Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

10 siêu sao bơi ở Olympic 2024



Leon Marchand (Pháp) có thể là một trong những ngôi sao lớn nhất tại Olympic 2024. Kình ngư được ví như “Michael Phelps của Pháp” phá kỷ lục thế giới 15 năm của huyền thoại Mỹ, khi về nhất 400m hỗn hợp cá nhân tại giải VĐTG 2023, với 4 phút 02 giây 50, nhanh hơn kỷ lục cũ 1 giây 34. Sau đó, Marchand về nhất ở 200m hỗn hợp và 200m bướm.

Kình ngư sinh năm 2002 dẫn dắt tuyển bơi Đại học Arizona State lần đầu đứng nhất ở hệ thống Giải đại học Mỹ (NCAA) 2024. Anh cũng được huấn luyện bởi Bob Bowman – HLV lâu năm của Phelps.

“Marchand có tốc độ và sức bền”, Bowman nói với hãng tin AP. “Cậu ấy có toàn bộ những gì bạn muốn và làm tốt nó dưới áp lực”.



Caeleb Dressel (Mỹ) được đánh giá là VĐV thể thao nổi tiếng và hấp dẫn nhất tại Paris 2024. Kình ngư 27 tuổi đã giành năm HC vàng tại Tokyo 2021, rồi gây chấn động vào năm 2022 khi đột ngột nghỉ thi đấu để phục hồi sức khoẻ tâm thần.

Ở lần trở lại này, Dressel không đủ điều kiện dự nội dung 100m tự do, nhưng sẽ có cơ hội bảo vệ hai HC vàng 50m tự do và 100m bướm.



Katie Ledecky (Mỹ) được xem như kình ngư nữ vĩ đại nhất lịch sử. VĐV sinh năm 1997 sẽ có suất ở bốn nội dung, nhưng dự kiến sẽ bỏ 200m tự do, để tập trung giành HC vàng bơi 800m tự do nữ thứ tư liên tiếp, cùng nội dung 400m và 1.500m tự do.

Ledecky đã giành bảy HC vàng Olympic, 21 HC vàng Giải vô địch thế giới, trong đó có 22 HC vàng cá nhân. Cô sẽ hướng tới phá kỷ lục 28 HC vàng cá nhân Olympic và vô địch thế giới, của cả nam và nữ, đang thuộc về huyền thoại Michael Phelps.



Ariarne Titmus (Australia) đã giành bốn huy chương tại Tokyo 2021, gồm HC vàng 200m và 400m tự do, HC bạc 800m tự do và HC đồng 4x200m tự do. Cô chính là đối thủ đáng gờm của Ledecky.

Ngày 12/6/2024, Titmus dự giải tuyển chọn VĐV Australia dự Olympic Paris và phá kỷ lục 200m tự do, với 1 phút 52 giây 23. Trước đó, ở giải VĐTG 2023, cô phá kỷ lục 400m tự do với 3 phút 55 giây 38, đồng thời cùng đồng đội về nhất 4x200m tự do và lập kỷ lục 7 phút 37 giây 50.



Summer McIntosh (Canada) là thần đồng bơi 17 tuổi, khi vô địch thế giới hai năm liền, ở nội dung 200m bướm và 400m hỗn hợp. Cô đã phá vỡ 13 năm thống trị của Ledecky ở nội dung 800m tự do, trong một cuộc thi đấu tại Florida, Mỹ.

McIntosh còn cùng Titmus và Ledecky được dự báo sẽ tạo nên cuộc đua “tam ngư” tại 400m tự do. Ledecky về nhất nội dung này và lập kỷ lục 3 phút 56 giây 46 ở Rio 2016, nhưng thua Titmus tại Tokyo 2021. Đến tháng 5/2022, Titmus phá kỷ lục với 6% giây nhanh hơn tại giải vô địch Australia. Sau đó, McIntosh vượt qua với 3 phút 56 giây 08 ở Giải tuyển chọn Canada vào tháng 3/2023, trước khi Titmus lại phá kỷ lục với 3 phút 55 giây 38 tại Giải VĐTG 2023.



