Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Djokovic và đồng nghiệp chọn HLV như thế nào

Tìm người sẵn sàng song hành cùng bạn ở các giải đấu khi cần, và người đó từng là bại tướng để giúp bạn có ngày hôm nay. Đó là cách tay vợt thành công nhất lịch sử Djokovic tìm đến Andy Murray. Việc anh mời cựu tay vợt số một thế giới về làm HLV, ít nhất là tại Australia Mở rộng 2025, đã khơi dậy một trong những chủ đề đáng bàn luận trong quần vợt: mối quan hệ giữa tay vợt và HLV.

Xuyên suốt sự nghiệp, Djokovic luôn tìm kiếm mẫu HLV từng trải qua những thử thách và đỉnh cao tương tự như anh. Boris Becker, Andre Agassi, Goran Ivanisevic và giờ là Murray đều đáp ứng tiêu chuẩn đó. Tất cả từng vô địch Wimbledon. Ngoại trừ Ivanisevic, ba cái tên còn lại đều sở hữu nhiều hơn một danh hiệu Grand Slam.

Với đội ngũ huấn luyện, Djokovic cần một tiếng nói có trọng lượng, một người mà anh tôn trọng và có thể nói chuyện thoải mái với bầu không khí vui vẻ khi làm việc. Mọi thứ sẽ được duy trì cho đến khi xuất hiện sự ngột ngạt. Vài tháng sau khi chia tay Djokovic, Ivanisevic – người giúp tay vợt Serbia giành 12 Grand Slam trong sáu năm gắn bó – tiết lộ hồi tháng 3 năm nay rằng họ “đường ai nấy đi” đơn giản vì hết kiên nhẫn với nhau.





Djokovic (phải) và Ivanisevic tại Paris Masters 2023. Ảnh: Reuters

Djokovic (phải) và Ivanisevic tại Paris Masters 2023. Ảnh: Reuters

Gần đây, làng quần vợt nữ chứng kiến nhiều tay vợt hàng đầu sa thải rồi tuyển dụng người mới, như số hai thế giới Iga Swiatek, số ba Coco Gauff, số sáu Elena Rybakina hay Naomi Osaka – chủ nhân của bốn Grand Slam. Mục tiêu của họ là cải tiến lối chơi, nâng cao kỹ thuật và phù hợp với HLV về tính cách cùng phương pháp huấn luyện. Tất nhiên, ai cũng hướng đến chiến thắng cùng những chiếc cup, hoặc ít nhất quá trình hợp tác cần cho thấy sự hiệu quả về phương diện nào đó.

Việc thường xuyên di chuyển, làm việc, tập luyện và sinh hoạt với nhau gần như suốt cả năm chẳng phải chuyện dễ dàng trong mọi lĩnh vực, không riêng gì quần vợt. Sandra Zaniewska, HLV của tay vợt số 18 thế giới Marta Kostyuk, trả lời phỏng vấn tờ Athletic hồi đầu năm: “Nếu có gia đình và con cái, chắc tôi chẳng thể đi cùng Marta ở các giải đấu”.

Dù là bậc thầy về kỹ thuật hay chuyên gia tâm lý, là nhà vô địch đã khẳng định tên tuổi hay tay vợt trẻ triển vọng, cả HLV lẫn tay vợt đều phải cân nhắc và đưa ra vô số quyết định khi lựa chọn nhau.

Rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến điều này. Đôi khi, tay vợt muốn rèn luyện khía cạnh chuyên môn cụ thể nào đó, chẳng hạn như một cú đánh hoặc một mặt sân. Ví dụ Stan Wawrinka. Tay vợt sở hữu ba Grand Slam mời cựu vô địch Wimbledon Richard Krajicek năm 2016 để giúp anh cải thiện khả năng thi đấu trên sân cỏ. Với lý do tương tự nhưng trên sân đất nện, Roger Federer chủ động tìm đến Jose Higueras, còn Murray mang về Alex Corretja.

Để nâng cấp cú giao bóng, Djokovic hợp tác với Ivanisevic – người hiện hỗ trợ cho Rybakina. Nhờ những điều chỉnh của Ivanisevic, Djokovic dần biến cú giao bóng trở thành thứ vũ khí lợi hại, với sự chính xác và mức độ tổn thương thuộc hàng lớn nhất ở làng quần vợt giai đoạn đầu những năm 2020. Trong khi khả năng chơi trên lưới của Nole từng được rèn giũa bởi Mark Woodforde, người từng giành 12 chiếc cup Grand Slam nội dung đánh đôi.

