Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Vụ bắt cựu thủ tướng đẩy Pakistan vào hỗn loạn

Cựu thủ tướng Pakistan Imran Khan hôm 9/5 bị lực lượng cảnh binh bắt với cáo buộc tham nhũng, làm leo thang khủng hoảng chính trị của đất nước trước cuộc bầu cử quốc gia vào cuối năm nay.

Giới chức Pakistan cáo buộc Imran Khan mua đất bất hợp pháp từ một ông trùm kinh doanh khi còn giữ chức thủ tướng, dẫn đến thất thoát hàng trăm triệu USD từ công quỹ.

Các cảnh binh cùng xe thiết giáp đã xông vào trụ sở tòa án ở thủ đô Islamabad để bắt Khan khi ông đến trình diện. Cựu thủ tướng Pakistan kịch liệt phản đối những cáo buộc nhắm vào mình, cho rằng chúng bắt nguồn từ động cơ chính trị hòng ngăn cản ông tái tranh cử.

Ngay khi bị bắt, ông kêu gọi người dân biểu tình phản đối động thái từ chính quyền và nhiều người ủng hộ cựu thủ tướng đã đáp lại bằng cách tụ tập quanh tư dinh của tư lệnh các quân đoàn Pakistan ở Lahore và tổng hành dinh quân đội ở Rawalpindi.

Đám đông tràn xuống đường, gây ra cảnh tượng hỗn loạn chưa từng có khi xông vào phá hoại nhà của các quân nhân. Họ cũng biểu tình ở thủ đô Islamabad cùng hàng loạt thành phố, chặn xe, đốt phá và đụng độ với cảnh sát.





Người biểu tình đụng độ với cảnh sát Pakistan tại thành phố Peshawar hôm 10/5, sau khi cựu thủ tướng  Imran Khan bị bắt. Ảnh: AFP

Người biểu tình đụng độ với cảnh sát Pakistan tại thành phố Peshawar hôm 10/5, sau khi cựu thủ tướng Imran Khan bị bắt. Ảnh: AFP

Vụ bắt cựu thủ tướng Khan tiếp tục nhấn chìm Pakistan trong hỗn loạn, khi đất nước này đang đối mặt với lạm phát cao kỷ lục và mấp mé bờ vực vỡ nợ. Tình hình càng trở nên bất ổn khi các hoạt động khủng bố gần đây bất ngờ gia tăng.

Dù vậy, theo giới chuyên gia, cuộc khủng hoảng chính trị liên quan đến cựu thủ tướng Khan đã làm lu mờ những vấn đề đó và có thể dẫn tới những cuộc biểu tình rầm rộ hơn nữa. Nó làm trầm trọng thêm cuộc đối đầu vốn đã căng thẳng giữa lực lượng quân đội hùng mạnh của đất nước với những người ủng hộ ông Khan.

“Cựu thủ tướng Khan có lượng người ủng hộ tương đối lớn, đang phát triển nhanh chóng và vô cùng nhiệt thành. Họ từ lâu đã coi việc bắt ông là một lằn ranh đỏ”, Michael Kugelman, giám đốc Viện Nam Á tại Trung tâm Wilson, Mỹ, bình luận. “Ông ấy bị giam càng lâu thì khả năng xảy ra bất ổn kéo dài ở các thành phố càng lớn”.

Imran Khan, lãnh đạo dân túy của Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI), một trong những đảng chính trị lớn nhất đất nước, lên nắm quyền năm 2018. Tuy nhiên, tháng 4/2022, ông trở thành thủ tướng bị lật đổ đầu tiên ở Pakistan, khi quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm với lý do Khan không thực hiện được cam kết diệt trừ tận gốc tham nhũng và đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi suy thoái do đại dịch Covid-19.

Nhưng Khan cũng là một lãnh đạo nhiều ảnh hưởng. Ông ngày càng trở nên nổi tiếng kể từ khi bị lật đổ nhờ các thông điệp đánh trúng tâm lý bất an trong công chúng trước vấn nạn tham nhũng và quyền lực quá lớn của chính quyền. Những người ủng hộ ông đã phản đối suốt nhiều tháng và cơn giận dữ của họ không ngừng gia tăng khi cựu thủ tướng liên tục đối mặt thêm cáo buộc từ chính quyền.

“Thay vì xử lý các bất ổn kinh tế và chống khủng bố, Pakistan hiện phải tập trung vào cuộc khủng hoảng chính trị liên quan đến cựu thủ tướng”, Tamanna Salikuddin, chuyên gia về Nam Á của Viện Hòa bình Mỹ, cho hay. “Họ sẽ bị tê liệt hơn nữa trong nỗ lực đối phó khủng hoảng kinh tế và khủng bố vì không có thời gian xử lý chúng”.

