Tổng thống đắc cử Donald Trump đã gần hoàn thành danh sách cho nội các nhiệm kỳ hai, dù một số đề cử gây nhiều tranh cãi.
Các trợ lý mô tả đây là chính quyền thống nhất, trung thành và được thúc đẩy bởi phong trào Làm nước Mỹ Vĩ đại Trở lại (MAGA), nhưng giới quan sát nhận thấy ông Trump đang xây dựng một nội các “đa dạng nhất về hệ tư tưởng thời hiện đại”, không giống với bất cứ tổng thống Cộng hòa nào trước đây.
Trong khi đảng Cộng hòa phản đối việc phá thai, ông Trump lại đề cử Robert F. Kennedy Jr., một người ủng hộ quyền phá thai của phụ nữ, làm bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.
Tulsi Gabbard, người từng là đảng viên Dân chủ, được Tổng thống đắc cử chọn làm lãnh đạo cơ quan tình báo Mỹ. Ông cũng đã đề cử người dẫn chương trình Fox News Pete Hegseth, 44 tuổi, làm lãnh đạo Lầu Năm Góc trong chính quyền mới, dù ông này chưa có kinh nghiệm chính trị.
Để tìm người lãnh đạo Bộ Tài chính, ông đã đặt niềm tin vào tỷ phú đầu tư Scott Bessent. Nếu được Thượng viện phê chuẩn, Bessent sẽ trở thành bộ trưởng đồng tính đầu tiên trong chính quyền ông Trump cũng như dưới thời bất cứ tổng thống Mỹ nào thuộc đảng Cộng hòa. Bessent cũng từng là cố vấn của tỷ phú George Soros, người đã rót hàng chục triệu USD chống lại ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016.
Mike Allen và Jim VandeHei, hai nhà phân tích của Axios, chỉ ra rằng nội các của Trump dường như được chia thành ba nhóm lớn. Nhóm được đề cử vào vị trí lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và giám đốc tình báo quốc gia sẽ theo đuổi tham vọng săn lùng “nhà nước ngầm” và bất kỳ ai tham gia nỗ lực truy tố ông Trump.
Nhóm thứ hai do Bessent dẫn dắt được kỳ vọng sẽ giúp ông Trump bình ổn thị trường Mỹ. Bessent có thể theo đuổi tham vọng bãi bỏ quy định và cắt giảm thuế mà MAGA ủng hộ, nhưng cũng sẽ cố gắng đảm bảo các chính sách của ông Trump như đánh thuế hàng nước ngoài không cản trở đà tăng của thị trường chứng khoán hậu bầu cử.
Thứ ba là nhóm tinh giản chính phủ do tỷ phú Elon Musk và doanh nhân Vivek Ramaswamy dẫn đầu. Musk muốn cắt giảm ít nhất 2 nghìn tỷ USD từ ngân sách liên bang hàng năm, trong khi Ramaswamy muốn thanh lọc khoảng 25% trong 2,3 triệu viên chức chính phủ Mỹ.
Một nguồn tin trong nhóm chuyển giao quyền lực cho biết hầu hết các lựa chọn nội các là “phiên bản của ông Trump với suy nghĩ và cách tiếp cận của riêng họ”.
“Họ là những người không biết e sợ, có thể bước vào những cơ quan này và biết rằng nhiệm vụ của họ là cải cách và thay đổi”, người này nói.
Giới phân tích nhận định nội các của ông Trump rất giống với mô hình chính phủ liên minh ở các nước châu Âu, với thành viên là những người có quan điểm đa dạng, thậm chí đối nghịch, về hệ tư tưởng, nhưng đều có chung tầm nhìn MAGA.
Ông Bessent chuyển sang hệ tư tưởng MAGA muộn hơn nhiều người nhưng mạnh mẽ ủng hộ các chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử. Tuy nhiên, là một người đồng tính đã kết hôn, ông có thể dễ xung đột quan điểm với một số người cánh hữu có quan điểm truyền thống trong nhóm ủng hộ ông Trump.
Điều có thể khiến các thành viên nhiệt thành của phong trào MAGA khó chấp nhận hơn là việc ông Bessent từng quyên góp tiền cho chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ Al Gore năm 2000.
Dù vậy, ông Trump khẳng định Scott “từ lâu đã ủng hộ mạnh mẽ nghị trình MAGA và sẽ giúp tôi mở ra một kỷ nguyên vàng mới cho Mỹ”. Ông tin rằng kinh nghiệm của tỷ phú này sẽ giúp củng cố vị thế đứng đầu thế giới của nước Mỹ.
Lựa chọn cho vị trí bộ trưởng lao động cũng có khả năng đi ngược đường lối chung. Khi những thành viên đảng Cộng hòa đoàn kết ủng hộ ông Trump về tinh giản chính phủ, bà Chavez-DeRemer lại nỗ lực bảo vệ người lao động.
Bà là một trong ba đảng viên Cộng hòa tài trợ cho dự luật năm 2023 để bảo vệ người lao động khỏi nguy cơ bị trả thù hoặc sa thải, đồng thời trao quyền cho chính phủ trừng phạt các chủ doanh nghiệp xâm phạm quyền lợi của người lao động.
Đội ngũ an ninh quốc gia của ông Trump cũng là những lựa chọn “phá cách”. Michael Waltz, người được đề cử làm cố vấn an ninh quốc gia, từng ủng hộ mạnh mẽ viện trợ cho Ukraine và bất kỳ điều gì để đẩy lùi chiến dịch của Nga, cho đến khi ông đảo ngược quan điểm và bỏ phiếu phản đối khoản viện trợ bổ sung trị giá 95 tỷ USD cho Kiev hồi đầu năm nay.
Cấp phó mới Alex Wong của ông từng làm việc cho thượng nghị sĩ Mitt Romney, người vốn phản đối Tổng thống đắc cử Trump. Tuy nhiên, Wong có kinh nghiệm làm việc ở các vị trí cấp cao trong Bộ Ngoại giao về vấn đề Triều Tiên, từng giúp thiết lập cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump với lãnh đạo Kim Jong-un.
Trong những năm sau đó, Wong từng làm chủ tịch Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung, nhóm lưỡng đảng do quốc hội thành lập nhằm nghiên cứu các tác động an ninh quốc gia khi hai nước hợp tác về kinh tế.
Chris Whipple, tác giả cuốn sách Người gác đền (The Gatekeepers) về các chánh văn phòng Nhà Trắng, ngày 23/11 cho biết khó có thể tìm thấy sự nhất quán trong hệ tư tưởng ở các ứng viên được Tổng thống đắc cử Mỹ chọn vào nội các, bởi “không có quy trình nào để đưa ra những chọn lựa này và tất cả đều theo ý muốn của ông Trump”.
“Sự đa dạng về hệ tư tưởng trong nội các này lớn hơn những gì tôi kỳ vọng. Nội các đó nhiều khả năng sẽ xảy ra tranh cãi khi làm việc. Nhưng nếu những cuộc tranh luận như vậy được phép diễn ra một cách văn minh và cởi mở, chúng có thể tạo ra chính sách hiệu quả”, Michael Beschloss, nhà sử học về tổng thống Mỹ, đánh giá.
Thùy Lâm (Theo Axios, AFP, Reuters)