Hải quân Mỹ đầu tháng này thông báo USS General Ford rời thành phố Norfolk, bang Virginia trong “lần triển khai tác chiến đầu tiên”, sau đợt triển khai ngắn hơn hai tháng vào mùa thu năm 2022. Chỉ huy Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ, Phó đô đốc Thomas E Ishee, nói rằng sự hiện diện của tàu sân bay nhằm ngăn chặn hành vi gây hấn với các thành viên NATO.
Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjorn Arild Gram ngày 22/5 đã lên tàu USS General Ford khi nó đang di chuyển về hướng Na Uy. Ông nói chuyến thăm của tàu là “điều rất tích cực trong hợp tác của với Mỹ“.
“Thật là một ngày tuyệt vời khi được ở trên tàu Gerald Ford cùng đồng minh Na Uy, giúp tăng cường quan hệ hai nước”, Ishee cho hay. “Tôi mong chờ hoạt động chung của chúng ta ở sườn bắc NATO, giúp tăng cường khả năng tương tác, duy trì tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, ngăn chặn hành vi gây hấn và chuẩn bị cho việc bảo vệ đất nước cũng như liên minh”.
Nga phản đối động thái của tàu Mỹ. “Biển Bắc không xảy ra vấn đề nào cần đến giải pháp quân sự, cũng không có vấn đề nào cần sự can thiệp bên ngoài”, phát ngôn viên đại sứ quán Nga tại Na Uy Timur Chekanov hôm 23/5 cho hay. “Xét thấy Oslo thừa nhận Nga không gây ra mối đe dọa quân sự trực tiếp nào đối với Na Uy, những màn phô diễn vũ lực như vậy có vẻ vô lý và gây hại”.
Siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford được khởi đóng năm 2009, hạ thủy 4 năm sau đó và được bàn giao cho hải quân Mỹ tháng 5/2017. Đây là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân với lượng giãn nước hơn 100.000 tấn. Giá của tàu sân bay Gerald Ford khi đó là 12,6 tỷ USD, vượt ngân sách dự kiến ban đầu 2,4 tỷ USD và đắt nhất trong lịch sử.
Na Uy là thành viên NATO và có chung đường biên giới dài 198 km với Nga ở khu vực Bắc Cực. Mối quan hệ hai nước đã xấu đi đáng kể sau khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine hồi cuối tháng 2 năm ngoái. Dù không phải là thành viên Liên minh châu Âu, Na Uy đã áp dụng gần như toàn bộ các biện pháp trừng phạt mà Brussels áp với Nga.
Hồi tháng 4/2022, Oslo trục xuất ba nhà ngoại giao Nga bị tình nghi hoạt động gián điệp, khiến Moskva trả đũa bằng cách trục xuất ba nhà ngoại giao Na Uy. Tháng 10/2022, Na Uy bắt một nhà nghiên cứu Brazil nghi là điệp viên của Nga và ra lệnh trục xuất. Giữa tháng đó, cảnh sát Na Uy thông báo bắt 4 công dân Nga nghi chụp ảnh cơ sở bí mật tại miền trung nước này.
Tháng trước, Na Uy tiếp tục trục xuất 15 quan chức đại sứ quán Nga với cáo buộc hoạt động tình báo.
Huyền Lê (Theo AFP, Reutir)