Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm nay thông báo Bộ trưởng Yasukazu Hamada đã ra lệnh sẵn sàng đánh chặn bất cứ tên lửa nào Triều Tiên phóng lên, nếu nó được xác nhận sẽ rơi xuống lãnh thổ nước này. Công tác chuẩn bị gồm triển khai tên lửa phòng không Patriot PAC-3 và các tàu khu trục Aegis trang bị tên lửa đánh chặn SM-3.
Tuyên bố được đưa ra sau khi một quan chức cảnh sát biển Nhật Bản cho biết Triều Tiên đã thông báo cho nước này về kế hoạch phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy từ ngày 31/5 đến 11/6.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng mọi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, kể cả phóng vệ tinh, đều vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là mối đe dọa nghiêm trọng với an toàn của người dân Nhật Bản.
Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an cấm Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cho rằng lệnh cấm này không áp dụng với chương trình không gian vũ trụ phục vụ mục đích dân sự.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đều cho rằng các vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên đều chỉ là “vỏ bọc” để thử nghiệm tên lửa, do chúng áp dụng công nghệ giống nhau.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno khẳng định “những vụ thử tên lửa mang vỏ bọc phóng vệ tinh” đều là mối đe dọa tới an ninh Nhật Bản, nhấn mạnh Tokyo sẽ theo dõi sát tình hình và phản ứng nếu cần thiết.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hồi giữa tháng thông báo Bình Nhưỡng đã chế tạo xong vệ tinh do thám đầu tiên. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau đó cùng con gái thị sát một căn cứ vệ tinh do thám, nhấn mạnh phóng thành công vệ tinh là “yêu cầu cấp bách”, giúp “tăng cường khả năng phòng thủ” của đất nước.
Các nhà phân tích cho rằng vệ tinh quân sự là một phần trong nỗ lực của Triều Tiên nhằm nâng cao công nghệ giám sát, theo dõi để cải thiện khả năng tấn công mục tiêu trong trường hợp xảy ra xung đột.
Bình Nhưỡng đã thử nghiệm các hệ thống vệ tinh trong một số vụ phóng tên lửa. Lãnh đạo Kim Jong-un từng tuyên bố Triều Tiên đang theo đuổi mục tiêu phát triển vệ tinh do thám nhằm cung cấp thông tin theo thời gian thực về những hành động quân sự của Mỹ và các đồng minh.
Hội đồng Bảo an đã áp nhiều lệnh trừng phạt để đáp trả những lần thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng trước đây. Lần gần nhất Triều Tiên phóng vệ tinh là vào tháng 2/2016, song Nhật Bản cho rằng đây thực chất là vụ thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Vũ Anh (Theo Reuters)