“Chính phủ Cộng hòa Sudan đã thông báo cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc rằng ông Volker Perthes không được chào đón kể từ hôm nay”, Bộ Ngoại giao Sudan ngày 8/6 ra tuyên bố.
Peretz là đại diện của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và đứng đầu phái bộ Hỗ trợ Chuyển đổi Tích hợp của Liên Hợp Quốc tại Sudan (UNITAMS) ở Khartoum. Tướng Abdel Fattah al-Burhan, tư lệnh quân đội Sudan, từng bày tỏ không bằng lòng với ông.
Quyết định được đưa ra khi Perthes đang ở Addis Ababa, Ethiopia để tham gia loạt cuộc đàm phán ngoại giao.
Được thành lập tháng 6/2020 để hỗ trợ quá trình chuyển đổi dân chủ ở Sudan sau sự sụp đổ của chính quyền tổng thống Omar al-Bashir một năm trước đó, UNITAMS được gia hạn một năm mỗi lần. Tuy nhiên tuần trước, Hội đồng Bảo an bỏ phiếu gia hạn nhiệm vụ của UNITAMS chỉ 6 tháng.
Kể từ cuối năm ngoái, Perthes và UNITAMS trở thành mục tiêu của các cuộc biểu tình do quân đội và tín đồ Hồi giáo hậu thuẫn, lên án sự can thiệp của nước ngoài. Trong thư gửi Liên Hợp Quốc tháng trước, tướng al-Burhan cáo buộc đặc phái viên Liên Hợp Quốc làm trầm trọng thêm giao tranh giữa quân đội và lực lượng bán quân sự, cáo buộc ông không tôn trọng “chủ quyền quốc gia” và yêu cầu sa thải ông.
Động thái của chính phủ Sudan diễn ra trong bối cảnh xung đột giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) kéo dài từ giữa tháng 4, khiến thủ đô Khartoum rơi vào hỗn loạn với những trận chiến khốc liệt, tình trạng vô luật pháp và nhiều dịch vụ cơ bản bị cắt đứt. Hơn 1,3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, đe dọa gây bất ổn cho khu vực.
Xung đột nổ ra khi RSF được yêu cầu sáp nhập quân đội chính quy để phù hợp với lộ trình chuyển đổi sang chế độ dân sự, nhưng họ từ chối.
Sudan nằm ở khu vực đông bắc châu Phi, giáp với Biển Đỏ, có dân số gần 48 triệu người. Đây là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên nằm giữa khu vực Hạ Sahara và Trung Đông, nhưng xung đột liên miên khiến Sudan không thể phát triển về kinh tế.
Khi Nam Sudan tách khỏi Sudan để thành một quốc gia độc lập vào năm 2011, Sudan mất đi nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ vốn chiếm hơn 95% giá trị xuất khẩu của nước này. Cú sốc đó đã gây ra lạm phát phi mã, kết hợp với giá nhiên liệu tăng đã châm ngòi làn sóng biểu tình bạo lực năm 2013.
Khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng thúc đẩy quân đội Sudan hồi tháng 4/2019 đảo chính lật đổ tổng thống Omar al-Bashir, người nắm quyền lãnh đạo đất nước từ năm 1993 và từng nhiều lần bị phương Tây chỉ trích. RSF đã ủng hộ quân đội trong cuộc đảo chính.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)