Cơ quan y tế khu vực ngày 16/8 cho biết đã phát hiện virus bại liệt ở một em bé 10 tháng tuổi tại thành phố Deir al-Balah, miền trung Gaza, thêm rằng đứa trẻ chưa được tiêm mũi vaccine bại liệt nào.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng cho biết các nhà nghiên cứu hồi tháng trước tìm thấy virus bại liệt ở Khan Younis và Deir al-Balah, thông qua xét nghiệm mẫu phân của ba đứa trẻ.
Theo UNICEF, đây là lần đầu tiên virus bại liệt xuất hiện ở Dải Gaza trong 25 năm qua. Bại liệt là một căn bệnh truyền nhiễm, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh này tấn công vào hệ thần kinh, có thể gây tê liệt và tử vong.
“Sự tái xuất hiện của nó, điều mà cộng đồng nhân đạo đã cảnh báo suốt 10 tháng qua, đặt ra một mối đe dọa khác đối với trẻ em ở Dải Gaza và các nước láng giềng”, cơ quan Liên Hợp Quốc cho biết thêm.
Việc virus bại liệt tái bùng phát đã làm bật lên những khó khăn mà hai triệu cư dân Gaza phải đối mặt khi xung đột nổ ra tại khu vực từ tháng 10 năm ngoái. Nhiều người dân trong vùng đang rơi vào tình trạng thiếu lương thực, vật tư y tế và nước sạch, với tới 90% dân số phải sơ tán.
Cơ quan y tế Gaza cho biết họ sẽ phối hợp với UNICEF để tiêm chủng cho trẻ em dưới 10 tuổi, thêm rằng hơn một triệu liều vaccine đang được chuyển tới khu vực.
UNICEF cho hay họ dự kiến triển khai hai đợt tiêm chủng vào tháng này và tháng tới trên khắp Gaza, nhắm tới hơn 640.000 trẻ em. Tuy nhiên, UNICEF lưu ý để có một chiến dịch tiêm vaccine hiệu quả, các bên liên quan tới chiến sự phải ngừng những hành động thù địch.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh “vaccine cuối cùng cho bệnh bại liệt chính là hòa bình và lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức” cho Gaza.
Các nhà trung gian quốc tế đang thúc đẩy Israel và Hamas đạt được lệnh ngừng bắn sâu rộng hơn và thống nhất thỏa thuận trao đổi con tin vào tuần tới, sau khi các cuộc đàm phán quan trọng tại Qatar tuần qua đã nêu ra một số đề xuất mới cho các bên tham chiến.
Hamas hoan nghênh lời kêu gọi từ các cơ quan Liên Hợp Quốc về việc ngừng bắn để tiêm chủng bại liệt trong 7 ngày.
Nhưng cơ quan y tế Gaza cảnh báo chiến dịch tiêm chủng “không thể đủ nếu không có giải pháp triệt để cho các vấn đề vệ sinh và tình trạng tích tụ chất thải trong các lều trại của những người dân phải sơ tán”.
Tuần trước, lãnh đạo cơ quan y tế Palestine Majed Abu Ramadan cho hay các cuộc không kích của Israel đã phá hủy 80% cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe ở Gaza.
Hầu hết các bệnh viện đều ngừng hoạt động, trong khi những bệnh viện còn lại chỉ hoạt động cầm chừng do thiệt hại cơ sở hạ tầng vì các cuộc không kích, cũng như tổn thất nhân viên y tế trình độ cao, Ramadan nói thêm.
Vũ Hoàng (Theo CNN, AFP, Reuters)