Trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, nhiều đồng minh châu Âu của Mỹ đã bày tỏ hoài nghi về chính sách “Nước Mỹ trên hết” và chủ nghĩa biệt lập của ông. Trump thậm chí còn đe dọa rút Mỹ khỏi NATO và áp thuế với cả các đồng minh ở châu Âu.
Nỗi lo đó giờ đây tăng lên khi ông Trump quyết định chọn thượng nghị sĩ J.D. Vance làm ứng viên phó tổng thống. Với lựa chọn này, Trump đã phát đi tín hiệu rõ ràng rằng nếu chiến thắng cuộc đua Nhà Trắng, chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông chắc chắn sẽ quay trở lại, theo giới quan sát.
Vance là người phản đối gay gắt nỗ lực viện trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga. “Tôi thực sự không quan tâm đến bất cứ điều gì có thể xảy ra với Ukraine”, ông từng nói.
Giống Trump, ông cũng nhiều lần chỉ trích NATO và các thành viên châu Âu không chi tiêu đủ cho quốc phòng. Ông cũng đưa ra một số nhận xét gây tranh cãi, như nói Anh sẽ trở thành “quốc gia Hồi giáo thực sự đầu tiên sở hữu vũ khí hạt nhân” dưới chính phủ mới của Công đảng.
Việc đề cử Vance làm ứng viên phó tổng thống của Trump đã dập tắt hy vọng của một số đồng minh châu Âu rằng Trump có thể sẽ áp dụng chính sách đối ngoại mềm mỏng hơn nếu tái đắc cử.
Niềm hy vọng đó từng được nuôi dưỡng bởi chính Trump. Dù thường xuyên lặp lại tuyên bố rằng ông sẽ “kết thúc xung đột” ở Ukraine trong 24 giờ nếu tái đắc cử và khẳng định sẽ không gửi thêm tiền cho Kiev, cựu tổng thống đã không thuyết phục các đồng minh tại quốc hội chặn gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine hồi đầu năm.
“Trump đã có thể yêu cầu các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện không bỏ phiếu thông qua dự luật, nhưng thay vào đó, ông ấy ngầm cho phép nó được phê chuẩn”, Kristine Berzina, chuyên gia địa chính trị và an ninh từ Quỹ German Marshall Đức, nhận xét. “Vì vậy, một số người có cảm giác rằng Trump đang dần ủng hộ Ukraine hoặc có lẽ quan điểm của ông ấy về châu Âu và Ukraine đã thay đổi, đặc biệt khi chi tiêu quốc phòng ở châu Âu đã tăng đáng kể”.
Nhưng với quyết định mới nhất về người đồng hành tranh cử của Trump, các chuyên gia phân tích cho rằng điều đó rất khó xảy ra. “J.D. Vance dường như chưa bao quan tâm đến việc trở thành đồng minh tốt của châu Âu”, Berzina nói.
Tại Hội nghị An ninh Munich hồi tháng hai, Vance đề nghị Ukraine nên đàm phán với Nga, vì Mỹ và các đồng minh khác không có khả năng tiếp tục hỗ trợ họ lâu dài.
“Tôi nghĩ điều hợp lý cần đạt được là hòa bình thông qua thương lượng. Tôi nghĩ Nga có động cơ để đến bàn đàm phán ngay bây giờ. Tôi cho rằng Ukraine, châu Âu và Mỹ cũng có động cơ để ngồi vào bàn đàm phán”, ông phát biểu.
Ukraine và NATO đã kịch liệt bác bỏ kịch bản trên, vì điều này đồng nghĩa Kiev sẽ phải chấp nhận từ bỏ nhiều phần lãnh thổ.
Tại Munich, Vance đã bỏ qua một cuộc họp quan trọng giữa phái đoàn lưỡng đảng gồm các thượng nghị sĩ Mỹ và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nói rằng ông không nghĩ mình sẽ học được điều gì mới ở đó. Ông từng dự cuộc gặp với Tổng thống Zelensky ở Washington hồi tháng 12 năm ngoái nhưng đã rời đi sớm.
Khi được hỏi về tuyên bố từ ứng viên phó tổng thống đảng Cộng hòa rằng kết quả cuộc xung đột sẽ không thay đổi ngay cả khi Ukraine nhận được viện trợ từ Mỹ, Tổng thống Zelensky nói Vance “không hiểu chuyện gì đang thực sự diễn ra”.
Vance lập luận Mỹ nên chuyển trọng tâm khỏi Nga và hướng về khu vực Đông Á, bởi “nơi đây là tương lai của chính sách đối ngoại Mỹ trong 40 năm tới”. Ông cùng nhiều nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ đều cho rằng Trung Quốc là thách thức lớn hơn đối với Mỹ.
Vance “có một quan điểm đơn giản rằng nếu rút lui khỏi vấn đề Ukraine, điều đó sẽ giúp ích cho Mỹ trong vấn đề Trung Quốc” song “điều này chưa chắc đã đúng”, Trevor McCrisken, chuyên gia chính sách đối ngoại của Mỹ kiêm phó giáo sư Đại học Warwick lưu ý, cho biết thêm thượng nghị sĩ này dường như đang cố gắng sử dụng lập trường chống châu Âu cho các mục tiêu chính trị.
Sam Greene, chuyên gia Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA), giáo sư về chính trị Nga tại Đại học Hoàng gia London, nhận định việc đề cử Vance sẽ khiến các đồng minh của Mỹ thấy rằng ông Trump chưa bao giờ thay đổi quan điểm về chính sách đối ngoại.
Ảnh hưởng của Trump trở nên rõ ràng thậm chí ở thời điểm hiện tại, khi Nhà Trắng vẫn nằm trong tay đảng Dân chủ. Tổng thống Biden đã gặp không ít thách thức để thúc đẩy gói viện trợ mới nhất cho Ukraine được thông qua tại quốc hội.
Thực tế này đã thúc đẩy các nước châu Âu phải tính tới kế hoạch B cho Ukraine. Tình trạng đình trệ ban đầu trong việc thông qua gói viện trợ khiến họ phải cố gắng tìm kiếm những sáng kiến mới nhằm huy động nguồn hỗ trợ ở nơi khác cho Kiev.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây ở Washington, các thành viên đã gấp rút thông qua loạt cam kết hỗ trợ lâu dài cho Ukraine, cũng như chuyển một phần quyền điều hành nỗ lực viện trợ Kiev sang NATO. Đây được coi là những giải pháp đề phòng kịch bản Mỹ đột ngột thay đổi chính sách nếu ông Trump đắc cử.
Nếu Trump chọn một người có lập trường chính sách đối ngoại truyền thống hơn làm phó tướng, như bà Nikki Haley, các đồng minh của Mỹ có thể hy vọng rằng sau ông, đảng Cộng hòa có thể quay trở lại với cái mà giáo sư Greene gọi là “mối đoàn kết xuyên Đại Tây Dương”.
“Nhưng thực tế, chúng ta không chỉ đang nhìn vào một chính quyền Trump tiếp theo, mà còn đang nhìn vào một tương lai của đảng Cộng hòa do những người như Vance dẫn dắt. Đó là một viễn cảnh gây bất an hơn nhiều đối với châu Âu”, Greene cho hay.
Vũ Hoàng (Theo ABC News, CNN, WP)