Quyết định cắt quan hệ ngoại giao “có hiệu lực ngay lập tức”, Abdoulaye Maiga, người phát ngôn chính quyền quân sự Mali, nói ngày 4/8.
Ông Maiga cho biết Mali bị sốc khi nghe những phát biểu của Andriy Yusov, người phát ngôn cơ quan tình báo quân sự Ukraine (GUR). Yusov đã “thừa nhận vai trò của Ukraine trong cuộc tấn công hèn nhát, xảo trá và man rợ của các nhóm khủng bố có vũ trang”, gây thương vong cho lính Mali và thành viên của tập đoàn quân sự tư nhân Nga Wagner, theo Maiga.
Ba ngày giao tranh dữ dội đã nổ ra tại khu trại quân sự ở Tinzaouatene, gần biên giới giữa Mali và Algeria, từ ngày 25/7. Lãnh đạo quân sự Mali nói rằng “phiến quân ly khai và jihad” đã thực hiện cuộc tấn công.
Quân đội Mali thừa nhận chịu thương vong lớn, song không nêu rõ số liệu. Phe ly khai do người dân tộc Tuareg lãnh đạo ngày 1/8 tuyên bố đã khiến 84 thành viên Wagner và 47 binh sĩ Mali thiệt mạng trong cuộc giao tranh này.
Ông Yusov đã phát biểu trên truyền hình rằng “cả thế giới đều biết phiến quân đã nhận được dữ liệu cần thiết, tạo điều kiện cho họ thực hiện chiến dịch chống lại người Nga”.
Tuyên bố của Maiga nhấn mạnh hành động của Ukraine “vi phạm trắng trợn chủ quyền của Mali, cấu thành sự can thiệp và hỗ trợ không thể chấp nhận từ nước ngoài cho chủ nghĩa khủng bố”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuần trước tái khẳng định ủng hộ của Moskva đối với Mali trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Abdoulaye Diop.
Mali là quốc gia Tây Phi giáp với Algeria, Niger, Bờ Biển Ngà, Guinea và Senegal, có diện tích hơn 1,2 triệu km2 và dân số gần 22,6 triệu người. Quốc gia này là nhà sản xuất vàng lớn thứ ba tại châu Phi.
Các lãnh đạo quân sự Mali đã cầm quyền sau cuộc đảo chính năm 2020. Ưu tiên của chính quyền quân sự Mali là giành lại toàn bộ lãnh thổ đất nước từ phe ly khai và lực lượng phiến quân có liên hệ với al-Qaeda, IS. Mali cắt quan hệ liên minh truyền thống với Pháp và tăng cường quan hệ với Nga.
Thùy Lâm (Theo AFP)