Trong thông báo được đưa ra ngày 16/8, chính phủ Litva quyết định đóng hai cửa khẩu Sumsko và Tvereciau ở biên giới với Belarus từ ngày 18/8. Chính phủ Litva không giải thích bối cảnh cũng như các mối đe dọa trong lý do dẫn đến việc đóng hai cửa khẩu này, vốn không phải là tuyến đường các xe tải chở hàng đi qua.
Vài tuần trước, giới chức Litva đã cảnh báo công dân không đến Belarus, bằng cách cắm biển ở biên giới cảnh báo “Đừng mạo hiểm sự an toàn của bạn, đừng đến Belarus. Bạn có thể không quay lại được”.
Lực lượng Biên phòng Belarus nói rằng Litva đang sử dụng lý do “các mối đe dọa an ninh, trong đó có sự hiện diện của Wagner ở Belarus” để hạn chế giao thương và đi lại qua biên giới.
“Với quyết định này, phía Litva đang cố tình thiết lập các rào cản ở biên giới để phục vụ tham vọng chính trị của họ”, lực lượng biên phòng Belarus cho hay.
Belarus tiếp nhận các tay súng của công ty quân sự tư nhân Wagner sau cuộc nổi loạn của lực lượng này ở Nga cuối tháng 6. Bộ Quốc phòng Belarus và Wagner đã lên kế hoạch hợp tác trong tương lai gần. Tổng thống Belarus cũng đã đề nghị Wagner hỗ trợ bảo vệ nước này “ngay khi có yêu cầu”.
Tổng thống Litva Gitanas Nausea cho rằng hơn 4.000 thành viên Wagner có thể đang ở Belarus. Đây được cho là những tay súng có nhiều kinh nghiệm thực chiến, từng đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tấn công thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine.
Thứ trưởng Nội vụ Litva Arnoldas Abramavicius hồi đầu tháng 8 cho hay Litva cần “sẵn sàng đóng cửa hoàn toàn biên giới bất cứ lúc nào” với Belarus.
Nước láng giềng với Litva là Ba Lan chỉ còn mở một cửa khẩu với Belarus trong năm nay. Latvia, quốc gia thứ ba của Liên minh châu Âu (EU) có chung biên giới với Belarus, hiện duy trì hai cửa khẩu ở khu vực này.
Bộ trưởng Quốc phòng Latvia hôm 15/8 lệnh cho quân đội hỗ trợ bảo vệ biên giới, sau khi hơn 100 người nhập cư bất hợp pháp tìm cách vượt biên từ Belarus trong 24 giờ. Ba Lan cũng công bố kế hoạch triển khai thêm 10.000 quân tới biên giới Belarus để hỗ trợ lực lượng bảo vệ biên giới.
Ba Lan và Litva đều đã thiết lập thêm hàng rào ở biên giới với Belarus do lo ngại xảy ra khủng hoảng di cư như năm 2021. Khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Belarus tạo điều kiện cho hàng chục nghìn người từ Trung Đông, châu Á và châu Phi vượt biên vào Ba Lan để vào khối, nhằm trả đũa lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Minsk.
Latvia, Ba Lan và Litva cuối cùng phải ban hành chính sách ngăn chặn dòng người di cư có hiệu lực tới hiện nay. Người di cư từ Belarus tiếp tục xuất hiện ở biên giới ba nước, nhưng với số lượng thấp hơn đáng kể.
Belarus bác bỏ cáo buộc của EU, đồng thời tố ngược Ba Lan chứa chấp “những phần tử Belarus lưu vong được huấn luyện cho một cuộc nổi dậy tại quê nhà”.
Huyền Lê (Theo Reuters)