Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 6/8 thông báo chọn Thống đốc Minnesota Tim Walz, 60 tuổi, làm người đồng hành cùng bà trên đường đua Nhà Trắng.
Quyết định này biến Walz, một cựu binh, cựu giáo viên trung học đến từ vùng Trung Tây nước Mỹ, thành mảnh ghép cuối cùng để bà Harris hoàn thiện đội ngũ tranh cử, chuẩn bị cho giai đoạn khốc liệt nhất trong cuộc đấu với đối thủ Cộng hòa Donald Trump.
“Một trong những điều khiến tôi chú ý về Tim là niềm tin sâu sắc của ông ấy vào nỗ lực đấu tranh cho các gia đình trung lưu”, bà Harris cho biết. “Là một Thống đốc, một huấn luyện viên, một giáo viên và một cựu binh, Tim đã mang lại lợi ích cho các gia đình lao động như chính gia đình ông ấy. Chúng tôi sẽ có mối quan hệ đối tác tuyệt vời. Chúng tôi bắt đầu với tư cách là những kẻ yếu thế nhưng tôi tin rằng cùng nhau, chúng tôi có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này”.
Walz trong khi đó nói rằng việc được chọn tham gia tranh cử cùng Phó tổng thống Harris là “niềm vinh dự cả đời”.
Hồi cuối tuần, bà Harris đã phỏng vấn ba ứng viên cuối cùng trong chiến dịch tuyển chọn phó tướng là Walz, Thống đốc Pennsylvania Josh Shapiro và thượng nghị sĩ Arizona Mark Kelly. So với các ứng viên tiềm năng khác, Walz ít được biết đến hơn, nhưng đồng nghĩa ông cũng ít bị chú ý hơn trên chính trường quốc gia.
Walz có xuất thân rất khiêm tốn. Ông lớn lên tại thị trấn nhỏ Butte với dân số vài trăm người ở Nebraska và thường xuyên tới trang trại phụ giúp gia đình trong các kỳ nghỉ hè.
Năm 17 tuổi, ông quyết định nhập ngũ, phục vụ trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia Lục quân, lực lượng dự bị chiến đấu cho Lục quân Mỹ. Ông từng được triển khai tới Italy năm 2003-2004 tham gia chiến dịch Tự do Bền vững, hỗ trợ cuộc chiến ở Afghanistan, trước khi giải ngũ năm 2005.
Với trợ cấp từ quân đội, Walz theo học trường sư phạm để trở thành giáo viên và giảng dạy các môn xã hội tại trường trung học, cũng như làm huấn luyện viên bóng bầu dục cho học sinh. Trong thời gian làm giáo viên ở Nebraska, ông gặp và kết hôn với vợ mình, một cô giáo đến từ Minnesota.
Sau khi chuyển đến Minnesota sinh sống, ông bắt đầu tham gia chính trị và được bầu vào Hạ viện Mỹ trong 12 năm, đại diện cho một khu vực nông thôn ở phía nam bang này.
Năm 2018, Walz được bầu làm Thống đốc Minnesota vào năm 2018 và giành được nhiệm kỳ thứ hai 4 năm sau đó. Mặc dù bang này không phải là thành trì truyền thống của đảng Dân chủ, Walz đã chiến thắng trong cả hai cuộc đua một cách dễ dàng. Những năm tháng làm nghị sĩ và Thống đốc đã giúp Walz có nhiều kinh nghiệm trong cả lĩnh vực lập pháp và hành pháp.
Trong 6 năm làm Thống đốc Minnesota, ông đã phê duyệt các chương trình chi trả học phí đại học cho sinh viên có thu nhập thấp, thực hiện miễn phí bữa sáng và bữa trưa tại các trường công, hợp pháp hóa cần sa giải trí cho người lớn, đồng thời tăng cường biện pháp bảo vệ cho người lao động.
Walz cũng được coi là người bảo vệ mạnh mẽ quyền phá thai. Ông còn ủng hộ nhiều sáng kiến về khí hậu, trong đó có kế hoạch chuyển đổi Minnesota sang bang hoàn toàn sử dụng điện không carbon vào năm 2040.
Đảng Cộng hòa có thể cho rằng quan điểm của Walz quá tự do, song Thống đốc Minnesota không ngần ngại bảo vệ những chính sách mà ông theo đuổi.
“Trẻ em được no bụng để có thể đi học, phụ nữ được tự đưa ra quyết định chăm sóc sức khỏe của mình và chúng tôi là một trong năm bang thân thiện nhất với doanh nghiệp. Chúng tôi cũng nằm trong ba bang hạnh phúc nhất đất nước”, ông nói về những chính sách của mình trên CNN hồi tháng trước.
Jennifer Victor, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học George Mason, đánh giá Thống đốc Walz là một “lựa chọn thú vị” của bà Harris, lưu ý rằng nhiều người Mỹ có thể chưa từng nghe đến chính trị gia này trước khi ông được chọn làm ứng viên phó tổng thống đảng Dân chủ.
Victor cho biết Walz mang đến cho công chúng “cảm giác về miền Trung Tây” dễ đồng cảm.
“Có vẻ như Phó tổng thống Harris đã chọn Thống đốc Walz vì những phẩm chất tốt đẹp mà bà ấy nghĩ có thể khiến lá phiếu trở nên hấp dẫn hơn đối với các cử tri dao động”, Victor nói.
Walz đã liên tục chỉ trích cựu tổng thống Trump là “dị hợm” trong các lần xuất hiện trên truyền hình. Đây được cho là ngôn từ gay gắt bất thường và đã gây được chú ý từ đội ngũ của bà Harris.
