“Cháu thấy rất xấu hổ khi phải cởi toàn bộ áo”, một nữ sinh cấp 2 nhớ lại cuộc kiểm tra sức khỏe hàng năm.
“Trước khi kiểm tra, giáo viên yêu cầu chúng cháu phải cởi cả áo ngoài lẫn áo lót. Cháu không muốn làm vậy nhưng vẫn phải nghe lời”, một em khác nói.
Chia sẻ của hai nữ sinh 13 tuổi phản ánh vấn đề gây tranh cãi trong quá trình khám sức khỏe tại nhiều trường học ở Nhật Bản. Không có quy định thống nhất về điều này nhưng một số trường yêu cầu học sinh nam và nữ phải cởi đồ trên thắt lưng.
Khảo sát gần đây cho thấy 95,5% học sinh 12-16 tuổi nói không thoải mái khi cởi trần khám sức khỏe. Nhiều phụ huynh trên toàn quốc cũng phàn nàn về vấn đề này. Họ cùng các nhà vận động đã kêu gọi giới chức giáo dục, y tế chấm dứt yêu cầu này trước năm học mới.
“Những thiếu nữ tầm tuổi con gái tôi thậm chí còn ngại nói về cơ thể mình với chính cha mẹ”, Chiyoko Suda, phụ huynh của một nữ sinh 13 tuổi nói. “Vì vậy, bạn có thể tưởng tượng được việc các em phải cởi áo trước mặt người lạ khủng khiếp như thế nào”.
“Các cuộc khám sức khỏe này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em. Một số có thể bị sang chấn tâm lý, ám ảnh cho đến khi trưởng thành”, Akiyo Tanaka, thành viên hội đồng thành phố ở Matsuyama, nói.
Khi vấn đề này trở thành điểm nóng trên truyền thông và trong giới chính trị, các nhà vận động cho biết họ vấp phải sự phản đối từ Hiệp hội Y khoa Nhật Bản và nhiều quan chức giáo dục, cho rằng sẽ không thể “khám đúng cách” nếu học sinh mặc áo, khó kiểm tra dấu hiệu bệnh viêm da, bệnh tim và một số chứng bệnh khác.
Hiệp hội Y khoa Nhật Bản chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Khi được hỏi liệu có cơ sở y khoa nào để chứng minh không thể “khám đúng cách” không, Kentaro Iwata, giáo sư bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Đại học Kobe, nói: “Cởi trần có thể cải thiện đôi chút chất lượng âm thanh nhịp tim, nhưng tôi không nghĩ điều này góp phần cải thiện sức khỏe của trẻ”.
Các khảo sát cũng cho thấy hầu hết giáo viên muốn chấm dứt yêu cầu học sinh cởi trần khi khám sức khỏe.
Hồi đầu năm, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã yêu cầu các hội đồng giáo dục “thiết lập môi trường khám sức khỏe có cân nhắc đến quyền riêng tư và cảm xúc của học sinh” bằng cách cho phép các em mặc đồ tập thể dục hoặc che phần thân trên bằng khăn “ở mức độ không ảnh hưởng đến độ chính xác của cuộc kiểm tra”.
Bộ Giáo dục cũng kêu gọi tổ chức khám riêng cho nam và nữ, sử dụng vách ngăn hoặc rèm, giáo viên và nhân viên cùng giới với trẻ em phải có mặt. Phụ huynh và người giám hộ phải được thông báo trước rằng trong một số trường hợp bác sĩ có thể yêu cầu trẻ em vén áo lên để đảm bảo chẩn đoán chính xác.
Dưới áp lực của các phụ huynh, giới chức thành phố Kyoto đã thông báo đến các trường học, cho biết trẻ em “trên nguyên tắc” được phép mặc đồ lót hoặc đồ thể dục khi khám sức khỏe.
“Sẽ tốt hơn nếu Bộ Giáo dục Nhật Bản đưa ra các hướng dẫn cụ thể hơn, để các địa phương và trường học có thể áp dụng”, giáo sư Satoshi Kodama, chuyên gia đạo đức y khoa tại Đại học Kyoto, nói.
Đức Trung (Theo Guardian, Mainichi, Japan Times)