Địa ngục là từ đúng nhất để mô tả về cuộc sống bên trong chiến hào của các binh sĩ thời kỳ Thế chiến I. Không chỉ đối mặt với súng đạn, khí độc của kẻ thù, binh sĩ còn thường xuyên chịu tổn thất vì bệnh tật. Môi trường ẩm ướt, tối tăm, bẩn thỉu trong chiến hào là điều kiện lý tưởng để loài chuột sinh sôi và lan truyền dịch bệnh.
Binh sĩ rất khó đặt bẫy chuột tại môi trường khắc nghiệt như vậy, nên giải pháp khả thi duy nhất đó đối phó vấn nạn này là nuôi mèo. Ngoài ra, những con vật đáng yêu này còn là liều thuốc hỗ trợ quý giá về tinh thần cho các binh sĩ trên chiến trường ảm đạm và khốc liệt.
Ước tính có khoảng 500.000 “chiến sĩ mèo” đã đồng hành cùng các quân nhân trên khắp hệ thống chiến hào dày đặc ở mặt trận phía Tây trong Thế chiến I.
“Chuột là vấn đề nghiêm trọng đối với các chiến hào ở mặt trận phía Tây”, bình luận viên Ben Mercer của Ancestry.com cho biết. “Bất cứ chỗ nào có thức ăn hay thi thể đang phân hủy, ở đó có chuột. Nhiệm vụ của lũ mèo là xua đuổi chúng”.
Những người lính thường chia sẻ khẩu phần lương thực của mình cho lũ mèo để chúng ở lại chiến hào. Lũ mèo thường quanh quẩn ở khu sinh hoạt của các binh sĩ, giúp họ có thể chơi đùa vào những lúc không phải cầm súng.
Nhiều binh sĩ thực sự yêu thích mèo và đã biến chúng trở thành một phần của đơn vị với tư cách linh vật, như chú mèo con có tên Spark Plug của Quân đoàn Không quân Lục quân Anh.
Mèo là loài vật rất nhạy với loại khí độc, loại khí gần như không màu, không mùi, thường được sử dụng để chống lại quân Đồng minh trong Thế chiến I. Khi chiến hào bị tấn công bằng khí độc, lũ mèo sẽ bị ảnh hưởng sớm hơn con người. Phản ứng của chúng giống như còi báo động với các binh sĩ, giúp họ kịp đeo mặt nạ phòng độc hoặc chạy đến nơi an toàn. Quân đội Anh thậm chí đã “tuyển mộ” 500 con mèo để làm nhiệm vụ cảnh báo như vậy.
Không rõ bao nhiêu con mèo đã chết bởi vũ khí hóa học trong Thế chiến I, song sự hy sinh của chúng đã cứu mạng rất nhiều binh sĩ.
Loài mèo thường được phép di chuyển tự do ở “vùng đất chết” nằm giữa hai chiến hào đối địch. Trong cuộc đình chiến nổi tiếng vào dịp Giáng sinh hồi năm 1914, nhiều binh sĩ đã buộc thư mang thông điệp hòa bình và hữu nghị lên cổ những con mèo và nhờ chúng mang sang cho các quân nhân ở bên kia chiến tuyến. Đổi lại, lũ mèo thường được họ thưởng bằng đồ ăn vặt.
Dù vậy, không phải ai cũng chấp nhận loại hình truyền tin này. Một con mèo tên Felix đã bị các sĩ quan Pháp bắt khi đang làm nhiệm vụ chuyển thư. Nó bị buộc tội phản quốc và bị xử bắn.
Loài mèo nổi tiếng trung thành với những đơn vị mà nó phục vụ. Trung úy Lekeux, sĩ quan kiêm lính trinh sát thuộc Trung đoàn Pháo binh số 3 của Bỉ, tình cờ phát hiện một đàn mèo con mất mẹ. Lekeux cố gắng chăm sóc cho lũ mèo khỏe lại, song chỉ duy nhất một con sống sót và được anh đặt tên là Pitoutchi.
Con mèo luôn đi theo Lekeux và sẽ nhảy lên vai anh bất cứ khi nào chiến hào trở nên quá ẩm ướt. Một đêm nọ, khi đang làm nhiệm vụ trinh sát vị trí của quân Đức, Lekeux suýt nữa bị kẻ địch phát hiện.
Do nghe thấy tiếng động lạ, một nhóm binh sĩ Đức đã đã tới kiểm tra bên ngoài cứ điểm, gần hố đạn pháo mà Lekeux đang ẩn nấp, khiến anh rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nạn. Nếu vùng chạy, anh sẽ bị bắn ngay lập tức. Còn nếu ở yên trong hố đạn, Lekeux sớm muộn cũng bị kẻ địch phát hiện và dùng lưỡi lê đâm anh.
Vào thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc”, Pitoutchi đột nhiên nhảy khỏi vai Lekeux và chạy ra khỏi hố đạn pháo. Nhóm lính Đức phát hiện con mèo và xả đạn, song không bắn trúng. Cho rằng tiếng động trước đó là do con mèo gây ra, họ đã bỏ đi, không tiếp tục tìm kiếm bên trong hố. Điều này đã giúp Lekeux có thể trốn thoát với bản đồ vị trí địch và chú mèo Pitoutchi trên tay.
Ngoài các chiến hào, loài mèo còn được đưa lên tàu chiến để làm nhiệm vụ săn chuột trong Thế chiến I.
“Nếu không có mèo, thủy thủ đoàn sẽ phải chứng kiến lũ chuột tràn ngập trên tàu, ăn hết lương thực dự trữ, cắn đứt dây thừng và lan truyền dịch bệnh”, Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ cho biết. “Những thủy thủ mê tín còn cho rằng loài mèo có thể mang lại may mắn”.
Phạm Giang (Theo WATM)