Những cơn mưa xối xả sau nhiều tháng khô hạn đã gây ngập lụt diện rộng ở vùng Emilia Romagna và Le Marche, đông bắc Italy, khiến ít nhất 14 người chết và 20.000 người mất nhà cửa tính đến 19/5.
Pierluigi Randi, chủ tịch Ampro, hiệp hội chuyên gia thời tiết, cho hay đây là trận lũ ảnh hưởng Italy nghiêm trọng nhất trong 100 năm, với lượng mưa trút xuống trong 48 giờ tương đương với tổng lượng mưa của 6 tháng, nhấn chìm hàng chục thành phố và thị trấn, gây ra hàng nghìn vụ lở đất.
Trận lũ đặt ra hàng loạt câu hỏi về năng lực ứng phó thiên tai của Italy, khi nước này đã phân bổ hàng tỷ USD ngân sách cho xây dựng các công trình chống lũ nhưng chưa bao giờ được sử dụng.
Italy là nơi thường xuyên hứng chịu thiên tai lũ lụt. Theo báo cáo năm 2021 của ISPRA, viện nghiên cứu và bảo vệ môi trường Italy, 2/3 số vụ sạt lở đất ở châu Âu xảy ra tại đây. 94% đô thị ở nước này có nguy cơ bị sạt lở đất, ngập lụt hoặc biển xâm lấn, với hơn 8 triệu người bị ảnh hưởng.
Trong 20 năm qua, Italy đã phê duyệt ngân sách 10,5 tỷ euro (11,36 tỷ USD) thực hiện 11.204 dự án về địa chất thủy văn, nhưng chỉ có 4.800 dự án trị giá 3,6 tỷ euro (3,9 tỷ USD) được hoàn thành, theo ISPRA.
Vấn đề giải ngân ngân sách đầu tư không đúng thời hạn của Italy không mới. Đây là quốc gia xếp thứ hai từ dưới lên trong Liên minh châu Âu (EU) về sử dụng ngân sách, khi chỉ chi 62% số vốn được EU phân bổ từ 2014 tới 2020 tính đến hết năm 2022, theo dữ liệu của Ủy ban châu Âu.
Năm 2014, chính quyền thủ tướng Matteo Renzi đã phân bổ 8,4 tỷ euro cho các dự án giảm rủi ro địa chất thủy văn, nhưng chỉ một khoản nhỏ được giải ngân trước khi Renzi hết nhiệm kỳ. Chính quyền tiếp theo của thủ tướng Giuseppe Conte năm 2018 đã đóng băng dự án. Phần lớn số tiền chưa sử dụng đã được chuyển lại vào chương trình Phục hồi Kinh tế hậu Covid-19 do Ủy ban châu Âu tài trợ.
Cựu thủ tướng Renzi đổ lỗi cho các chính phủ kế nhiệm đã không quyết liệt thực hiện các dự án giảm nhẹ thiên tai. “Italy lẽ ra nên đầu tư vào các vùng lũ và đập nước, hơn là xây sân bóng đá. Đất nước này luôn vứt đi cơ hội. Tiền đã có nhưng chúng ta lại không dùng đến”, ông Renzi ngày 17/5 lưu ý, nhấn mạnh các công trình chống lũ phải được ưu tiên hàng đầu.
Trong khi đó, Cơ quan Kiểm toán Italy lại cho rằng chính quyền các địa phương thiếu năng lực quản lý dự án và nhân lực có trình độ, khiến nhiều công trình chống lũ chậm tiến độ.
Việc Italy không có khả năng giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả có thể khiến chương trình Phục hồi Kinh tế bị chậm trễ. Chương trình này đã phân bổ 2,5 tỷ euro cho các dự án địa chất thủy văn.
Một quan chức thực thi kế hoạch cho hay chính quyền các địa phương gặp nhiều khó khăn trong sử dụng phần mềm kế toán và quản lý dự án để giải quyết công việc phát sinh, gây trở ngại cho kế hoạch. Ông cho hay Ủy ban châu Âu cũng yêu cầu Italy thường xuyên cập nhật tiến độ thực hiện dự án, khiến khối lượng công việc tăng lên và tiến độ càng chậm lại.
Antonello Fiore, chủ tịch SIGEA, hiệp hội địa chất môi trường Italy, cho hay mỗi dự án mất trung bình 5 năm để hoàn thành.
“Thời gian quá dài, thường là do chất lượng dự án không đáp ứng được quy định và yêu cầu. Sau nhiều năm thiếu đầu tư, các địa phương thiếu nhân lực có trình độ kỹ thuật, thiếu kỹ sư, nhà nông học, nhà địa chất học để thực hiện dự án trong thời gian ngắn. Bộ máy hành chính Italy đã bị tụt hậu”, ông nói.
Hồng Hạnh (Theo Politico)