Về phía nhà vô địch đơn nữ Mỹ Mở rộng 2023 Coco Gauff, động lực chính khiến cô chia tay HLV Brad Gilbert là nhằm hướng đến những thay đổi mang tính đột phá về kỹ thuật. Gilbert đã phần nào khắc phục điểm yếu giao bóng và cú thuận tay của Gauff bằng cách thêm vào nhiều yếu tố phòng thủ hơn, dùng sức nhiều hơn. Ông khuyên tay vợt Mỹ thực hiện cú thuận tay với động tác swing chậm hơn để giảm cường độ tấn công từ đối phương. Nói cách khác, Gilbert muốn Gauff giảm nhịp độ đường bóng, thay vì chơi đôi công liên tục như trước. Khi đối thủ nhận ra điều này, cùng việc khả năng giao bóng vẫn bất ổn, Gauff hiểu rằng đã đến lúc cô phải thay đổi, không chỉ trong lối chơi, mà còn ở vị trí HLV.





Gauff (trái) và HLV Gilbert ở Mỹ Mở rộng 2023. Ảnh: USTA

Gauff (trái) và HLV Gilbert ở Mỹ Mở rộng 2023. Ảnh: USTA

“Tôi muốn tìm ai đó giúp tôi tiến bộ, đặc biệt ở cú giao bóng”, Gauff nói trong buổi họp báo tại WTA Finals, giải đấu cô lên ngôi hậu sau một tháng làm việc với Matt Daly – chuyên gia về bộ chân và cách cầm vợt. Daly cùng Jean-Christophe Faurel đã cùng phát triển một thiết bị giúp tay vợt cải thiện khả năng dùng cán vợt. Faurel từng giúp đỡ Gauff trước đây.

Với những chuyên gia mà VĐV đã biết và tin tưởng, họ thường quay lại khi cần trợ giúp. Năm 2018, Djokovic tái ngộ HLV lâu năm Marian Vajda, trước khi cả hai chia tay lần thứ hai bốn năm sau. Murray cũng vậy. Sau khi tạm biệt Ivan Lendl năm 2014, tay vợt Scotland mời lại HLV này hai năm. Đến năm 2022, Lendl có “nhiệm kỳ ba” dẫn dắt Murray.

Giống trong bóng đá, sau khi sa thải HLV, CLB cũng hay bổ nhiệm những gương mặt có tên tuổi hoặc quen thuộc, thay vì tìm nhân tố mới mẻ nhưng chưa biết rõ. Điều đó cũng mang lại tâm lý ổn định hơn cho VĐV. Điều này càng đúng trong trường hợp của Djokovic, người đã 37 tuổi và không còn nhiều thời gian để thử nghiệm hay mạo hiểm với một thứ gì đó quá lạ lẫm.





Djokovic (trái) và Murray tập luyện cùng nhau tại Australia Mở rộng 2024. Ảnh: Reuters

Djokovic (trái) và Murray tập luyện cùng nhau tại Australia Mở rộng 2024. Ảnh: Reuters

Một trong những ví dụ thành công nhất thời gian gần đây về việc tập trung cải thiện kỹ thuật là trường hợp của tay vợt nữ số một thế giới Aryna Sabalenka. Cú giao bóng của tay vợt Belarus thực sự được nâng tầm kể từ khi cô hợp tác với Gavin MacMillan – một chuyên gia về cơ sinh học.

Đó là điều Swiatek kỳ vọng sẽ nhận được dưới sự chỉ đạo của Wim Fissette. Fissette là cái tên đã quá nổi tiếng tại WTA Tour. Ông từng làm việc cũng nhiều nhà vô địch Grand Slam như Kim Clijsters, Angelique Kerber hay Naomi Osaka. Trước khi chính thức bắt tay, Swiatek gọi điện và có cuộc thảo luận dài với Fissette về những chi tiết và kỹ thuật cụ thể mà cô muốn HLV mới giúp đỡ: “Ông ấy đã chỉ tôi thêm một số tiểu tiết mà tôi chưa từng nghĩ đến trước đây. Chúng tôi có chung quan điểm cũng như ý tưởng để cải thiện lối chơi”, Swiatek nói ở WTA Finals hồi tháng 11.

Về mặt cá nhân, Swiatek đánh giá cao kỹ năng lắng nghe của Fissette: “Việc giao tiếp giữa chúng tôi không gặp trở ngại gì. Wim để tôi nói rất nhiều, trong khi ông ấy vẫn thực sự lắng nghe. Điều đó thật thú vị. Ở chiều ngược lại, Fissette cũng dành lời khen cho Swiatek trên Eurosport tháng trước: “Tôi muốn làm việc cùng Iga, không chỉ bởi cô ấy là tay vợt xuất sắc, mà còn vì phẩm chất của cô ấy, một hình mẫu cho các tay vợt khác học tập”.