Kaylee McKeown (Australia) đoạt ba HC vàng Tokyo 2021, gồm 100m, 200m ngửa và 4x100m hỗn hợp. Cô cũng thống trị cả ba nội dung bơi ngửa 50m, 100m, 200m tại Giải VĐTG 2023.

Kình ngư sinh năm 2001 đang giữ kỷ lục thế giới bơi 50m ngửa và 200m ngửa, với lần lượt 26 giây 86 và 2 phút 03 giây 14.



Emma McKeon (Australia) sẽ bước vào Olympic cuối cùng, sau khi trở thành nữ VĐV giành đầu tiên giành bảy huy chương ở một kỳ Thế vận hội, tại Tokyo 2021. Kình ngư sinh năm 1994 về nhất ở 50m, 100m, 4x100m tự do và 4x100m hỗn hợp, cùng ba HC đồng 100m bướm, 4x200m tự do và 4x100m tiếp sức hỗn hợp nam nữ.

Nữ VĐV khác giành được bảy huy chương là VĐV thể dục dụng cụ Maria Gorokhovskaya (Liên Xô cũ), với hai HC vàng và năm HC bạc, tại Helsinki 1952.



Qin Haiyang (Trung Quốc) đại diện cho thế hệ mới tài năng của bơi Trung Quốc. Kình ngư sinh năm 1999, với tên phiên âm Việt Nam là Hải Dương, được mệnh danh là “Hoàng tử Ếch”. Anh giữ kỷ lục thế giới 200 m ếch với 2 phút 5 giây 48, lập tại Giải VĐTG 2023. Cũng tại giải này, Haiyang giành ba HC vàng khác ở 50m và 100m ếch, cùng 4x100m tiếp sức hỗn hợp nam nữ.

Trong năm 2023, Qin Haiyang giành 33 HC vàng tại các giải đấu lớn trong nước và quốc tế. Anh đang nuôi tham vọng tạo tiếng vang lớn tại Olympic 2024. “Tôi hy vọng bản thân như tia sét trong hồ bơi tại Paris”, Haiyang nói với China Daily.



Pan Zhanle (Trung Quốc) hy vọng tạo đột phá ở 100m và 200m tự do. Kình ngư 19 tuổi là tài năng sáng giá, đã phá kỷ lục thế giới 100m tự do ở giải VĐTG 2024, với 46 giây 80. Anh còn cùng Trung Quốc về nhất ở nội dung 4x100m, 4x200m tự do và 4x100m tự do hỗn hợp nam nữ.

Trong năm 2023, Pan là kình ngư nam đầu tiên lịch sử bơi 50m tự do dưới 22 giây, 100 m tự do dưới 47 giây và 200m tự do dưới 1 phút 45 giây.



Zhang Yufei (Trung Quốc) đang là ĐKVĐ Olympic ở nội dung 200m bướm, cùng HC bạc 100m bướm. Bên cạnh đó, cô giành HC vàng 4x200m tự do và HC bạc 4x100m hỗn hợp nam nữ.

Kình ngư sinh năm 1998 được mệnh danh là “nữ hoàng bướm” của châu Á. Cô là nữ VĐV hiếm hoi của châu Á có thể cạnh tranh huy chương tại Olympic 2024, bên cạnh đồng hương Tang Qianting ở nội dung 100m ếch.

Vấn đề của bơi Trung Quốc nằm ở khâu tâm lý, sau bê bối doping từ Tokyo 2021, với 23 kình ngư dương tính với một loại thuốc trợ tim bị cấm. Cơ quan phòng chống doping thế giới WADA đã phán quyết rằng, nồng độ chất cấm không có khả năng tạo ra bất kỳ sự cải thiện nào về hiệu suất cho VĐV. Bên cạnh đó, môi trường ô nhiễm ở Trung Quốc cũng dẫn đến VĐV bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các kình ngư Trung Quốc được dự báo sẽ đối mặt nhiều sức ép tại Olympic sắp tới.

Hiếu Lương

Ảnh: AP, Reuters, Xinhua

Leave a Comment

0.0/5