thống Arab đối phó phong trào biểu tình châm ngòi cho cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài 13 năm qua, khiến khoảng nửa triệu người thiệt mạng.
Trong cuộc nội chiến, một số thành viên của Liên đoàn Arab như Qatar, Arab Saudi đã tích cực hỗ trợ các nhóm vũ trang đối lập muốn lật đổ ông Assad. Trong khi đó, Nga, Iran và các nhóm dân quân được Tehran hậu thuẫn đã chiến đấu để bảo vệ chính phủ Syria.
Sau nhiều năm giao tranh, quân đội chính phủ của ông Assad đã tái kiểm soát phần lớn đất nước, dồn các nhóm đối lập và dân quân người Kurd do Mỹ hậu thuẫn tới một số khu vực ở miền bắc, miền đông Syria.
Hiện trạng này khó có thể sớm thay đổi và là minh chứng cho thấy phe đối lập Syria dù được nhiều cường quốc trong thế giới Arab hậu thuẫn không phải là đối thủ của Tổng thống Assad. Các nước Arab từng hy vọng cô lập ông Assad giờ đây nhận ra rằng cách tốt hơn là tiếp cận với chính phủ Syria, thay vì theo đuổi nỗ lực lật đổ ông.
“Chúng tôi không tìm kiếm giải pháp màu nhiệm, nhưng chúng tôi biết tình hình sẽ chẳng đi đến đâu nếu cứ duy trì chính sách hiện tại”, Hesham Alghannam, nhà khoa học chính trị Arab Saudi, nói. “Chúng tôi không biết khi nào xung đột sẽ kết thúc và việc tẩy chay chính phủ Syria không mang đến giải pháp nào”.
Những năm gần đây, một số quốc gia Arab đã tiến tới thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Syria, đáng chú ý nhất là động thái của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hồi năm 2018. Jordan và Syria mở lại biên giới năm 2021. Arab Saudi, quốc gia chủ chốt trong Liên đoàn Arab và từ lâu phản đối bình thường hóa với chính quyền Assad, hôm 9/5 cũng xác nhận khôi phục quan hệ ngoại giao với Damascus.
Giới chuyên gia cho rằng đây là một chiến thắng mang tính biểu tượng cho Damascus, đồng thời là dấu hiệu cho thấy xu hướng tái sắp xếp của nền chính trị Arab, khi các cường quốc khu vực muốn hòa giải và xích lại gần nhau, trong khi ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông dần suy giảm.
Trận động đất kinh hoàng ngày 6/2 gây thiệt hại nghiêm trọng cho Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đẩy nhanh quá trình hòa giải quan hệ trong khu vực, giúp Syria nhận được sự cảm thông lớn hơn từ các nước láng giềng.
Hơn 6.000 người đã thiệt mạng và hàng trăm nghìn người mất nhà cửa ở Syria do động đất. Quan chức cấp cao từ các quốc gia từng là đối thủ đã đến thăm Damascus lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ để gửi hàng viện trợ nhân đạo.
Hỗ trợ đối phó khủng hoảng nhân đạo là cách hợp lý nhất để các thành viên Liên đoàn Arab tiếp xúc trở lại với chính quyền Tổng thống Assad trong nỗ lực cải thiện quan hệ.
Một động lực khác thúc đẩy xu hướng hòa hợp trong thế giới Arab là thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian nhằm thiết lập lại quan hệ giữa Arab Saudi và kình địch Iran. Thỏa thuận này đã khuyến khích hai cường quốc khu vực giảm leo thang xung đột ở các điểm nóng Syria và Yemen.
Randa Slim, giám đốc Chương trình Giải quyết xung đột và Theo dõi Đối thoại thuộc Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington, cho rằng việc Mỹ suy giảm ảnh hưởng vì “không ưu tiên cho Trung Đông, đặc biệt là Syria” đã khiến các nước trong khu vực thực hiện thỏa thuận của riêng họ với Damascus, bất chấp sự phản đối từ Washington.
Arab Saudi đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Syria trở lại Liên đoàn Arab. Riyadh đã chủ trì cuộc họp tháng trước để thảo luận chủ đề này, tiếp sau đó là hội nghị tương tự ở Jordan đầu tháng 5.
Qatar vẫn là nước phản đối gay gắt nhất với quá trình tái tái kết nạp Syria. Tuy nhiên, sau quyết định của Liên đoàn Arab, Qatar cho biết họ “sẽ không gây trở ngại” đối với “sự đồng thuận của người Arab”.
Bader Al-Saif, phó giáo sư lịch sử tại Đại học Kuwait, cho rằng vẫn còn một số hoài nghi về nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Syria khi chưa có giải pháp chính trị nào cho xung đột ở nước này. Tuy nhiên, Arab Saudi, quốc gia đóng vai trò đầu tàu của Liên đoàn Arab, chắc chắn sẽ thúc đẩy Syria hành động vì một “trật tự Arab thống nhất và mạnh mẽ hơn”.
Theo các chuyên gia, với việc được tái kết nạp vào Liên đoàn Arab, Syria có thể kỳ vọng vào các khoản đầu tư và thương mại mới với khu vực, từ đó tái thiết nền kinh tế đã bị tàn phá nghiêm trọng vì chiến tranh.
“Nếu Syria duy trì được ổn định chính trị, tôi tin rằng sẽ có dòng vốn đầu tư và thương mại từ Vùng Vịnh chảy vào nước này”, Alghannam, nhà khoa học chính trị Arab Saudi, nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng kịch bản đó hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực của Syria hướng tới giải pháp chính trị để chấm dứt mâu thuẫn trong nước, cũng như xây dựng lòng tin với các quốc gia trong khu vực và vượt qua sự phản đối kịch liệt của Mỹ.
“Chúng tôi không tin rằng Syria xứng đáng được tái kết nạp vào Liên đoàn Arab tại thời điểm này. Chúng tôi sẽ không bình thường hóa quan hệ với chính quyền Assad và cũng không ủng hộ các đồng minh, đối tác của mình làm như vậy”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel tuyên bố hôm 8/5.
Tuyên bố do Liên đoàn Arab đưa ra sau cuộc họp hôm 7/5 yêu cầu Syria có những biện pháp quyết liệt hơn nữa trong giải quyết xung đột, ngăn chặn tình trạng buôn bán ma túy qua biên giới và tạo điều kiện cho người tị nạn hồi hương, đồng thời kiềm chế ảnh hưởng của Iran ở quốc gia này.
Maha Yahya, giám đốc Trung tâm Trung Đông Carnegie có trụ sở tại Beirut, Lebanon, cho rằng Syria sẽ khó sớm đáp ứng toàn bộ yêu cầu của các nước Arab. “Tôi không cho rằng việc được tái kết nạp vào Liên đoàn Arab sẽ mở ra làn sóng hỗ trợ ồ ạt cho Syria”, Yahya cho hay. Sự phản đối cùng các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng có thể ngăn các nước Arab đầu tư đáng kể vào tái thiết Syria trong tương lai gần.
Huyền Lê (Theo AP)