Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Những thai phụ tìm ‘cha hờ’ cho con để nhập tịch Anh

Phóng sự điều tra được BBC đăng ngày 16/5 cho thấy nhiều kẻ môi giới sử dụng Facebook để tìm kiếm những người đàn ông Anh sẵn sàng điền tên mình vào giấy khai sinh cho con cái của phụ nữ nhập cư tại nước này, giúp đứa trẻ có quốc tịch Anh và người mẹ có lộ trình nhập tịch rõ ràng.

Hoạt động tìm “cha hờ” này xảy ra ở nhiều cộng đồng nhập cư trên toàn nước Anh và được quảng cáo rộng rãi trên một số hội nhóm Facebook dành cho những người Việt Nam đang tìm việc ở Anh.

Theo quy định của luật pháp Anh, con của những phụ nữ nhập cư bất hợp pháp sẽ được mặc định là người Anh nếu có cha là công dân nước này hoặc là nam giới được phép lưu trú vô thời hạn. Người mẹ sau đó có thể nộp đơn xin visa diện gia đình, cho phép ở lại Anh và nộp đơn xin nhập tịch.





Người Anh chờ xe bus ở London, ngày 6/6/2022. Ảnh: AFP

Người Anh chờ xe bus ở London, ngày 6/6/2022. Ảnh: AFP

Điều tra viên của BBC đã đóng giả là một phụ nữ mang thai đang lưu trú bất hợp pháp tại Anh và liên lạc với những kẻ môi giới về dịch vụ này.

Một người môi giới tự xưng là Thai đã tiếp xúc, cho hay có thể kết nối với nhiều đàn ông Anh sẵn sàng đóng vai “cha hờ” và tư vấn giá trọn gói là 11.000 bảng (13.700 USD), mô tả quá trình “rất dễ dàng” và hứa hẹn “làm mọi thứ để đứa trẻ có hộ chiếu Anh”.

Thai cho biết sẽ bịa ra một câu chuyện thuyết phục để qua mặt giới chức Anh về mối quan hệ giữa “thai phụ” với người cha hờ của đứa bé. Anh ta sau đó giới thiệu một người đàn ông Anh tên là Andrew.

Theo thỏa thuận, Andrew sẽ nhận thù lao 8.000 bảng (khoảng 10.000 USD). Trong cuộc gặp, Andrew xuất trình hộ chiếu để chứng minh mình là công dân Anh. Hai người cũng chụp ảnh chung.

Một người môi giới khác, xưng là Thi Kim, cho biết đã giúp đỡ “hàng nghìn” thai phụ nhập theo cách này. Kim lấy phí môi giới 300 bảng, khẳng định có thể giới thiệu một người đàn ông Anh nhận làm “cha hờ” với giá 10.000 bảng.

“Tất cả những nam giới này đều sinh ra ở Anh và chưa từng đăng ký khai sinh cho con trước đó. Tôi biết cách xử lý mọi thứ, bạn không cần lo lắng, hộ chiếu chắc chắn sẽ được cấp”, Kim nói với điều tra viên BBC.





Điều tra viên của BBC (trái) chụp ảnh cùng Andrew. Ảnh: BBC

Điều tra viên của BBC (trái) chụp ảnh cùng Andrew. Ảnh: BBC

Luật sư di trú Anh Ana Gonzalez cho hay các đường dây lừa đảo để được cấp visa này “cực kỳ phức tạp” với thủ đoạn tinh vi, khiến cảnh sát khó theo dõi và phát hiện.

“Chúng cũng thể hiện nỗi tuyệt vọng của các thai phụ nhập cư và hành trình đằng đẵng của họ chỉ để được ở lại Anh”, bà nói. “Quy định cấp quốc tịch là để bảo vệ trẻ em, không nên được xem là kẽ hở để cấp visa cho những phụ nữ nhập cư không giấy tờ”.

Nhiều thai phụ cũng đăng bài tìm “cha hờ” cho con trên các hội nhóm Facebook. “Tôi đang bầu 4 tháng, cần một người cha có quốc tịch từ 25 đến 45 tuổi”, một tài khoản viết.

“Tôi là một ông bố có ‘sổ đỏ’ (tiếng lóng chỉ hộ chiếu Anh), hãy nhắn tin cho tôi”, một tài khoản khác trả lời.

BBC không thể ước tính quy mô của đường dây lừa đảo. Bộ Nội vụ Anh không cung cấp dữ liệu về các vụ đã điều tra, nhưng cho biết đã cấp gần 4.900 visa diện gia đình, trong đó có những người đăng ký cư trú với tư cách là cha mẹ trẻ em Anh.

Luật sư nhập cư Harjap Bhangal cho biết tình trạng “cha hờ” đã tồn tại trong nhiều năm qua ở hàng loạt nhóm nhập cư tại Anh như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nigeria và Sri Lanka. Ông kêu gọi Bộ Nội vụ Anh điều tra thêm về các đơn xin cấp visa có dấu hiệu sai phạm.

Giới chức Anh không yêu cầu xét nghiệm ADN khi đăng ký khai sinh hoặc cấp hộ chiếu cho trẻ em. Tuy nhiên, để kiểm soát tình trạng này, luật sư Bhangal đề xuất tiến hành xét nghiệm ADN nếu đứa trẻ có bố là người Anh, còn mẹ là người nhập cư không có giấy tờ.

Đức Trung (Theo BBC)

Leave a Comment

0.0/5