Nga ngày 3/5 cáo buộc Ukraine tìm cách ám sát Tổng thống Vladimir Putin bằng cuộc tấn công bằng hai máy bay không người lái (UAV) vào Điện Kremlin, nhưng không đưa ra bằng chứng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhanh chóng phủ nhận cáo buộc liên quan tới vụ tấn công. Ông nói lực lượng của Kiev đang bận rộn “bảo vệ các ngôi nhà và thành phố” trên lãnh thổ, thêm rằng Ukraine không có vũ khí đủ khả năng tiến hành vụ ám sát tại Điện Kremlin.
David Silbey, phó giáo sư lịch sử tại Đại học Cornell ở Washington, cho rằng những cuộc tấn công kiểu ám sát như vậy không hiếm thấy trong chiến tranh. “Mỹ đã bắt đầu Chiến tranh vùng Vịnh năm 2003 với nỗ lực hạ sát Saddam Hussein. Ông Zelensky cũng từng đối mặt với vài âm mưu ám sát trong cuộc chiến này”, ông nói.
Ông Silbey cho rằng vụ tập kích ngày 3/5 có thể là “nỗ lực của người Ukraine nhắm vào ông Putin, với hy vọng lãnh đạo mới của Nga sẽ không còn mặn mà với chiến dịch quân sự”.
“Ngay cả khi kế hoạch không thành công, người Ukraine cũng có thể nghĩ rằng đó là một tuyên bố táo bạo về việc họ có thể tiếp cận ông Putin gần tới mức nào”, Silbey nói.
Tuy nhiên, Tom Nichols, bình luận viên của Atlantic, nhận định kịch bản này khó xảy ra và không mang lại nhiều lợi ích thực sự cho Ukraine.
Các quan chức quốc phòng Mỹ từng thừa nhận tình báo Ukraine có khả năng theo dõi các hoạt động của Tổng thống Putin và rất có thể biết rõ ông không có mặt ở Điện Kremlin vào rạng sáng 3/5. Ông Putin khi đó tới làm việc ở dinh thự tại Novo-Ogaryovo, ngoại ô thủ đô Moskva.
“Cuộc tấn công vào Điện Kremlin có thể là hành động mang tính biểu tượng, nhưng động thái nhắm vào dinh thự trống vào ban đêm sẽ lãng phí nguồn lực tình báo Ukraine. Nó cũng có thể khiến Mỹ và NATO cảm thấy khó chịu”, Nichols cho hay.
Jim Geraghty, bình luận viên chính trị cấp cao của National Review, cho rằng việc tập kích Điện Kremlin và nhắm mục tiêu vào ông Putin cũng không mang lại tác động nào tới chiến dịch của Nga ở Ukraine.
“Điều đó chỉ có thể khiến Nga càng quyết tâm thực hiện chiến dịch. Nếu vụ tấn công gây ra tổn thất lớn, Nga sẽ có thêm động lực đáp trả Ukraine quyết liệt hơn”, Geraghty nhận định.
Ông giải thích một cuộc tấn công vào Điện Kremlin sẽ giúp Tổng thống Putin có lý do thực hiện một số hành động quyết liệt nhằm cản trở Ukraine tiến hành chiến dịch phản công lớn. Một cuộc tấn công nhắm vào thủ đô Moskva sẽ là cơ hội để Nga cảnh báo thế giới rằng lần này họ sẽ thực sự mạnh tay.
Giới chức Ukraine cũng lo ngại kịch bản này. Mykhailo Podolyak, cố vấn Tổng thống Zelensky, nói với BBC rằng sự việc cho thấy Nga có thể đang “chuẩn bị hành động khiêu khích quy mô lớn” ở Ukraine.
“Có điều gì đó đang xảy ra trên bầu trời Nga, nhưng chắc chắn không có máy bay không người lái của Ukraine bay trên Điện Kremlin”, Podolyak khẳng định.
John Spencer, chủ tịch Nhóm nghiên cứu Chiến tranh Đô thị thuộc Diễn đàn Chính sách Madison, trụ sở tại Mỹ, nhận định ông cảm thấy “sẽ là bất lợi lớn với Ukraine khi tấn công Điện Kremlin, khiến dư luận Nga quay sang ủng hộ chiến dịch nhiều hơn”.
Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay cho biết Nga đang khẩn cấp điều tra sự việc, đồng thời cho rằng Ukraine đang “làm theo chỉ đạo từ Washington” nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể.
Bất kể ai thực sự đứng sau vụ tấn công, giới quan sát tin rằng ông Putin có thể sử dụng sự việc này để giải thích cho việc Nga tăng cường nỗ lực quân sự ở Ukraine.
Mark N. Katz, nhà phân tích thuộc Trường Chính sách Schar thuộc Đại học George Mason, cho rằng cuộc tấn công ngày 3/5 có thể “được Điện Kremlin sử dụng để làm cái cớ trả đũa nhắm vào các mục tiêu lãnh đạo Ukraine”.
Giới quan sát nói Điện Kremlin đã gợi ý về khả năng này. Trong tuyên bố ngày 3/5, chính phủ Nga nói Moskva có quyền “thực hiện các biện pháp đối phó vào bất kỳ đâu và bất kỳ thời điểm nào mà họ thấy phù hợp”.
Các quan chức hàng đầu Nga cũng đã kêu gọi tiến hành các hoạt động đáp trả quyết liệt nhất. Vyacheslav Volodin, chủ tịch Hạ viện Nga, viết trên Telegram rằng “chúng tôi sẽ yêu cầu sử dụng vũ khí có khả năng ngăn chặn và tiêu diệt chế độ khủng bố Kiev”.
Ngay sau bình luận của ông Volodin, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng kêu gọi Moskva hành động trong bài đăng trên Telegram. “Sau cuộc tấn công khủng bố đó, không còn lựa chọn nào khác ngoài loại bỏ Zelensky và chân tay của ông ta”, ông Medvedev viết.
Thanh Tâm (Theo Newsweek, Atlantic)