Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Vụ trộm xe tăng từng gây rúng động nước Mỹ

Môt trực thăng cảnh sát và các phóng viên truyền hình địa phương đã quay lại vụ trộm xe tăng gây náo loạn kéo dài 23 phút của Nelson, từ hình ảnh những chiếc ôtô bị nghiền nát cho tới khoảnh khắc cảnh sát tìm cách nhấc Nelson đang ở trong trạng thái thập tử nhất sinh ra khỏi xe tăng.

Khi xem video, khán giả trên khắp thế giới khi đó đã không thể tin vào mắt mình. Giới game thủ ngày nay có lẽ đã quen thuộc với hình ảnh xe tăng náo loạn đường phố trong trò chơi điện tử, song phải chứng kiến việc này trên thực tế vẫn là điều hết sức hy hữu.

Vụ cướp xe tăng gây rúng động nước Mỹ

 
 

Vụ xe tăng bị cướp và gây náo loạn tại San Diego, Mỹ, năm 1995. Video: CBS 8, NBC 7

Nelson lớn lên tại khu Clairemont ở San Diego trước khi nhập ngũ. Sau quá trình huấn luyện ở căn cứ quân sự Fort Knox tại bang Kentucky, binh sĩ được điều tới phục vụ một tiểu đoàn xe tăng đồn trú ở Tây Đức.

Nelson đã gặp một số rắc rối về kỷ luật trong hai năm đóng quân ở Tây Đức, rồi xuất ngũ năm 1980 để trở về với gia đình Mỹ.

“Chúng tôi đã có cuộc sống khá tốt đẹp trong 6 năm đầu hôn nhân”, Suzy Hellman, vợ cũ của Nelson, nói. “Chúng tôi sở hữu một ngôi nhà. Anh ấy là thợ sửa ống nước thành đạt, còn tôi là thư ký pháp lý. Phía trước chúng tôi là tương lai tốt đẹp”.

Nhưng điều này không kéo dài lâu. Sau khi bố mẹ lần lượt mất vào năm 1988 và 1992, Nelson bắt đầu có biểu hiện bất thường. “Anh ấy ngày càng trở nên mất kiểm soát do sử dụng ma túy đá methamphetamine và rượu”, Hellman cho hay.

Cô nộp đơn xin ly hôn vào năm 1990. Cùng năm đó, Nelson gặp tai nạn xe máy và bị chấn thương ở cổ, lưng.

Đến năm 1995, Nelson lâm vào cảnh khốn cùng, khi xe tải và dụng cụ làm việc bị đánh cắp, không đủ tiền trả hóa đơn, bạn gái mới cũng chết vì sốc ma túy. Nelson ngày càng phụ thuộc vào rượu và thường sử dụng methamphetamine liều cao.

Shawn Nelson. Ảnh: NBC 7

Shawn Nelson. Ảnh: NBC 7

Khi ngân hàng bắt đầu tiến hành thủ tục tịch thu tài sản thế chấp, bao gồm ngôi nhà Nelson đang ở, ông đã đào một cái hố sâu hơn 5 mét ở sân sau và nói với bạn bè rằng mình đã đào trúng vàng. Tuy nhiên, điều hầu hết mọi người thấy chỉ là một đống đất.

Ngay trước thời điểm bị tịch thu nhà, Nelson đã làm một việc không ai có thể ngờ tới. Ngày 17/5/1995, ông lái xe qua cánh cổng không đóng tại kho quân khí của lực lượng Vệ binh Quốc gia trên đường Mesa College Drive. Nelson leo lên một chiếc xe tăng M60A3 Patton và khởi động nó dễ dàng nhờ kiến thức từ hồi tại ngũ.

Đội bảo vệ căn cứ tìm cách chặn Nelson, song chiếc xe tăng nặng 63 tấn vẫn lao về phía trước, đi qua cửa và ra khỏi căn cứ.

Rất may là toàn bộ hệ thống vũ khí trên chiếc xe, bao gồm pháo cỡ nòng 105 mm, súng phòng không 12,7 mm và súng máy 7,62 mm, đều không có đạn. Dù vậy, trong khoảng nửa giờ đồng hồ, Nelson vẫn gây ra thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng và vật chất của thành phố.

Chiếc xe tăng ông lái đã cán bẹp bất cứ thứ gì cản đường, từ biển báo, trụ nước cứu hỏa, cột đèn giao thông cho đến ôtô đỗ trên đường. Nelson thậm chí còn tìm cách húc đổ một cây cầu bộ hành bằng cách liên tiếp đâm vào nó, song công trình này đã trụ vững.

Nhân chứng Kelly Bird cho biết đã thấy ít nhất 25 ôtô bị chiếc xe tăng cán nát. “Anh ta bị điên rồi”, Bird cảm thán.

