Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tài hội họa của Vua Charles III



Vua Charles III chuẩn bị màu vẽ tại Klosters, Thụy Sĩ, năm 1994.

Thuở nhỏ, ông học vẽ tranh từ giáo viên Robert Waddell tại trường nội trú Gordonstoun ở Scotland. Ông cũng được những họa sĩ nổi tiếng kèm cặp, trong đó có Edward Seago, John Napper, John Ward, Hugh Casson và Derek Hill.



Bức Lâu đài Mey được vẽ vào năm 1986.

Vua Charles III hoàn thành nhiều bức tranh ở Scotland, nơi ông sống thời trẻ. Ông thường vẽ và câu cá tại một hồ nước nhỏ ở Helmsdale. Lâu đài Mey ở Scotland là nhà cũ của Nữ hoàng Elizabeth II. Công trình này là chủ đề vẽ phổ biến trong các tác phẩm đầu tay của ông.



Công chúng chiêm ngưỡng các tác phẩm của Vua Charles III trưng bày tại triển lãm ở Nhà nguyện Garrison đầu năm 2022.

Vua Charles III đã vẽ khoảng 680 bức tranh màu nước trong 5 thập kỷ và mô tả mình là “họa sĩ nghiệp dư nhiệt huyết”. Ông lựa chọn màu nước vì thời gian vẽ nhanh, không để nhân viên an ninh chờ quá lâu.

Trong ghi chú triển lãm năm 2022, trưng bày 79 tác phẩm của mình, ông giải thích rằng ông thích vẽ tranh vì cảm thấy nhiếp ảnh “chưa đủ thỏa mãn”.

“Vẽ là một trong những bài trị liệu và thư giãn hiệu quả nhất tôi biết, do đòi hỏi sự tập trung cao độ nhất có thể”, ông viết. “Vẽ tranh đưa tôi vào một chiều không gian khác, chạm đến tâm hồn tôi theo cách những hoạt động khác không thể so bì”.



Bức tranh Lâu đài Balmoral trong một tuyển tập được phát hành vào những năm 1990.

Lâu đài Balmoral ở Aberdeenshire, Scotland là nơi nghỉ dưỡng của Nữ hoàng Elizabeth II cho đến khi bà qua đời vào ngày 8/9/2022. Trong chương trình Tưởng nhớ Nữ hoàng của BBC, ông Charles chia sẻ đã có những ký ức thời thơ ấu rất vui vẻ bên cha mẹ và các em tại Balmoral vào mùa hè.



Vua Anh rất thích trượt tuyết. Ông lần đầu đến Klosters, Thụy Sĩ, năm 1988 để trượt tuyết và sau đó dành nhiều thời gian ở đây để vẽ lại cảnh núi non.

Trong ảnh là vé vào cửa khu trượt tuyết Klosters năm 1997, in một trong những tác phẩm vẽ núi tuyết của Vua Charles III.



Bức Núi Lochnagar Nhìn từ Ngôi nhà Gelder được vẽ năm 2012. Ông Charles sử dụng nghệ danh A.G. Carrick, đặt theo tước hiệu của ông là Bá tước xứ Carrick.

Núi là chủ đề vẽ yêu thích của Quốc vương Anh, đặc biệt là các vùng núi ở Scotland. Ông cũng vẽ những ngọn núi ở vùng Provence của Pháp và núi Athos của Hy Lạp.



Bức Vịnh Double Haven, được ông Charles vẽ tại Hong Kong năm 1989, hiện trưng bày trong thủy cung ở Tân Giới.

Vua Charles III, khi đó là Thái tử, đã cùng vợ là Công nương Diana đến thăm Hong Kong để khai trương Trung tâm Văn hóa, khu phức hợp trị giá 600 triệu USD ven sông ở Tiêm Sa Chủy.



Nhân viên điều chỉnh bức Mùa đông ở Balmoral (trái) được vẽ năm 1998 và bức Rừng Ballochbuie ở Balmoral (phải) vẽ năm 2000.

Không có tác phẩm gốc nào của Vua Charles III từng được bán, nhưng lợi nhuận thu được từ các bản sao đã khiến ông trở thành một trong những họa sĩ đương thời bán tranh chạy nhất nước Anh.

Vua Charles III ước tính thu về hai triệu bảng (2,5 triệu USD) từ việc bán các bản sao trong thời gian từ 1997 đến 2016. “Doanh thu đều được đưa vào quỹ từ thiện của ông”, Rosie Alderton, giám tuyển nghệ thuật triển lãm ở London năm 2022, cho biết.



Bức Thuyền đánh cá ở Hy Lạp vẽ năm 1999. Bản sao tác phẩm được chào bán trực tuyến với giá 6.000 bảng (7.500 USD).



Bức Biệt thự Sandringham được vẽ năm 1991. Đây là nơi Vua George VI, ông ngoại của ông Charles, đã qua đời vào năm 1952. Các thành viên hoàng gia thường đến đây nghỉ đông.



Năm 1994, công ty bưu chính Anh Royal Mail sử dụng các tác phẩm của ông để in tem, trong đó có bức Núi Arkle ở Sutherland.

Arkle là một ngọn núi phía tây bắc Cao nguyên Scotland. Núi có vẻ ngoài lấp lánh do phần lớn là đá thạch anh.



Bức Làng Dersingham trên con tem của Royal Mail. Hoàng gia Anh thường đón Giáng sinh tại ngôi nhà ở làng này.

Kể từ năm 2019, ông Charles có ít thời gian dành cho hội họa. Nhưng giám tuyển Alderton hy vọng ông sẽ vẽ thường xuyên trở lại. “Những tác phẩm của ông thực sự sống động, thật đáng tiếc nếu ông từ bỏ niềm đam mê này”, cô nói.

Ảnh: AFP, UK Press, Art News, Artsy, SCMP

Leave a Comment

0.0/5