“Công đảng đã thắng trong cuộc tổng tuyển cử này, và tôi đã gọi cho Keir Starmer để chúc mừng chiến thắng của ông ấy”, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết hôm nay. “Quyền lực sẽ được trao lại một cách hòa bình và trật tự, với thiện chí từ tất cả các bên”.
Tuyên bố của ông Sunak đánh dấu sự chấm dứt 14 năm cầm quyền của đảng Bảo thủ, mở đường để Starmer, 61 tuổi, trở thành thủ tướng mới của nước Anh. Đây sẽ là đỉnh cao trong sự nghiệp của Starmer, chính trị gia kế thừa sự nghiệp của Keir Hardie, nhà sáng lập Công đảng Anh.
Phát biểu khi tuyên bố chiến thắng ở London, Starmer cho hay nhiệm vụ của chính phủ do Công đảng dẫn dắt là “thực hiện những ý tưởng giúp đất nước đoàn kết”. “Chúng ta phải đưa chính trị trở lại với nhiệm vụ phụng sự cộng đồng”, ông nói, thêm rằng chính phủ của ông sẽ “chứng minh khả năng làm những điều tốt đẹp”.
Nhưng chiến lược lãnh đạo đất nước của Starmer ra sao, ngoài khẩu hiệu tranh cử “Thay đổi”, vẫn là một câu hỏi lớn. Trong cuộc thăm dò do Ipsos thực hiện vào tháng trước, 50% số người được hỏi nói rằng họ không biết ông đại diện cho điều gì.
Một trong những nhà viết tiểu sử cho Starmer thừa nhận ông là người “rất khó đoán”. Và Starmer đã biến sự mơ hồ, khó đoán định đó thành lợi thế của mình, khiến mọi người có thể nhìn nhận ông theo cách họ muốn tin, theo giới quan sát.
Starmer không trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài trong thời gian tranh cử, những đồng nghiệp thân thiết cũng mô tả ông là “người rất kín tiếng”. Tuy nhiên, Starmer không che giấu xuất thân bình dân của mình.
“Mẹ tôi là y tá, bố tôi là thợ chế tạo công cụ”, ông nói. Thủ tướng Anh tương lai cũng kể về việc ông lớn lên với những hóa đơn chưa thanh toán và điện thoại thường xuyên bị cắt.
Baldwin viết rằng mì ống “là món ăn xa lạ” ở nhà Starmer. Gia đình ông không bao giờ đi du lịch nước ngoài.
Dù vậy, Starmer luôn đạt điểm cao trong các bài kiểm tra và được nhận vào những ngôi trường ưu tú, từ cấp trung học đến đại học. Ông từng đậu vào Đại học Leeds, khoa luật, và sau đó theo học thạc sĩ tại Đại học Oxford.
Starmer nói ông muốn giúp mọi gia đình trẻ có được khoản vay mua nhà đầu tiên vì thấu hiểu rằng ngôi nhà khiêm tốn của cha mẹ “là tất cả đối với gia đình ông”. “Nó mang lại cho chúng tôi cảm giác ổn định và tôi tin rằng mọi gia đình đều xứng đáng hưởng điều đó”, ông tuyên bố.
Starmer cho hay ông luôn nhớ việc mẹ ông được chăm sóc tốt thế nào khi bà mắc hội chứng viêm nhiễm suy nhược và trải nghiệm này đã truyền cho ông lòng kính trọng với Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS).
Ông có một người vợ, Victoria, và hai người con tuổi teen, nhưng chưa bao giờ công khai tên. Vợ ông cũng làm việc cho NHS, trong lĩnh vực an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, công việc mà Starmer khẳng định đã giúp ông “có cái nhìn sâu sắc” về những khó khăn của một hệ thống y tế thiếu hụt ngân sách và trì trệ.
Starmer kể rằng cha ông cảm thấy “tự ti” khi phải làm việc tại nhà máy và không thường xuyên bày tỏ tình cảm với các thành viên trong gia đình. Với tư cách một người cha, Starmer cho hay ông luôn cố gắng kết thúc công việc vào 18h thứ sáu hàng tuần để “dành thời gian cho lũ trẻ”.
Các đồng nghiệp quen biết Starmer trước khi ông tham gia chính trường cho hay sự nghiệp luật sư của ông có thể hé lộ những manh mối về cách ông điều hành nước Anh trong tương lai.
Họ nói ông chưa bao giờ là “luật sư của bồi thẩm đoàn”, người luôn đưa ra những phát biểu cuối phiên tòa đầy tính phô trương. Thay vào đó, Starmer củng cố lập luận của mình bằng các án lệ, quy định và bằng chứng thực tế.
Thời kỳ đầu sự nghiệp, Starmer gia nhập Doughty Street Chambers, hãng luật chuyên đảm nhận các vụ án nhân quyền lớn, gây tranh cãi. Ông đã đấu tranh chống lại án tử hình ở các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng Chung, yêu cầu Tòa án Hiến pháp Uganda vô hiệu hóa bản án tử hình với 417 người.
Starmer cũng bào chữa miễn phí cho hai người ăn chay chuyên phát tờ rơi cáo buộc hãng đồ ăn nhanh McDonald’s trả lương thấp cho nhân viên, tàn ác với động vật và ủng hộ nạn phá rừng. McDonald’s kiện hai người này vì tội phỉ báng.
