Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nam Phi phủ nhận cáo buộc chuyển vũ khí cho Nga

Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ Kỹ thuật số Nam Phi Mondli Gungubele, người đứng đầu Ủy ban Kiểm soát Vũ khí thông thường Quốc gia, ngày 12/5 khẳng định nước này chưa từng cung cấp vũ khí cho Nga, nhấn mạnh hành động chuyển khí tài quân sự lên tàu hàng Nga cập cảng Nam Phi là “phi pháp và không phù hợp”.

Phát biểu được đưa ra một ngày sau khi Đại sứ Mỹ tại Nam Phi Reuben Brigety nói rằng vũ khí và đạn dược đã được chuyển lên một tàu hàng neo đậu ở căn cứ hải quân Simon’s Town của Nam Phi hồi tháng 12/2022. Con tàu mà Đại sứ Brigety đề cập nhiều khả năng là Lady R, tàu chở hàng treo cờ Nga đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây.





Tàu hàng Lady R neo đậu tại Nam Phi hồi tháng 12/2022. Ảnh: Reuters

Tàu hàng Lady R neo đậu tại Nam Phi hồi tháng 12/2022. Ảnh: Reuters

Văn phòng Tổng thống Nam Phi hôm 11/5 cũng tuyên bố không có bằng chứng nào cho thấy điều này diễn ra, nhưng thông báo đã mở cuộc điều tra độc lập do một cựu thẩm phán dẫn đầu để xem xét cáo buộc.

“Chúng tôi thất vọng vì Đại sứ Brigety đã thể hiện thái độ không mang tính xây dựng. Những phát biểu của ông ấy đã phá hoại tinh thần hợp tác song phương”, phát ngôn viên chính phủ Nam Phi Vincent Magwenya cho hay.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đưa ra tuyên bố mềm mỏng hơn Đại sứ Brigety. “Chúng tôi vẫn duy trì cam kết trong những vấn đề nghị sự với đối tác Nam Phi”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói.

Nam Phi đã từ chối lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Quốc gia này nói rằng họ muốn giữ thái độ trung lập và ủng hộ đối thoại như kênh giúp chấm dứt xung đột.

Đầu năm nay, Nam Phi tổ chức cuộc tập trận quân sự chung gây tranh cãi với Nga và Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng đây là bằng chứng cho thấy họ đang nghiêng về Điện Kremlin.

Tổng thống Cyril Ramaphosa cuối tháng trước cho biết đảng cầm quyền Nam Phi cho rằng nước này nên rút khỏi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC). Động thái diễn ra không lâu sau khi ICC ngày 17/3 phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova, với cáo buộc “di chuyển bất hợp pháp” trẻ em Ukraine sang Nga.

Tuy nhiên, văn phòng Tổng thống Cyril Ramaphosa sau đó đính chính nước này không có kế hoạch rút khỏi ICC, nói rằng tuyên bố trước đó là “lỗi truyền đạt thông tin từ phía đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền”.

Vũ Anh (Theo Reuters)

Leave a Comment

0.0/5