“Những kẻ dị hợm ở phía bên kia muốn lấy đi những cuốn sách, họ muốn có mặt trong phòng thi của bạn. Họ tệ về chính sách đối ngoại, họ tệ về môi trường, họ chắc chắn không có kế hoạch chăm sóc sức khỏe và họ chỉ liên tục nói về tầng lớp trung lưu”, Walz tháng trước trả lời phỏng vấn kênh MSNBC.
“Một ông trùm bất động sản và một nhà đầu tư mạo hiểm đang cố gắng nói với chúng ta rằng họ hiểu chúng ta là ai ư? Họ không biết chúng ta là ai”, Thống đốc Minnesota nhấn mạnh, đề cập đến cựu tổng thống Trump và ứng viên phó tổng thống đảng Cộng hòa J.D. Vance.
Theo giáo sư Victor, việc Walz mô tả cặp Trump – Vance là những người “dị hợm”, thay vì gắn mác họ là mối đe dọa đối với nền dân chủ, sẽ mang đến luồng gió mới cho cuộc đua Nhà Trắng.
“Walz truyền đạt chúng theo cách nhẹ nhàng, dễ gần mà tôi nghĩ là có thể gây được thiện cảm với nhiều người”, bà nói.
Ngoài chính sách trong nước, cách tiếp cận của Mỹ đối với cuộc xung đột ở Gaza và căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đang là vấn đề nổi cộm được công chúng đặc biệt quan tâm trong cuộc bầu cử năm nay.
Mặc dù các thống đốc không quyết định chính sách đối ngoại, Walz đã bày tỏ lập trường ủng hộ Israel và ra lệnh treo cờ rủ ở Minnesota để thể hiện tình đoàn kết với Tel Aviv sau cuộc đột kích của Hamas hồi tháng 10 năm ngoái.
Trong thời gian phục vụ tại quốc hội, Walz cũng có quan điểm ủng hộ Israel.
“Israel là đồng minh chân chính và thân thiết nhất của chúng ta trong khu vực, cam kết tôn trọng các giá trị tự do và quyền cá nhân”, ông phát biểu vào năm 2010.
Nhưng hồi tháng ba, sau khi gần 19% cử tri Dân chủ ở Minnesota bỏ phiếu “không cam kết” để phản đối lập trường ủng hộ vô điều kiện của Tổng thống Joe Biden đối với Israel, Walz nói rằng ông đã hiểu được nỗi thất vọng ngày càng tăng đối với chính sách của Mỹ trong cuộc khủng hoảng.
Ông cho hay những người bỏ phiếu “không cam kết” với ông Biden có “mọi quyền” để được lắng nghe.
“Những người này đang yêu cầu thay đổi. Họ đang yêu cầu tăng thêm áp lực”, Walz nói với MPR News lúc bấy giờ. “Mọi người đang thất vọng, nhưng tôi thấy vui khi họ tích cực tham gia bỏ phiếu và yêu cầu thay đổi”.
Là thống đốc kiêm chủ tịch Hiệp hội Thống đốc Dân chủ, Walz không đến từ một bang chiến trường truyền thống. Cử tri Minnesota thường xuyên ủng hộ ứng viên Dân chủ, chỉ bỏ phiếu cho một ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa kể từ năm 1960.
Theo giới quan sát, nền tảng của Walz với tư cách cựu binh, người trước đây đại diện cho một vùng nông thôn nghiêng về đảng Cộng hòa tại Minnesota, có thể giúp Phó tổng thống Harris thu hút các cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động, những người đã quay lưng với đảng Dân chủ và giúp thúc đẩy đà trỗi dậy mạnh mẽ của cựu tổng thống Trump trên chính trường.
Walz giờ đây phải đối mặt nhiệm vụ cấp bách là giới thiệu bản thân với đất nước khi chỉ còn khoảng ba tháng nữa là đến bầu cử. Một trong những bài kiểm tra chính trị quan trọng nhất với ông sắp tới là cuộc tranh luận dự kiến cùng Vance.
Heidi Heitkamp, cựu thượng nghị sĩ Bắc Dakota, cho biết bà đánh giá cao sự chân thật của Thống đốc Walz và điều này làm nên khác biệt ở ông. “Có cảm giác không chân thực về J.D. Vance, trái ngược với bản chất của Tim Walz. Tim là kiểu người bình thường chân thực nhất mà bạn có thể gặp”.
Những người theo chủ nghĩa cấp tiến ở Minnesota cũng ủng hộ ông, dù đôi khi bất đồng với Walz về chính sách. Elianne Farhat, giám đốc điều hành tổ chức phúc lợi xã hội và vận động chính trị TakeAction MN, cho hay bà đã bất đồng sâu sắc với Walz trong nhiều năm, nhưng Thống đốc Minnesota thực sự là người biết tiếp thu.
Bà dẫn chứng lập trường của ông về súng đạn. Walz là người sở hữu súng và từng là một thợ săn tham gia Hiệp hội Súng trường Quốc gia. Nhưng ông đã thay đổi. Sau vụ xả súng ở Las Vegas năm 2017, ông chuyển tiền quyên góp từ Hiệp hội Súng trường cho các tổ chức từ thiện, đồng thời ủng hộ lệnh cấm vũ khí sau vụ xả súng trường học ở Parkland, Florida, năm 2018.
“Chúng ta không bầu ra những vị cứu tinh. Chúng ta không bầu ra những người hoàn hảo. Chúng ta bầu ra người mà chúng ta có thể cùng đưa ra các quyết định khó khăn, có thể cùng đàm phán và những người nghiêm túc muốn hoàn thành công việc cho người dân. Walz đã chứng minh điều đó khá rõ ràng trong vài năm qua với tư cách Thống đốc Minnesota”, Farhat nhận xét.
Vũ Hoàng (Theo Guardian, Washington Post, Al Jazeera)