Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Liên đoàn Arab tái kết nạp Syria, Mỹ phản đối

Liên đoàn Arab hôm 7/5 bỏ phiếu hoan nghênh Syria trở lại, động thái được cho là chiến thắng dành cho Tổng thống Bashar al-Assad sau cuộc nội chiến khiến nửa triệu người thiệt mạng kể từ năm 2011. Quyết định này đồng nghĩa Syria có thể tiếp tục tham gia các cuộc họp của Liên đoàn Arab ngay lập tức.

Quyết định hôm 7/5 cũng nêu rõ Jordan, Arab Saudi, Iraq, Lebanon, Ai Cập và tổng thư ký Liên đoàn Arab sẽ thành lập nhóm liên lạc cấp bộ trưởng để trao đổi với chính phủ Syria để tìm kiếm giải pháp “từng bước” cho cuộc khủng hoảng và thúc đẩy nỗ lực cung cấp viện trợ cho Syria.

Liên đoàn Arab được thành lập năm 1945, là tổ chức của các quốc gia Arab tại Tây Nam Á, Bắc và Đông Bắc Phi, gồm 22 thành viên. Tư cách thành viên của Syria bị đình chỉ năm 2011 sau các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Assad dẫn đến nội chiến kéo dài nhiều năm. Nhiều quốc gia Arab khi đó đã rút phái viên khỏi Damascus.

Động thái tái kết nạp Syria của Liên đoàn Arab lập tức vấp phải sự phản đối của Mỹ. “Chúng tôi không tin rằng Syria xứng đáng được tái kết nạp vào Liên đoàn Arab tại thời điểm này. Chúng tôi sẽ không bình thường hóa quan hệ với chính quyền Assad và cũng không ủng hộ các đồng minh, đối tác của mình làm như vậy”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel tuyên bố hôm 8/5.

Các nghị sĩ chủ chốt trong quốc hội Mỹ bày tỏ giọng điệu gay gắt hơn và kêu gọi Nhà Trắng sử dụng biện pháp trừng phạt để ngăn các nước Arab bình thường hóa quan hệ với Syria.

“Tái kết nạp Assad vào Liên đoàn Arab là sai lầm chiến lược nghiêm trọng và sẽ gây bất ổn ở Trung Đông”, tuyên bố chung của nghị sĩ Cộng hòa Mike McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, và Gregory Meeks, nghị sĩ Dân chủ hàng đầu trong ủy ban, cho hay.





Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel trong cuộc họp báo ngày 27/3. Ảnh: AFP

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel trong cuộc họp báo ngày 27/3. Ảnh: AFP

Phát ngôn viên Patel trong khi đó cho rằng Mỹ có chung mục tiêu với nhiều đối tác Arab về vấn đề Syria. “Những mục tiêu đó bao gồm đạt giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria theo Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, Patel nói, đề cập thỏa thuận quốc tế năm 2015 đặt ra lộ trình cho quá trình chuyển đổi chính trị ở Syria.

Ông cũng nói rằng Mỹ sẽ làm việc với các đối tác Arab để tăng viện trợ nhân đạo cho người Syria và ủng hộ sự ổn định để ngăn nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy.

Các quốc gia Arab đang thảo luận về việc có nên mời ông Assad dự hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arab ngày 19/5 tại Riyadh, Arab Saudi hay không. Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit cho biết Tổng thống Assad có thể tham dự hội nghị “nếu ông ấy muốn”.

Arab Saudi, quốc gia chủ chốt trong Liên đoàn Arab, từ lâu phản đối khôi phục quan hệ với chính quyền Assad, nhưng gần đây cho rằng cần có cách tiếp cận mới với Damascus sau khi Riyadh nối lại quan hệ với Tehran, đồng minh khu vực quan trọng của Syria.

Huyền Lê (Theo AFP, Guardian)

Leave a Comment

0.0/5