“Đó không chỉ là vấn đề về thông báo, mà còn là sự minh bạch”, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador tuyên bố ngày 26/7, đề cập đến thông tin giới chức Mỹ tiến hành chiến dịch bí mật để bắt trùm ma túy Ismael “El Mayo” Zambada.
FBI ngày 25/7 phối hợp với các cơ quan an ninh nội địa Mỹ bắt Zambada, 76 tuổi và Joaquin Guzman Lopez, hơn 30 tuổi, tại thành phố El Paso, bang Texas. Guzman Lopez là con trai của trùm ma túy Joaquin “El Chapo” Guzman Loera đang thụ án chung thân ở Mỹ.
Zambada cùng “El Chapo” là hai người sáng lập băng đảng ma túy Sinaloa khét tiếng ở miền bắc Mexico. Sau khi “El Chapo” bị bắt, Zambada được coi là thủ lĩnh của băng đảng. Ông trùm này là mục tiêu hàng đầu của cơ quan hành pháp Mỹ suốt nhiều thập kỷ, với khoản tiền thưởng lên tới 15 triệu USD cho người cung cấp manh mối bắt giữ.
Sau khi bị bắt, Guzman Lopez đã bị áp tải lên máy bay tới Chicago, còn Zambada vẫn bị giam ở El Paso. Chính phủ Mexico cho biết họ không được thông báo bất cứ tin tức gì về chiến dịch bí mật của giới chức Mỹ.
Có ý kiến cho rằng Zambada và Guzman Lopez đã tự dàn dựng vụ bắt, nhưng có ý kiến nhận định cả hai bị lừa bay tới Mỹ và bị bắt ở đó, thậm chí còn thông tin khác là Guzman Lopez đã đạt thỏa thuận với chính quyền Mỹ và phản bội Zambada.
Luật sư của Zambada sáng 26/7 cho biết thân chủ bị bắt “trái ý muốn” và phủ nhận mọi cáo buộc tại tòa án liên bang ở El Paso. Chiến dịch của FBI có thể khiến các thành viên Sinaloa trả thù lẫn nhau nếu xác nhận có người phản bội.
Tổ chức tội phạm này bao gồm các phe phái, mạng lưới và nhóm có thể hợp tác nhưng cũng có lúc xung đột với nhau. Từ khi bố bị bắt, các con trai của El Chapo đã tranh giành quyền lực với nhóm do Zambada lãnh đạo.
“Nếu câu chuyện phản bội có thật, máu sẽ đổ ở Sinaloa”, Falko Ernst, nhà phân tích người Mexico của tổ chức phi lợi nhuận Crisis, nói. “Các phe phái trong băng đảng vốn đã nảy sinh nhiều tranh chấp, nên xung đột có thể bùng lên”.
Ngay cả khi Guzman Lopez không phản bội ông trùm Zambada, vụ bắt hai trùm ma túy cũng có thể gây bất ổn với tình hình an ninh Mexico. Trước đây, khi thủ lĩnh bị bắt, các nhóm tội phạm có xu hướng chia rẽ và đấu đá nhau để tranh giành địa bàn.
Sinaloa và CJNG hiện là hai tổ chức tội phạm lớn nhất Mexico, nhưng còn có hàng trăm băng nhóm khác đang hoạt động ở nước này. Có thông tin cho rằng Zambada đã nghỉ hưu vì tuổi tác và sức khỏe kém, nhưng việc ông ta bị bắt có thể châm ngòi cho hàng loạt xung đột.
“Zambada là người đứng đầu tổ chức. Tôi nghĩ không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của ông ta”, Ernst nói. “Nhưng giống như bất kỳ CEO nào của các tập đoàn lớn, ông ta có cấp phó biết điều hành doanh nghiệp cũng như chỉ huy bộ máy”.
“Cấu trúc này sẽ không dễ dàng biến mất”, Ernst nói thêm. “Câu hỏi là cấu trúc ấy sẽ thay đổi thế nào nếu thiếu vai trò của Zambada”.
Các nhóm băng đảng đối thủ, đặc biệt là CJNG, đang đấu đá dữ dội với Sinaloa trên khắp Mexico và có thể coi vụ bắt hai trùm ma túy của Sinaloa là cơ hội tranh giành địa bàn trong khi tổ chức này suy yếu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vụ bắt giữ không ảnh hưởng tới hoạt động buôn bán fentanyl, loại ma túy tổng hợp khiến 70.000 người chết vì sốc thuốc mỗi năm ở Mỹ.
Hiện chưa rõ Mỹ và Mexico sẽ đưa ra quyết định nào hay Zambada và Guzman sẽ khai ra những gì với giới chức Mỹ.
“Zambada có thể khai báo mọi thứ về mối quan hệ giữa băng đảng và các quan chức chính phủ Mexico trong nhiều thập kỷ qua”, Ernst nói. “Nhưng tôi nghĩ rằng Mỹ sẽ không lợi dụng điều này để phá hỏng mối quan hệ với Mexico bởi hai nước đang đứng trước thời điểm nhạy cảm để đàm phán lại về quan hệ song phương như an ninh, thương mại, năng lượng, di cư và nhiều vấn đề nữa”.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)