“Ukraine tống tiền hai quốc gia đang đấu tranh cho hòa bình và lệnh ngừng bắn. Nếu tình hình này không được xử lý, sẽ xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu và chúng tôi buộc tìm ra giải pháp trước tháng 9”, ông Gergely Gulyas, chánh văn phòng Thủ tướng Hungary Viktor Orban, ra tuyên bố ngày 26/7.
Ukraine tuần trước tuyên bố áp lệnh trừng phạt với tập đoàn năng lượng Nga Lukoil, không cho vận chuyển dầu từ tập đoàn này qua lãnh thổ. Sau quyết định của Kiev, Lukoil phải tạm ngừng vận chuyển dầu thô tới Hungary và Slovakia qua đường ống trên lãnh thổ Ukraine.
Ông Gulyas cáo buộc động thái của Ukraine đe dọa nghiêm trọng an ninh năng lượng của Hungary và Slovakia. Hồi đầu tuần, hai quốc gia này đã yêu cầu Ủy ban châu Âu làm trung gian tiến hành thủ tục tham vấn với Ukraine về vấn đề trên.
Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary cho rằng Ukraine cần thừa nhận họ không thể hành động như vậy với hai quốc gia liên minh châu Âu (EU). Ông cũng yêu cầu Ủy ban châu Âu giúp đỡ, đồng thời đang tìm cách lách lệnh trừng phạt của Ukraine, cho phép nguồn dầu Nga vẫn được vận chuyển tới nước này.
Quan chức Hungary cũng đảm bảo rằng người dân không cần lo lắng vì trữ lượng dầu của nước này rất dồi dào. Hungary nhận hai triệu tấn dầu từ tập đoàn Nga mỗi năm, chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng dầu nhập khẩu.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico, người có lập trường thân Nga, trước đó cũng tuyên bố đất nước của ông sẽ không trở thành “con tin” trong quan hệ Moskva – Kiev.
“Việc đưa tập đoàn Lukoil vào danh sách trừng phạt chỉ là ví dụ khác về lệnh trừng phạt vô nghĩa, không tổn hại tới Nga mà chủ yếu ảnh hưởng tới các nước EU. Đó là điều không thể chấp nhận”, văn phòng Thủ tướng Fico ra tuyên bố.
Ông Mykhailo Podolyak, trợ lý của Tổng thống Ukraine, ngày 26/7 tuyên bố việc Kiev ngắt nguồn dầu từ tập đoàn Nga Lukoil sang Hungary và Slovakia là phù hợp với lệnh trừng phạt và không phải hành vi “tống tiền”.
EU áp trừng phạt với nguồn dầu từ Nga vào năm 2022, sau khi nổ ra chiến sự ở Ukraine. Tuy nhiên, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech được miễn trừ do phụ thuộc lớn vào nguồn dầu từ Nga. Các nhà máy lọc dầu của Czech không lấy nguồn dầu từ tập đoàn Lukoil nên không bị ảnh hưởng trực tiếp từ động thái của Ukraine.
Ngọc Ánh (Theo Reuters/AFP)