Vụ kiện kéo dài tới 10 năm, với nhiều lần kháng cáo, trở thành một trong những cuộc chiến pháp lý lâu nhất trong lịch sử Anh và kết thúc với kết quả hòa cho cả hai bên.
Luật sư truyền thông London Mark Stephens, người từng làm việc với Starmer, cho biết ông “luôn có tầm nhìn xa” về cách giành kết quả có lợi trong những vụ tưởng như không thể thắng, khi kháng cáo lên Tòa án Tối cao hay Tòa án Nhân quyền châu Âu.
Nhưng Starmer sau đó đã gây ngạc nhiên cho không ít đồng nghiệp khi trở thành công tố viên hàng đầu của Anh, phụ trách vụ truy tố những kẻ khủng bố al-Qaeda đầu tiên ở nước này.
Starmer cũng đưa ra cáo buộc chống lại các chính trị gia đảng Bảo thủ và Công đảng vướng vào một vụ bê bối chi tiêu công. Ông và các công tố viên bị chỉ trích quá nặng tay khi bắt và buộc tội những người gây bạo loạn ở London sau khi người đàn ông da màu Mark Duggan bị cảnh sát bắn chết hồi năm 2011.
Ông từng là người phản đối chế độ quân chủ, nhưng lại được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước hiệp sĩ năm 2014 vì những đóng góp cho Cơ quan Công tố Hoàng gia.
Đến năm 52 tuổi, Starmer mới bắt đầu tham gia chính trị. Ông được bầu làm nghị sĩ đại diện cho quận Holborn và St. Pancras ở London vào năm 2015 và được Công đảng giao nhiệm vụ đàm phán quan điểm của đảng về Brexit.
Starmer phản đối việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nhưng nhiều cử tri Công đảng lại ủng hộ. Điều khó hiểu của Công đảng là họ không ủng hộ hay chống lại Brexit, mà muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai. Sự hỗn loạn này dường như đã góp phần khiến họ để thua đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử năm 2019.
Sau thất bại bầu cử đó, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn từ chức và Starmer được bầu lên thế chỗ. Ông bắt đầu nỗ lực xây dựng lại đảng.
Những người từng bị Starmer đánh bại trong các cuộc cạnh tranh nội bộ đảng gọi ông là “kẻ cơ hội”. Nhưng các đồng minh lại ca ngợi ông là người thanh lọc các thành viên đã góp phần khiến công chúng cảm thấy Công đảng “có vấn đề”. Ông cũng hướng tới việc đưa đảng nghiêng hơn về phía trung dung.
“Ông ấy đã đưa ra loạt giá trị, nguyên tắc và cách thức tuyệt vời để phát triển nước Anh hoàn toàn phù hợp với quan điểm của tôi với tư cách là một nhà tư bản thương mại”, tỷ phú John Caudwell, trước đây là một nhà tài trợ lớn của đảng Bảo thủ, nói với BBC.
Bạn bè của Starmer mô tả ông có thể trở thành người vô cùng cứng rắn và quyết liệt, điều mà nước Anh có lẽ rất cần trong thời điểm khó khăn.
“Ông ấy luôn có động lực làm việc rất lớn”, Tom Baldwin, nhà báo kiêm cựu chuyên gia quan hệ công chúng của Công đảng, người gần đây xuất bản một cuốn tiểu sử được đón nhận nồng nhiệt về Starmer, nói. “Ông ấy có cái nhìn bao quát về khả năng mang lại thay đổi. Ông ấy sẽ không truyền cảm hứng cho mọi người bằng những bài phát biểu. Những gì ông ấy làm là sửa chữa mọi thứ”.
Những người ủng hộ Starmer hy vọng ông sẽ là một lãnh đạo mang đến thay đổi thực sự, vượt qua những chia rẽ sâu sắc trong chính đảng của mình.
“Tôi nghĩ Starmer đã chứng tỏ mình là một người khá cứng rắn trong việc thay đổi đảng của ông ấy”, Tony Travers, chuyên gia chính trị tại Trường Kinh tế London, nhận xét. “Nhưng sự cứng rắn như vậy có được áp dụng vào chính phủ hay không? Chúng ta phải chờ xem”.
Những người chỉ trích cho rằng trên cương vị thủ tướng Anh, Starmer sẽ không có những hành động táo bạo, mà thiên về đường lối mềm mỏng hơn.
Ưu tiên của ông sẽ là chính trị trong nước, cố gắng củng cố nền kinh tế Anh và xóa tan cảm giác của người dân rằng sinh hoạt phí đã tăng vượt tầm kiểm soát. Ông muốn giảm giá điện bằng việc thành lập một công ty năng lượng xanh mới do nhà nước điều hành. Starmer cũng muốn giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân khi hẹn khám chữa bệnh.
Theo giới quan sát, chính sách đối ngoại của Anh ít có khả năng thay đổi trong chính phủ mới. Starmer từng tuyên bố Anh vẫn sẽ là một thành viên mạnh mẽ của NATO, hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga và ủng hộ quyền tự vệ của Israel trước Hamas, bên cạnh kêu gọi ngừng bắn.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, Reuters, AFP)