Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Oanh tạc cơ Mỹ bay 20.000 km không nghỉ

“Hai oanh tạc cơ B-1B Lancer thuộc Phi đoàn Ném bom số 34 thực hiện thành công nhiệm vụ ‘CONUS đến CONUS’ không nghỉ từ căn cứ không quân Ellsworth đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào ngày 1-2/8”, Không đoàn Ném bom số 28 của Mỹ ngày 6/8 thông báo, thêm rằng các phi cơ đã di chuyển tổng cộng hơn 20.000 km tính cả quãng đường đi và về.

Nhiệm vụ ‘CONUS đến CONUS’ chỉ hoạt động mà máy bay và quân nhân Mỹ di chuyển giữa các địa điểm thuộc lãnh thổ lục địa nước này, nhằm thể hiện năng lực triển khai sức mạnh trên toàn cầu từ các căn cứ quân sự trong nước.

Oanh tạc cơ B-1B Lancer của Mỹ tại căn cứ Ellsworth trước khi cất cánh hôm 1/8. Ảnh: Không quân Mỹ

Oanh tạc cơ B-1B Lancer của Mỹ tại căn cứ Ellsworth trước khi cất cánh hôm 1/8. Ảnh: Không quân Mỹ

Trong nhiệm vụ kéo dài hơn 31 giờ này, hai chiếc Lancer đã phối hợp với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực để tăng cường an ninh toàn cầu, chứng minh khả năng sẵn sàng của đơn vị và hoạt động huấn luyện cần thiết để phản ứng lại các cuộc khủng hoảng hoặc thách thức tiềm tàng trên thế giới, Không đoàn 28 cho biết.

Đơn vị này không nêu tên đồng minh và đối tác đã tham gia nhiệm vụ, song không quân Nhật Bản cho biết 4 tiêm kích F-15 Eagle nước này hôm 2/8 tham gia hoạt động huấn luyện với hai chiếc Lancer ở không phận phía bắc thành phố Yamaguchi.

Theo dữ liệu theo dõi hàng không nguồn mở, hai oanh tạc cơ Mỹ đã tiếp nhiên liệu trên không trên Đảo Vancouver của Canada trong chiều đi và làm điều tương tự gần Alaska trong chiều về.

Không đoàn số 28 cho biết nhiệm vụ được tiến hành nhằm “răn đe đối thủ, đảm bảo an ninh cho các quốc gia đồng minh và đối tác, tăng cường khả năng tương tác, duy trì và chứng minh sự sẵn sàng trên toàn cầu”.

“Thực hiện nhiệm vụ như thế này từ căn cứ Ellsworth đã chứng minh năng lực độc nhất vô nhị của chúng tôi trong việc đe dọa ngay lập tức bất kỳ mục tiêu nào trên toàn cầu, dù là ở đâu”, trung tá Robert Wasil, chỉ huy Phi đoàn 34, nhấn mạnh.

Chuyến bay không nghỉ của oanh tạc cơ Mỹ được tiến hành sau khi Trung Quốc và Nga hôm 24/7 thực hiện chuyến tuần tra chung tầm xa tương tự. Các oanh tạc cơ của Bắc Kinh và Moskva được cho là xuất phát từ sân bay quân sự Anadyr ở miền đông Nga và đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) Alaska, chỉ cách bờ biển Mỹ khoảng 320 km, khiến nước này và Canada phải điều máy bay giám sát.

ADIZ là vùng trời do một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ tự ấn định và yêu cầu máy bay khi tiến vào phải thông báo, nhận dạng, xác định vị trí và chịu sự kiểm soát của quốc gia, vùng lãnh thổ đó. ADIZ không phải không phận, nhưng theo thông lệ quốc tế, máy bay quân sự thường gửi thông báo trước khi tiến vào ADIZ nước khác nhằm tránh những vụ đụng độ bất ngờ.

Oanh tạc cơ B-1B Lancer được máy bay KC-135 Stratotanker tiếp liệu trên không hôm 1/8. Ảnh: Không quân Mỹ

Oanh tạc cơ B-1B Lancer được máy bay KC-135 Stratotanker tiếp liệu trên không hôm 1/8. Ảnh: Không quân Mỹ

B-1B Lancer là máy bay có tải trọng vũ khí thông thường lớn nhất trong biên chế không quân Mỹ, với khả năng mang theo khoảng 34 tấn bom và tên lửa. Nó đạt vận tốc tối đa Mach 1,2 (khoảng 1.481 km/h) khi bay trên biển.

Khác với các dòng oanh tạc cơ chiến lược B-2 Spirit và B-52H Stratofortress, B-1B Lancer bị loại khỏi các nhiệm vụ hạt nhân của Mỹ từ năm 1994. Washington năm 2011 hoàn thành việc chuyển đổi dòng B-1B Lancer sang dùng vũ khí thông thường để đáp ứng New START, hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân được Mỹ và Nga ký trước đó một năm.

Phạm Giang (Theo Newsweek, Eurasian Times)



Leave a Comment

0.0/5