Nelson lái xe tăng húc đổ một cột đèn giao thông. Ảnh chụp màn hình

Nelson lái xe tăng húc đổ một cột đèn giao thông. Ảnh chụp màn hình

Jerry Sander, người khi đó là cảnh sát trưởng thành phố San Diego, cho hay ông chưa từng chứng kiến cảnh tượng nào tương tự cuộc náo loạn của Nelson.

“Không ai có thể đoán được rằng sẽ có người sử dụng xe tăng để tàn phá như thế này”, Sanders nói. Những gì cảnh sát có thể làm là dùng xe tuần tra bám theo chiếc xe tăng, cũng như bố trí chốt chặn ở những tuyến đường Nelson có thể đi qua.

Sau khi không phá hủy được cây cầu bộ hành, Nelson di chuyển lên đường cao tốc, nơi một nhóm cảnh sát đang chặn đường. Trong lúc Nelson cố gắng lái xe tăng qua dải phân cách, sĩ quan Paul Paxton, người là quân nhân dự bị và có kinh nghiệm về xe tăng, đã leo lên xe, mở cửa sập trên tháp pháo và gọi với vào bên trong, yêu cầu Nelson ra ngoài.

Nelson nhìn lên song không hồi đáp và tiếp tục quay lại chỗ điều khiển xe tăng. Đúng lúc này, sĩ quan Rick Piner, đồng nghiệp của Paxton, bắn một phát đạn trúng vào vai Nelson, khiến chiếc xe tăng dừng lại.

Các nhân viên y tế đã chăm sóc cho Nelson sau khi ông được kéo khỏi xe tăng, nhưng ông đã qua đời do vết thương quá nặng. Ngoài Nelson, không có ai thiệt mạng hoặc bị thương nặng trong sự việc.

Vệ binh Quốc gia bang California sau đó bị buộc tội sơ suất khi để Nelson lấy trộm chiếc xe tăng. Chính quyền bang cũng phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng.

Bản tin và video về sự việc nhanh chóng được truyền đi khắp thế giới. Nó được một số người đánh giá là sự kiện mang tính biểu tượng, đại diện cho các vấn đề xã hội Mỹ đang phải đối mặt vào thời điểm đó, bao gồm thực trạng khó khăn của tầng lớp trung lưu hay những áp lực lớn mà đàn ông nước này phải đối mặt.

Một số người cho rằng bi kịch của Nelson bắt nguồn từ các khó khăn về kinh tế của Mỹ vào cuối thế kỷ 20, đặc biệt là với tầng lớp trung lưu. Việc tầng lớp này bị mất công ăn việc làm là chủ đề chính trong một bộ phim tài liệu công chiếu năm 2002.

Bộ phim mô tả Clairemont là khu vực gồm toàn các ngôi nhà đã xuống cấp và những niềm hy vọng bị tan vỡ. Cư dân ở đây chỉ biết xoa dịu nỗi đau bằng ma túy và rượu.

“Đó là thời kỳ đen tối với San Diego”, Lambert Devoe, người tham gia làm bộ phim, cho hay. “Chỉ trong một năm, hơn 40.000 kỹ sư đã bị nhà máy của General Dynamics tại đây sa thải”.

Susan Faludi, cây viết ủng hộ nữ quyền, cho rằng các tập đoàn có thế lực đã “phản bội đàn ông Mỹ” và họ đã chọn cách chống trả.

“Nếu hạ tầng xã hội không thể đáp ứng được nhu cầu của một người đàn ông, điều ít nhất anh ấy có thể làm là phá hủy nó. Nếu đất nước không thể mang tới kẻ thù cho anh ấy chiến đấu, anh ấy sẽ mang chiến tranh về nhà”, Faludi nhận định. “Nhiều người đàn ông trong thế hệ đó cũng có chung cảm giác tuyệt vọng giống như Nelson”.

Cảnh sát trèo lên xe tăng khống chế Nelson. Ảnh chụp màn hình

Cảnh sát trèo lên xe tăng khống chế Nelson. Ảnh chụp màn hình

Nhưng nhiều người khác cho rằng chứng nghiện ma túy đã khiến Nelson gây ra sự việc này.

“Ma túy đá khiến con người trở nên điên loạn, hung dữ và bạo lực”, nhà tâm thần học Mark Kalish cho biết. Theo Kalish, người nghiện methamphetamine rất dễ bị đau tim, đột quỵ hoặc mắc chứng hoang tưởng, đến mức coi người dân vô tội là những kẻ độc ác cần phải tiêu diệt.

Với cảnh sát trưởng Sander, sự việc đơn giản là một bài học lớn đối với lực lượng Vệ binh Quốc gia địa phương. “Đừng bao giờ để quên ắc quy và chìa khóa trong xe tăng”, Sander nói.

Phạm Giang (Theo San Diego Union-Tribune)



Leave a Comment

0.0/5