Trong giai đoạn đầu chiến sự, nhiều binh sĩ Ukraine và các tình nguyện viên nước ngoài được cấp các loại súng trường chuẩn NATO sử dụng đạn 5,56×45 mm do Mỹ và châu Âu viện trợ. Các lữ đoàn Ukraine được huấn luyện ở nước ngoài cũng trang bị hoàn toàn súng đạn phương Tây.
Tuy nhiên, khi cuộc chiến bước sang năm thứ ba, ngày càng nhiều binh sĩ Ukraine chuyển sang dùng AK, loại vũ khí mà họ đã rất quen thuộc trước đây và rất dễ tìm thấy đạn trên chiến trường, bởi chúng cũng được lực lượng Nga sử dụng.
Jonathan Poquette, công dân Mỹ hiện đang là lính bắn tỉa thuộc Lữ đoàn Cơ giới số 59 của Ukraine, cho biết đơn vị của anh ưa chuộng AK-74 hơn các mẫu súng tương đương của phương Tây, khi nguồn cung đạn chuẩn NATO ngày càng khan hiếm.
Súng AK-74 dùng đạn 5,45×39 mm, cùng cỡ với nhiều loại vũ khí cá nhân của Nga cũng như những loại mà Ukraine được thừa kế từ Liên Xô. “Lý do đơn vị chúng tôi đặc biệt thích súng dòng AK-74 bởi cả Ukraine lẫn Nga đều sử dụng rất rộng rãi loại vũ khí này”, Poquette nói.
Poquette cho biết các đơn vị Ukraine trên tiền tuyến thường có đạn 5,45×39 mm vì nhiều binh sĩ dùng súng dòng AK-74. Nguồn chiến lợi phẩm khi tiến công vị trí Nga cũng giúp họ luôn có dồi dào loại đạn này.
Chương trình phát triển AK-74 diễn ra từ những năm 1970, dưới sự giám sát của tổng công trình sư Liên Xô Mikhail Kalashnikov, nhằm chế tạo mẫu súng bắn đạn cỡ nhỏ, ít giật và chính xác hơn khi khai hỏa liên tục so với AK-47 và AKM, vốn dùng đạn 7,62×39 mm.
Quân đội Liên Xô biên chế súng AK-74 từ năm 1974, biến thể hiện đại hóa AK-74M được sử dụng từ năm 1991 và vẫn là súng tiêu chuẩn của quân đội Nga. Hơn 5 triệu khẩu AK-74 các biến thể đã được chế tạo.
Một mẫu súng dòng AK khác được nhiều binh sĩ và chỉ huy Ukraine săn tìm là AK-12, loại súng Nga phát triển từ đầu những năm 2010 và trang bị cho số ít đơn vị đặc nhiệm hoặc xung kích. Đối với binh sĩ Ukraine, AK-12 là chiến lợi phẩm quý giá không phải chỉ vì ý nghĩa biểu tượng mà còn cả tính năng của súng.
AK-12 dùng đạn 5,45×39 mm được đánh giá là tiên tiến hơn súng dòng AK trong biên chế quân đội Ukraine và thể hiện rõ lợi thế chiến thuật trong tác chiến. Việc sử dụng vũ khí hiện đại thu từ đối phương có thể giúp một số binh sĩ Ukraine cân bằng lợi thế kỹ thuật với đối phương, do đó họ luôn tìm cách sở hữu AK-12.
Trong khi đó, các chỉ huy lẫn quan chức Ukraine coi việc thu được mẫu súng tiên tiến của Nga là biểu tượng của chiến thắng, do đó họ thường xuyên chọn AK-12 làm chiến lợi phẩm.
Andrey Marochko, cựu thành viên lực lượng Nga với nòng cốt là dân quân tỉnh Lugansk, hồi tháng 6/2023 nhận định các loại súng phương Tây quá phức tạp và dễ hỏng hóc, không chịu được thời tiết khắc nghiệt hay bụi bẩn trên chiến trường.
“Trong khi đó, vũ khí Nga vẫn hoạt động tốt ngay cả khi được bôi dầu mỡ lẫn tạp chất”, ông Marochko nói.
Theo ông Marochko, binh sĩ Ukraine thích trang thiết bị quân sự từ thời Liên Xô và của Nga, đặc biệt là vũ khí cá nhân, do chúng “đáng tin cậy hơn so với loại tương tự của phương Tây”. Ukraine đã bỏ tham vọng trang bị đại trà súng trường kiểu M16 cho binh sĩ, thay vào đó quay lại sử dụng súng AK.
Quân đội Ukraine tới nay không đưa ra tuyên bố rõ ràng về hiệu suất của súng AK và các loại vũ khí cá nhân tương tự của phương Tây như M16 hoặc M4, hai mẫu súng phổ biến của Mỹ.
Ukraine từ năm 2017 tìm cách chế tạo súng M4-WAC-47, biến thể súng carbine M4 thuộc họ AR-15, với nòng và một số bộ phận có thể thay thế. Theo kế hoạch, súng M4-WAC-47 ban đầu sẽ dùng đạn 7,62×39 mm tương tự AK-47 và AKM để tận dụng nốt hàng tồn trong kho, sau đó sẽ chuyển sang đạn 5,56×45 mm chuẩn NATO.
Giới công nghiệp quốc phòng Ukraine khi đó cho rằng súng AK đã lỗi thời và việc lực lượng vũ trang nước này dùng vũ khí sản xuất tại Nga “là điều nguy hiểm và không thể chấp nhận được”.
Ukraine đã thử một số nguyên mẫu M4-WAC-47 vào năm 2018, song loại súng này tới nay chưa được trang bị đại trà và nhiều binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến vẫn tiếp tục ưa chuộng AK.
Nguyễn Tiến (Theo BI, AFP, AP)