Ông Khan hiện đối mặt với hơn 100 cuộc điều tra từ chính quyền, liên quan đến sai phạm về tài chính, tội báng bổ, thậm chí là khủng bố. Tòa án chưa đưa ra phán quyết nào với cựu thủ tướng, nhưng một số nhà phân tích cho rằng ngay cả khi ông bị tuyên có tội, một số cáo buộc vẫn có thể bắt nguồn từ động cơ chính trị.

“Tôi không nói họ không có bằng chứng khi cáo buộc ông ấy tham nhũng”, Salikuddin, người đã nghiên cứu nhiều năm về chính trị Pakistan, cho biết. “Nhưng ở Pakistan, những cáo buộc như vậy thường không được đưa ra nếu không có lý do mang động cơ chính trị”.

Với trường hợp của cựu thủ tướng Khan, các cuộc điều tra như vậy có thể là nỗ lực để ông Khan, một trong những chính trị gia đối lập có tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ nhất, ngừng lên tiếng. Ông cho rằng binh sĩ quân đội đã nổ súng khiến ông bị thương trong một cuộc biểu tình hồi tháng 11 năm ngoái, cáo buộc mà giới lãnh đạo quân sự Pakistan liên tục bác bỏ.

Quân đội đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị Pakistan, khi các lãnh đạo dân sự thường cố gắng giành ủng hộ từ họ và yêu cầu quân đội hỗ trợ trong các vấn đề an ninh quốc gia. Cựu thủ tướng Khan cũng cáo buộc chính phủ hiện tại đã âm mưu bắt tay với quân đội nhằm phế truất ông.

“Nguyên nhân gần nhất khiến cựu thủ tướng Khan bị bắt là cáo buộc tham nhũng, nhưng lý do thật sự có thể bắt nguồn từ cuộc đối đầu giữa ông ấy với giới lãnh đạo dân sự, quân sự trong hơn một năm qua”, Kugelman nhận xét. “Những sự kiện vừa diễn ra càng củng cố quan điểm của Khan rằng ông ấy nạn nhân của một tính toán chính trị”.

Dù vậy, ông Khan trong thời gian nắm quyền cũng đã là tâm điểm của các bê bối tham nhũng và từng có xu hướng sử dụng biện pháp cực đoan để duy trì quyền lực.





Cựu thủ tướng Pakistan Imran Khan trả lời phỏng vấn tại Lahore ngày 15/3. Ảnh: AFP

Cựu thủ tướng Pakistan Imran Khan trả lời phỏng vấn tại Lahore ngày 15/3. Ảnh: AFP

Trước khi bị phế truất, ông đã tìm cách giải tán quốc hội để tránh cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Theo nhiều nguồn tin, các quan chức thân cận với cựu thủ tướng Khan còn tham gia vào một kế hoạch tham nhũng lớn liên quan đến nhiều công ty nước ngoài và quỹ tín thác mà họ sử dụng để che giấu khối tài sản hàng triệu USD.

Dù bị phế truất và điều tra, ông Khan hoàn toàn có thể quay lại với quyền lực sau cuộc bầu cử cuối năm nay. Tuy nhiên, kịch bản này phụ thuộc vào việc liệu chính phủ hiện tại có thể loại ông khỏi cuộc tranh cử với cáo buộc tham nhũng hay không.

Vụ bắt cựu thủ tướng Khan là một bước leo thang lớn trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Pakistan và có thể sẽ không còn đường lùi. Một số nhà quan sát gọi đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất của đất nước kể từ năm 1971, khi Đông Pakistan trở thành Bangladesh.

Sau nhiều thập kỷ quân đội nắm quyền ở Pakistan, nền dân chủ nước này bắt đầu được củng cố từ năm 2008. Nhưng hiện nay, không ít người lo ngại rằng tình trạng bất ổn chính trị liên quan đến vụ bắt ông Khan có thể tạo cớ cho một hành động can thiệp thô bạo, phi dân chủ, như đảo chính quân sự.

“Tình hình chính trị Pakistan hiện rất khó xuống thang”, Madiha Afzal, chuyên gia chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, Mỹ, đánh giá, thêm rằng vụ bắt cựu thủ tướng Khan “là một diễn biến rất nguy hiểm”, làm tiêu tan mọi hy vọng về ổn định chính tại quốc gia Nam Á.

Theo Kugelman, chính phủ có thể vin vào lý do bất ổn xã hội để trì hoãn cuộc tổng tuyển cử được lên kế hoạch vào tháng 10. Nhưng điều này cũng có thể phản tác dụng, tiềm ẩn nguy cơ làm trầm trọng hơn khủng hoảng khi vấp phải phản ứng quyết liệt hơn từ người biểu tình ủng hộ Khan.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu những người ủng hộ cựu thủ tướng Khan có chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử nếu ông thua hoặc bị loại khỏi cuộc tranh cử hay không.

“Họ có thể bác bỏ tính hợp pháp của cuộc bầu cử và xuống đường biểu tình. Tôi nghĩ đây là kịch bản rất có khả năng xảy ra”, chuyên gia Salikuddin nói.

Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera)

Leave a Comment

0.0/5