Jessica Pegula, á quân Mỹ Mở rộng 2024 sau khi chia tay David Witt và hợp tác với bộ đôi Mark Knowles – Mark Kerlein, nói về tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc cá nhân: “Một số trường hợp làm việc không đạt hiệu quả vì HLV cố gắng thay đổi tay vợt quá nhiều”. Còn với Frances Tiafoe – người vừa mời Witt về đội ngũ, tay vợt số 18 thế giới bày tỏ rõ tiêu chí chọn HLV: “Đó là người phải luôn thúc đẩy tôi và giúp tôi hiểu rõ nhiệm vụ của mình. Nhưng họ cũng phải làm tôi thấy vui và thoải mái. Nếu một HLV đến gặp tôi với kiểu cách cứng nhắc máy móc, tôi sẽ bỏ đi”.

Trong khi đó, Patrick Mouratoglou, người từng làm việc với Serena Williams, Simona Halep, Holger Rune và giờ là Osaka, cho rằng việc trở thành một “tắc kè hoa”, sẵn sàng thích ứng trong mọi hoàn cảnh là điều vô cùng cần thiết.

“Tôi hiểu rằng đôi lúc không thể là chính mình được”, Mouratoglou giải thích. “Như Serena, cô ấy là người muốn kiểm soát mọi thứ. Simona thì ngược lại, cô ấy muốn tôi chủ động ở mọi việc. Simona cảm thấy áp lực khi cố gắng kiểm soát quá nhiều, dẫn đến phong độ suy giảm. Cách tôi giao tiếp và làm việc với Simona hoàn toàn khác so với Serena. Tôi phải thay đổi”.

Nhận định về “thân chủ” mới Osaka, Mouratoglou nói: “Naomi có tính cách thú vị. Không dễ hiểu được vì cô ấy rất kín tiếng và giữ nhiều điều trong lòng. Về mặt chuyên môn cũng như công việc chung, chúng tôi cùng quan điểm. Nhưng một điểm rất quan trọng là phải hiểu rõ con người cô ấy, khi đó mọi thứ sẽ tốt hơn nữa. Việc này cần nhiều thời gian”.





HLV Mouratoglou (trái) và Osaka ở giải Bắc Kinh Mở rộng 2024. Ảnh: CNP

HLV Mouratoglou (trái) và Osaka ở giải Bắc Kinh Mở rộng 2024. Ảnh: CNP

Hiểu rõ tính cách cũng là tiêu chí tối quan trọng của Sabalenka khi chọn HLV. “Tôi không bao giờ tìm kiếm những người có tiếng, vì đó cũng chỉ là cái tên thôi”, tay vợt số một thế giới nói. “Tôi chọn người khôn ngoan và hiểu mình, một người biết rằng kể cả khi tôi phát điên trên sân, đó cũng không phải chuyện cá nhân. Ví dụ như Anton Dubrov. Tôi biết ông ấy khi mới 15 tuổi, thời tôi còn tập ở học viện quần vợt. Với Jason Stacy, phải mất đến hai năm, tôi mới có thể mở lòng và hoàn toàn tin tưởng ông ấy. Tôi thực sự vui vì không vội vàng sa thải ông ấy”.

Trở lại với trường hợp của Djokovic, tay vợt 37 tuổi hi vọng bản thân sẽ phát huy tối đa sức mạnh khi có sự xuất hiện của Murray, đối thủ lâu năm nhưng cũng là người bạn tốt của anh với tính cách hóm hỉnh toát lên sự thông minh. Djokovic tin rằng sự thấu hiểu và năng lượng từ Murray có thể giúp anh có lần thứ 11 đăng quang Australia Mở rộng. Năng lực lớn nhất Murray có thể mang đến cho Djokovic có lẽ là khả năng làm dịu bức bối, giải tỏa ức chế, nỗi thất vọng và đặc biệt là sự kiên nhẫn khi Nole tỏ thái độ cáu kỉnh hay bực bội với chính đội ngũ của anh, một điều chẳng hề hiếm gặp.

Sau cùng, yếu tố then chốt là sự tin tưởng tuyệt đối giữa tay vợt và HLV. Murray có thể tự hào vì anh nhận được điều đó từ Djokovic.

Vy Anh



Leave a Comment

0.0/5