“Chúng ta đang ở bờ vực vỡ nợ. Và trực thăng xuất hiện, ông ấy dường như chuẩn bị khởi hành đến Nhật Bản. Tôi muốn nói ‘hãy dừng lại'”, thượng nghị sĩ Cộng hòa Shelley Moore Capito cho biết tại cuộc họp báo ở Đồi Capitol ngày 17/5, nhắc đến chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Bà Capito chỉ trích Tổng thống Biden vì tự nhận là một nhà đàm phán giỏi nhưng lại không thương lượng với đảng Cộng hòa về vấn đề trần nợ công từ tháng 2, mà chờ đến tận tuần trước mới bắt đầu quá trình đàm phán, khi nước Mỹ đối mặt nguy cơ vỡ nợ.
Bình luận được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden và các lãnh đạo quốc hội không đạt đột phá trong cuộc họp giải quyết vấn đề trần nợ công hôm 16/5. Ông Biden ngày 17/5 khởi hành tới Hiroshima, Nhật Bản, bắt đầu chuyến công du châu Á và dự hội nghị thượng đỉnh G7.
“Ngài Tổng thống, hãy hủy chuyến công du đến Nhật Bản và ở lại để đàm phán”, nghị sĩ Cộng hòa Dusty Johnson nói. “Thời gian còn lại rất ít, hãy hoàn thành việc này”.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rick Scott cho rằng ông Biden “lẽ ra không nên rời đi, mà cần lo chuyện trần nợ tại Mỹ”.
Nhà Trắng bác bỏ các chỉ trích của phe Cộng hòa, cho biết một trong những trách nhiệm của Tổng thống là duy trì sự lãnh đạo của Mỹ trên toàn cầu và ông có thể thực hiện nhiệm vụ của mình ở bất cứ đâu.
“Có những vấn đề quan trọng trong nước, nhưng cũng có vấn đề quốc tế mà Tổng thống cần xử lý”, thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre trả lời báo giới ngày 17/5.
Theo kế hoạch ban đầu, Tổng thống Biden dự kiến thăm Papua New Guinea và Australia sau khi rời Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Biden ngày 16/5 thông báo sẽ cắt ngắn chuyến công du, không tới thăm hai nước này để sớm về Mỹ giải quyết vấn đề trần nợ. Ông nói sẽ “thường xuyên liên lạc” với đội ngũ ở Nhà Trắng và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trong thời gian dự hội nghị G7.
Một số nghị sĩ Dân chủ bênh vực Tổng thống Biden, cho rằng chuyến công du đến Nhật Bản là một ưu tiên chính sách của đất nước.
“Tổng thống Biden dự hội nghị thượng đỉnh G7 trong nỗ lực để đảm bảo an ninh toàn cầu. Đó là một ưu tiên rất cao”, phó lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Dick Durbin nói. “Tôi hy vọng ông McCarthy không dùng cái cớ này để công kích Tổng thống”.
Mỹ hồi tháng 1 chạm trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD do quốc hội thiết lập. Bộ Tài chính phải triển khai các biện pháp đặc biệt để duy trì chính phủ hoạt động và cảnh báo Mỹ có thể vỡ nợ từ ngày 1/6.
Tổng thống Biden và các lãnh đạo quốc hội Mỹ đã tổ chức hai vòng đàm phán trực tiếp vào ngày 9 và 16/5 tại Nhà Trắng nhằm đạt thỏa thuận nâng trần nợ công, nhưng không đạt tiến triển nào. Ông McCarthy ngày 16/5 nói còn “rất nhiều việc phải làm” để phá vỡ thế bế tắc về trần nợ.
Phe Cộng hòa, đã giành quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, tiếp tục nhắc lại quan điểm rằng chỉ chấp thuận nâng trần nợ nếu đi kèm các điều khoản cắt giảm chi tiêu lớn của chính phủ. Đảng Dân chủ cáo buộc đảng Cộng hòa đang sử dụng những chiến thuật cực đoan để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình.
Phó tổng thống Kamala Harris cùng lãnh đạo Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Lael Brainard dự kiến cập nhật về tình hình đàm phán nâng trần nợ trong ngày 18/5. Động thái này cho thấy bà Harris sẽ xử lý tình hình trong lúc ông Biden công du.
Như Tâm (Theo Hill)