Ngày 15/4, khi giao tranh nổ ra giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), trạm cung cấp nước ở một số quận phía bắc thủ đô Khartoum bị hư hại. Kể từ đó, khoảng 300.000 người không được tiếp cận nước qua đường ống. Một số người phải dùng nước giếng hoặc xách nước từ sông Nile.
Giao tranh đã kéo dài đến tuần thứ 6 giữa thời tiết thường xuyên lên tới 40 độ C, nhiều người dân ở vùng ngoại ô phía bắc Khartoum đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
“Khi giao tranh mới nổ ra, chúng tôi lấy nước giếng từ các nhà máy trong khu công nghiệp nhưng sau một tuần, RSF đã chiếm giữ các khu vực này”, Adel Mohammed, cư dân trong vùng, nói.
Bởi đụng độ bao trùm khu vực, giao tranh diễn ra trong các tòa nhà dân cư và bệnh viện, Mohammed phải đợi nhiều ngày mới có thể mạo hiểm ra ngoài lấy nước. Anh và hàng xóm chờ đụng độ lắng xuống trong thời gian ngắn ngủi để mang xoong nồi, xô chậu, bình đựng tới bờ sông Nile. Họ chất đầy nước lên xe tải, quay lại phân phối cho mỗi gia đình trong phố vài lít.
Tuy nhiên, nhiều người đã rời đi. “Thiếu nước chứ không phải bom đạn và giao tranh là nguyên nhân buộc tôi phải rời đi”, Rashed Hussein, người cùng gia đình chạy tới Madani, cách Khartoum khoảng 200 km về phía nam, nói.
Hussein là một trong số hơn một triệu người Sudan phải di dời trong cuộc xung đột. Anh cho hay không thể chịu nổi cảnh con cái không có nước sạch để ăn uống, tắm rửa.
Ngay cả trước nội chiến, 17,3 triệu người Sudan cũng không được tiếp cận với nước uống an toàn, theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF). Các bệnh lây nhiễm qua đường nước và vệ sinh kém là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Salah Mohammed, cư dân Bắc Khartoum, vẫn ở lại bất chấp giao tranh. Anh tìm được nguồn nước là giếng trong bệnh viện gần đó, nơi xử lý nước cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Nhưng sau một tuần, RSF chiếm được bệnh viện và anh không thể vào đây lấy nước nữa.
Rashida al-Tijani sống gần một bệnh viện khác, nơi có thể tìm được nước. Cô đợi tới khi tiếng súng ngừng lại để đến bệnh viện càng nhanh càng tốt, mang về nhiều nước nhất có thể cho gia đình. “Tôi không thể giặt bất kỳ món đồ nào từ khi giao tranh nổ ra”, cô nói.
Cuộc sống thường nhật và nền kinh tế đình trệ do xung đột, ảnh hưởng tới cơ sở hạ tầng và dịch vụ công vốn đã yếu kém của Sudan. Công chức nghỉ làm vô thời hạn. Các tay súng RSF chiếm bệnh viện, nhà máy, tòa nhà công cộng.
Người dân đã thành lập mạng lưới giữa các khu phố gọi là Ủy ban Kháng cự để mở bệnh viện dã chiến, trạm phân phối thực phẩm và nước uống. “Từ khi cuộc chiến nổ ra, chúng tôi bắt đầu cung cấp nước cho người dân”, một thành viên cho hay.
“Trong một lần đi tìm nước, người bạn Yassine của chúng tôi đã trúng đạn tử vong”, anh nói. “Chúng tôi buộc phải chôn cất anh ấy mà không thể tắm rửa vì không có nước”.
Hồng Hạnh (Theo AFP)